Nụ cười hay nước mắt để theo Ngài

Thứ năm - 13/07/2023 04:13
(Bài giảng lễ Khấn Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương ngày 13.7.2023)

Tôi đã từng đi tham dự Thánh lễ Khấn Dòng của các nữ tu nhiều lần và tôi thường thấy có hai hình ảnh rất đặc biệt và tương phản nhau: Đó là nước mắt và nụ cười của các nữ tu; và đôi khi, không chỉ của các nữ tu Khấn, mà của cả những người tham dự Thánh lễ; nhất là của những người cha mẹ của các chị.

Trước hết, tôi muốn dừng lại một chút về “câu chuyện nước mắt”. Vâng, nước mắt, thường là sự biểu hiện, là dấu chỉ của niềm đau, của tiếc xót, của chia ly, của giã từ, của hy sinh, của chết chóc điêu linh… như cách diễn tả mang tính ngụ ngôn trong ca khúc “Giọt nước mắt quê hương” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong thời chiến tranh.

Giọt nước mắt thương chim, chim bỏ xa rừng
Giọt nước mắt thương đêm, đêm đẩy xe tang
Giọt nước mắt thương em, trên vận nước điêu linh
Giọt nước mắt không tên, xin để lại quê hương…

Vì thế, chúng ta không không lấy làm lạ câu chuyện vừa được nghe trong trình thuật sách Thủ Lãnh nơi Bài đọc 1: lời van xin “khóc tuổi thanh xuân” của người con gái một duy nhất của vị Thủ Lãnh Yeptê, sau khi biết mình là của lễ hy sinh mà người cha đã khấn với Thiên Chúa: "Con chỉ xin cha điều này: xin cha cho con hai tháng, để con cùng các bạn con đi quanh núi đồi mà than khóc tuổi thanh xuân của con". Riêng người cha Yeptê, vì lời nguyền, lời khấn với Thiên Chúa, đã sẵn sàng hiến tế người đầu tiên gặp mặt khi thắng trận trở về…! Oái ăm thay ! Người đó lại là đứa con gái một ! Cho nên, mặc dù Kinh Thánh không nói ông khóc, nhưng đã dùng từ “xé áo mình ra”: Khi thấy đứa con gái, ông liền xé áo mình ra mà kêu lên rằng: "Con ơi, con làm khổ cha, con cũng khổ nữa, vì cha đã khấn hứa cùng Chúa, và cha không thể làm gì khác được". “Xé áo ra” ! Vâng một biểu hiện, một dấu chỉ tan nát, khổ tâm có lẽ còn hơn những giọt nước mắt…khi chính mình ra tay sát tế đứa con gái một yêu dấu !

Ai dám bảo rằng những người nữ tu khấn lần đầu hay khấn trọn hôm nay hoàn toàn thanh thản vui tươi mà trong lòng không vương vấn một chút xót xa nào, quặn thắt nào ! Nếu người con gái của ông Quan Án Yeptê dành hai tháng để “khóc cho tuổi thanh xuân” của mình trước khi chịu sát tế, thì tôi cho rằng, nếu tính từ khi lìa mái ấm để bước vào viện tu, các chị khấn hôm nay, nếu Khấn Trọn cũng ngót nghét 10 năm, khấn lần đầu cũng tròm trèm 5 năm đã nhiều đêm “thút thít cho tuổi thanh xuân của mình” trước khi nói lời cam kết thuộc trọn về Chúa và Hội Dòng, thuộc trọn về tình yêu và sứ vụ trong Lễ Khấn hôm nay ! Vì thế, nếu các chị cảm động thổn thức khi tuyên khấn cũng là chuyện đương nhiên; và nếu không thấy những giọt nước mắt trên gương mặt thì chắc chắn, không ít thì nhiều, họ đã khóc trong lòng ! Có thể nói được, nước mắt của người nữ tu khấn hôm nay phần nào giống với những giọt nước mắt của người thiếu nữ sắp lìa xa mái nhà thân yêu, chia ly cha mẹ để bước lên xe hoa vĩnh viễn theo chồng, như câu đối của nữ sĩ Hồ Xuân Hương: Khấp như nữ tử vu quy nhật…

Riêng những bậc làm cha, mẹ của những người con khấn dòng hôm nay cũng vậy ! Ai không muốn đứa con mình rứt ruột đẻ ra, cho bú mớm, dạy dỗ dưỡng nuôi, chịu thương chịu khó… sẽ lớn lên ở bên cạnh để phụng dưỡng chăm sóc thương yêu mình ! Thế nhưng, với tâm nguyện, với tình yêu và niềm tin để cọng tác với Thiên Chúa, để góp phần cho công trình cứu độ của Ngài, cho dù phải “đánh mất đứa con khỏi mái ấm gia đình”, cho dù “sẽ không được có đứa con gái yêu bên cạnh trong những lúc tối lửa tắt đèn, ốm đau bệnh tật để chăm nom phụng dưỡng…, các vị cũng phải “cắn răng xin vâng”, chẳng khác nào như Thủ lãnh Yeptê “xé áo mình ra” để sát tế con gái một hay như Đức Mẹ đã “cắn răng đứng dưới chân thập giá” để hiến dâng Người Con một dấu yêu cho Thiên Chúa. Xin cảm ơn các người cha, người mẹ vì những hy sinh to lớn nầy; xin cảm ơn các gia đình vì những của lễ quý báu là những người con, người cháu hôm nay thuộc trọn về Chúa và Hội Thánh !

Thế nhưng, như tôi đã nói ban đầu: trong lễ Khấn không những có nước mắt mà còn có nụ cười. Thật vậy, kể từ sau bài ca tạ ơn kết thúc Thánh Lễ, tất cả chúng ta, các chị khấn dòng cũng như mọi người thân nhân, toàn thể cộng đoàn như òa vỡ trong những nụ cười tươi. Đố mà tìm được tấm hình nào các chị chụp hình sau lễ khấn mà mếu máo khóc. Phải cười thôi, vui thôi, hạnh phúc thôi ! Và dĩ nhiên, đây không là những “nụ cười gượng gạo” để che lấp nỗi bực dọc, buồn nãn, thất bại theo kiểu nụ cười của kẻ học trò thi rớt, như thi hào Chiêu Hổ đối lại Hồ Xuân Hương: “Tiếu tợ thư sinh lạc đệ thì”, nhưng là “nụ cười hạnh phúc” của những người sau bao vất vả truân chuyên “bán đi nhiều thửa ruộng”, vất đi nhiều hành trang của cải… để cuối cùng “tìm được viên ngọc quý”, “tìm thấy kho tàng” ! Vâng đó là “nụ cười hạnh phúc” của cô Maria ở Bêtania sẵn sàng “đập bể bình dầu quý” để xức chân cho Thầy Chí Thánh, là nụ cười mãn nguyện của một bà góa nghèo vừa dâng một “đồng xu ten” để đóng góp cho đền thờ; là nỗi vui của ông ty trưởng thuế vụ Giakêu khi gặp được Thầy Giêsu; là lòng hân hoan phấn khởi của một Lêvi bỏ bàn tiền thu thuế để cất bước theo Thầy… Hay nói theo ngôn ngữ của Chúa Giêsu trong bài giảng Bát Phúc (mà chúng ta vừa nghe công bố), thì đó là nụ cười của những người hạnh phúc vì nghèo khó mà có được Nước Trời, vì hiền lành mà được cơ nghiệp của Chúa, vì đau buồn mà được ủi an, vì khát khao mà được no thỏa, vì xót thương mà được thương xót, vì lòng trong sạch mà được thấy Chúa, vì sống thuận hòa mà được Chúa chọn làm con, vì cam lòng chịu bách hại thương đau nên được ban thưởng hồng ân Nước Chúa…

Và không chỉ hôm nay, giờ phút nầy, mới có những nữ tu khấn dòng hạnh phúc mà suốt 2000 năm nay đã có biết bao nhiêu “kẻ nghèo có phúc”, như Anê, Cê-ci-li-a, Au-gus-ti-nô, Mo-ni-ca, Tê-rê-xa hài đồng, Phan-xi-cô As-si-si…; như cha thánh Maximilien Kolbe, như Mẹ Thánh Têrêxa thành Calcutta, như Á Thánh An-rê Phú Yên, Các Thánh Tử đạo Việt Nam… Vâng, hằng ngày, khắp nơi, có biết bao nhiêu thanh niên nam nữ tiếp tục “đập bể bình dầu thơm quí giá cuộc đời”, tiếp tục “bán đi những thửa ruộng màu mỡ cuộc sống” để phục vụ Đức Kitô trong đời thánh hiến, trong chức linh mục, trong vai trò giáo lý viên, tông đồ giáo dân…; trong thân phận của những người cha người mẹ sẵn sàng dâng hiến những đứa con cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội mà không mong một chút đáp đền, một tia lợi lộc…

Trước mặt người đời, trong bậc thang xã hội hoặc hoặc với sinh mệnh chính trị, có thể họ là những kẻ thấp cổ bé miệng, những người bị trù dập coi thường, những thứ “rác rưởi bỏ đi”, nhưng, trước mặt Chúa thì hoàn toàn khác, như lời Thánh Phaolô trong Bài Đọc II hôm nay: “Điều mà thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những người khôn ngoan phải xấu hổ; điều mà thế gian cho là yếu hèn, thì Thiên Chúa đã chọn để làm cho những gì là mạnh mẽ phải hổ ngươi. Thiên Chúa đã chọn những điều hèn hạ đối với thế gian, những điều bị khinh chê, những điều không không, để phá huỷ những điều hiện hữu, hầu mọi xác thịt không thể vinh vang trước mặt Người”…

Những lời Thánh Phaolô nói đó phải chăng cũng chỉ là sự cắt nghĩa rộng hơn những lời khen tặng của Chúa Giêsu dành cho việc “đập bể bình dầu cam tùng xức chân Chúa” của bà Maria ở Bêtania trước thái độ hẹp hòi ích kỷ của Giuđa “tiếc nuối 300 đồng bạc” mà Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã tóm lại trong tông huấn Đời sống thánh hiến: “điều mà mắt người đời coi là phung phí lại là một cách đáp trả tất nhiên cho một mối tình, một niềm tri ân phấn khởi vì được chọn một cách đặc biệt để được biết Chúa Con và được chia sẻ sứ mạng của Người trong thế giới” (ĐSTH 104). Riêng đối với chị Nữ Tỳ, thì ý nghĩa và nội dung trên, có thể nói được, đã cô đọng thành một câu châm ngôn sống và hành động: “Chọn ngồi vào chỗ cuối” !

Nhưng, hình như thế giới hôm nay “hơi bị nhiều” những chàng Giuđa như thế, những chàng thanh niên, những cô thiếu nữ chấp nhận quay đi và chọn cuộc đời có nhiều của cải với nét mặt u buồn, thay vì “bán tất cả” nở nụ cười tươi đi tới để chọn theo Đức Kitô. Vì thế, tất cả chúng ta, không chỉ cầu nguyện cho các chị khấn dòng hôm nay luôn trung thành mỉm cười cam kết chọn Đức Kitô, chọn ngồi vào chỗ cuối, chọn làm người thiếu nữ con của Thủ lãnh Yeptê sẵn sàng hy sinh tuổi xuân vì một lời cam kết thánh thiện…; hay đơn giản như lời nguyện của đại thi hào Tagore trong bài thơ cầu nguyện “Chỉ mong Ngài hãy lấy đi”. Xin được trích đôi câu:

Chỉ mong Ngài lấy đi
Mong chẳng còn gì thuộc về con…
Chỉ mong Ngài xoá đi
Mong chẳng còn gì để chiếm hữu…
Chỉ mong Ngài cất đi
Mong chẳng còn gì để nắm giữ…
Để con chỉ biết yêu
Yêu một mình Ngài trọn đời con
Con nhìn nhận Chúa chính Nguồn Tình Yêu.

Chúc cho các chị Khấn hôm nay và cho tất cả những ai góp phần làm nên những ơn gọi thánh hiến luôn giữ mãi nụ cười cho cuộc sống – Nụ cười hạnh phúc vì đã gặp được chính Chúa là Tình yêu.

 

Tác giả: Linh mục Giuse Trương Đình Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây