Lược sử giáo họ biệt lập Thác Đá Thượng

Thứ hai - 25/11/2024 23:40
44697992495 e9829687b9 o

GIÁO HỌ BIỆT LẬP THÁC ĐÁ THƯỢNG

Bổn mạng : Thánh Phêrô và Thánh Phaolô
 
 
 
I. VỊ TRÍ, ĐỊA LÝ VÀ NHÂN VĂN

Địa bàn giáo họ biệt lập Thác Đá Thượng bao khu phố Bình Chương, phường Hoài Đức (tính từ ngã ba Cầu Dợi trở ra hướng Bắc) và các khu phố 1,2,3,4,5,6, Liêm Bình, Phụ Đức, phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn. Trung tâm sinh hoạt của giáo họ biệt lập Thác Đá Thượng tọa lạc tại nhà thờ Thác Đá Thượng, khu phố Bình Chương, phường Hoài Đức, thị xã Hoài Nhơn.

Trên địa bàn giáo họ biệt lập Thác Đá Thượng có sông Lại Giang chảy qua từ Tây xuống Đông, với giáo họ Thác Đá Thượng ở hữu ngạn, các giáo họ Trung Yên và Bồng Sơn ở tả ngạn. Địa bàn của hai giáo họ Trung Yên và Bồng Sơn bao gồm phần đất phía Đông của phường Bồng Sơn,[1] với ranh giới phía Tây là quốc lộ mới 1A và ranh giới phía Đông là đường sắt Bắc Nam. Quốc lộ 1 cũ chạy ở khoảng giữa 2 đường này.

Phần đất phía Đông của phường Bồng Sơn này là thủ phủ của huyện Bồng Sơn ngày xưa. Theo lịch sử Nam tiến của Việt Nam, năm 1471, sau khi đánh bại Trà Toàn, vua Chiêm Thành, và chiếm được thành Đồ Bàn, vua Lê Thánh Tôn đã lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện, trong đó có huyện Bồng Sơn (nay là thị xã Hoài Nhơn và các huyện Hoài Ân và An Lão). Tên gọi Bồng Sơn đã bắt đầu xuất hiện từ đó.[2] Theo một số tài liệu không chính thức, “Bồng Sơn” mang nghĩa là “non bồng”, ý chỉ vùng đất đẹp như cõi tiên của cư dân trong vùng.

Phần đất phía Đông của phường Bồng Sơn nay là trung tâm của thị xã Hoài Nhơn. Với vai trò trung tâm kinh tế, chính trị, hành chính, thương mại và dịch vụ, và theo điều kiện phát triển tự nhiên, phần đất này được xem như thủ phủ Bắc Bình Định, là đầu mối giao thông quan trọng trong hệ thống giao thông quốc gia, nối các huyện miền núi và trung du với đồng bằng và vùng biển của bắc Bình Định, là cầu nối giao thương kinh tế giữa Bình Định và Quảng Ngãi, được xem là trung điểm giữa 2 thành phố lớn Quy Nhơn - Quảng Ngãi. Ga Bồng Sơn là ga quan trọng trong hệ thống đường sắt Việt Nam, đứng thứ 2 tỉnh Bình Định sau Diêu Trì.

 
II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

Theo thống kê năm 1747, tại phủ Qui Nhơn, họ đạo Lại Giang có 120 tín hữu. Đây là một trong số 14 họ đạo thuộc quyền các thừa sai dòng Phanxicô.[3] Có lẽ giáo họ biệt lập Thác Đá Thượng hiện nay là một phần của họ đạo Lại Giang, vì nằm 2 bên nửa trên của sông Lại Giang.

Năm 1830, cha Franҫois Isidore Gagelin Kính đang ở Lái Thiêu, được Đức cha Taberd bổ nhiệm làm Quyền Đại diện của Địa phận Đàng Trong và được giao phó việc chăm sóc mục vụ các tín hữu tại 3 tỉnh miền Trung: Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Ngày 06.01.1833, vua Minh Mạng ra chiếu cấm đạo gắt gao với lệnh truy nã các thừa sai ngoại quốc, cha Gagelin phải tạm ẩn trú trên miền núi. Tuy nhiên, vì nghe biết các giáo dân bị nhà cầm quyền tra khảo bắt phải khai nơi ẩn nấp của cha, nên cha đã viết thư xin phép Đức Giám mục cho cha ra trình diện để giáo dân khỏi bị tra tấn. Sau khi được phép của Đức Giám mục, cuối tháng 5 năm 1833, từ Long Quan cha Gagelin tự nộp mình cho quan huyện Bồng Sơn nhằm xoa dịu những cơn bách hại các tín hữu. Có thể nơi cha ra nộp mình nằm trong địa bàn của giáo họ biệt lập Thác Đá Thượng hiện nay, bởi vì vào thời ấy huyện lỵ Bồng Sơn đặt tại thôn Liêm Bình,[4] nay là khu phố Liêm Bình thuộc địa bàn giáo họ biệt lập Thác Đá Thượng. Ngày 23.08.1833, cha Gagelin được áp giải về tới Huế. Ngày 17.10.1833, cha chịu tử đạo tại Bãi Dâu, Huế. Ngày 19.06.1988, cha được tuyên phong hiển thánh.

Theo báo cáo của Đức cha Cuenot gửi Thánh bộ Truyền giáo về tình hình Địa phận năm 1850, họ đạo Thác Đá có 331 giáo dân, là 1 trong số 15 họ đạo thuộc địa sở Bồng Sơn Miền Núi. Địa sở Bồng Sơn Miền Núi có 15 họ đạo, Thác Đá là trụ sở. Vì vậy thời gian sau được gọi là địa sở Thác Đá. Giáo họ biệt lập Thác Đá Thượng hiện nay là một phần của địa sở Thác Đá ngày xưa.

Trong cuộc tàn sát của phong trào Văn Thân năm 1885, họ đạo Trung Yên có 47 anh hùng tử đạo, các ngài bị chôn sống tại lò gạch ông Câu Lý (thân phụ linh mục Gioakim Nguyễn Du).

 
1. Địa sở Thác Đá hậu Văn Thân, tiền thân của giáo họ biệt lập Thác Đá Thượng

Do cuộc tàn sát của Văn Thân, địa sở Thác Đá không còn có cha sở trong một thời gian và được cha sở Gia Hựu kiêm nhiệm. Sau năm 1887, cha François Geffroy Bửu, cha sở Gia Hựu phụ trách chung cả vùng Bắc Bình Định, có cha phụ tá ở tại Thác Đá, Đồng Quả và Đồng Dài. Với sự cộng tác của cha  Eugène Durand Lộc, cha Geffroy đã tổ chức qui tập hài cốt các tín hữu vùng Bắc Bình Định bị Văn Thân sát hại. Số hài cốt này được chôn cất tại bốn nhà mồ: Gia Hựu, Đồng Quả, Thác Đá Thượng và Nước Nhỉ. Hiện nay nhà mồ tại Thác Đá Thượng tương đối còn nguyên vẹn.

Sự kiện nhà mồ được xây dựng tại Thác Đá Thượng cho thấy sau năm 1885, Thác Đá Thượng trở thành trung tâm sinh hoạt của địa sở Thác Đá. Hơn nữa, số tín hữu tại Thác Đá Thượng ngày càng đông do số tân tòng gia tăng. Như vậy, địa sở Thác Đá sau Văn Thân được coi là tiền thân của giáo họ biệt lập Thác Đá Thượng ngày nay, vì đặt trụ sở tại Thác Đá Thượng.

Từ năm 1889, các họ đạo bị Văn Thân bách hại dần dần hồi sinh và số tín hữu mới gia tăng rất đông, do đó nhiều họ đạo được thành lập thuộc địa sở Thác Đá: Trung Yên, Trung Lương, Vạn, Mỹ Thọ, Tân Đức và Lò Gốm. Một số công trình xây dựng mới mọc lên đây đó tại Định Bường, Diên Khánh, Lại Đước, Lại Khánh. Vào thời điểm này Bồng Sơn, nằm bên tả ngạn sông Lại Giang, chưa phải là một họ đạo đúng nghĩa, nhưng chỉ là trung tâm hành chánh Pháp và Việt của địa phương, nơi có vài gia đình công giáo làm nghề buôn bán hoặc công chức.[5] Thác Đá Hạ và Trung Yên là những họ đạo nhỏ nhưng tốt, trong khi đó Thác Đá Thượng và Đại Bình là hai họ đạo quan trọng hơn, nhưng không được tốt lắm vì có một số gia đình không sống gương mẫu.[6]

Năm 1890, Đồng Quả được tách khỏi Thác Đá, thành lập địa sở Đồng Quả. Ở miền núi phía Tây, địa sở Thác Đá có thêm các họ đạo được thành lập là Gia Chiểu, Linh Chiểu, An Chiểu, Đức Long, An Thoại, An Đông. Gia Chiểu được chọn làm trú sở của các linh mục. Địa sở Thác Đá lần lượt được cai quản bởi các thừa sai Jean-Marie Guéno (1894-1895), Louis Célestin Vallet (1896-1898).

Năm 1898 cha Vallet Ngân được đưa về Qui Nhơn làm quản lý và cha Jean Demeure đến kế nhiệm. Cha Demeure tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm với lòng hăng say, khiến cho địa sở Thác Đá đạt được một mùa bội thu các anh chị em tân tòng.[7]

Năm 1899, Đồng Dài được tách khỏi Thác Đá, thành lập địa sở Đồng Dài. Năm 1890, Đồng Quả được tách khỏi Thác Đá, thành lập địa sở Đồng Quả.

Sau cha Demeure đến lượt cha Charles Vallet được bổ nhiệm làm cha sở Thác Đá, cha làm việc tại đây cho đến năm 1903. Năm 1903, có 242 người lớn được rửa tội, nâng số giáo hữu Thác Đá lên đến 3.882 người trong 28 họ đạo. Do số tín hữu của Thác Đá Thượng ngày càng đông vì số tân tòng gia tăng, nên một nhà thờ rộng rãi, kiên cố và khang trang đã được xây dựng tại đây và được làm phép vào tháng 6 năm 1903.

Số giáo hữu gia tăng nhanh như thế nên các họ đạo : Vạn, Mỹ Thọ, Tân Đức, Hội Đức và Lò Gốm được tách ra từ Thác Đá để thành lập địa sở Hội Đức. Có thể lúc ấy họ đạo Trung Yên cũng thuộc về địa sở Hội Đức.[8]

Năm 1903, cha Charles Vallet được gọi về Đại chủng viện, cha ra đi giao quyền cai quản địa sở Thác Đá cho cha Denis Poyet, cha sở Đồng Dài. Để cai quản cả Thác Đá và Đồng Dài, cha Poyet được sự trợ giúp của 3 cha người Việt, trong số đó có một cha đã lớn tuổi. Như vậy là quá ít vì số giáo dân của hai địa sở lên đến 5.647 người, với những khó khăn đặc biệt của công việc mục vụ đối với những người tân tòng. [9]

Trong số các cha phó có cha Văn được sai đi làm việc tại địa sở Thác Đá từ năm 1903  nhưng ở tại Gia Chiểu, đến năm 1909 cha được gọi về trường Đại An.[10] Năm 1904 cha Phêrô Lục cũng được đưa về phục vụ tại Thác Đá một thời gian ngắn.[11]

Năm 1904, cha Charles Saulcoy được bổ nhiệm làm cha sở Thác Đá (1904-1917). Cha thấy rằng địa sở gồm có 3.797 tín hữu, được phân bố trong 26 họ đạo, có 2 dòng sông chảy qua rất khó để vượt qua, nên cần phải có thêm một linh mục thứ ba, mới có thể dạy dỗ các tân tòng và đào tạo họ trong việc thực thi đời sống Kitô hữu.[12]

Địa sở đang trên đà phát triển thì phải đối diện với phong trào xuất giáo do ảnh hưởng các biến cố chính trị. Trước hết là biến cố Nhật thắng Nga ở cửa Lữ Thuận vào năm 1905, khiến các Văn Thân lợi dụng cơ hội này để tạo nên những tin đồn sắp có chiến tranh và Công giáo sẽ bị bách hại. Tiếp đến, cuối năm 1905 tại Pháp ban hành chính sách « chính giáo phân ly ». Chính quyền thuộc địa Pháp tại Việt Nam lúc bấy giờ không có thiện cảm với Giáo Hội và có đầu óc bài giáo sĩ. Họ ngầm xúi giục các tín hữu làm đơn gửi lên tòa tỉnh xin xuất giáo. Các quan lại và thân hào Việt Nam cũng vận động các tín hữu làm đơn xin xuất giáo, trong đó ghi là trước đây họ theo đạo vì bị áp lực hoặc bị dụ dỗ. Hơn nữa, phong trào xuất giáo còn được đẩy mạnh bởi « loạn đồng bào ». Ban đầu là những cuộc biểu tình chống thuế một cách ôn hòa, nhưng dần dần trở nên bạo động. Những sự kiện và biến động như thế đã làm chao đảo các tân tòng, khiến cho hàng trăm người bỏ đạo, nhiều nhất là ở vùng Bồng Sơn, có nơi cả họ đạo bị xóa sổ.[13] Nhiều người vẫn chưa quên được cuộc tàn sát dã man của phong trào Văn Thân mới xảy ra trước đó vài thập niên.

Theo thống kê năm 1911, địa sở Thác Đá có 18 họ đạo, 921 tín hữu.[14] Số tín hữu của địa sở Thác Đá tiếp tục giảm sút không thể vực lên được. Tháng 06 năm 1914, vùng Gia Chiểu, Đồng Hâu, Gò Dê được tách khỏi địa sở Thác Đá, nhập vào địa sở Đồng Quả. Năm 1921, địa sở Thác Đá có 10 họ đạo, 750 tín hữu.[15] Trong thời gian từ 1917 đến 1926, cha sở Thác Đá kiêm địa sở Đồng Dài.

Năm 1936, cha Paul Valour (cố Lực) được bổ nhiệm làm cha sở Thác Đá. Lúc bấy giờ địa sở chỉ có một ngôi nhà thờ nhỏ nhưng bị trận bão năm 1932 đánh sập và được thay thế bằng một nhà nguyện đơn giản trong khi chờ đợi hoàn cảnh thuận lợi để xây nhà thờ mới. Cha Valour xây nhà vuông trên một nền thật cao để tránh những trận lụt lớn thường xảy đến vào tháng 10 và tháng 11 hằng năm.[16]

Năm 1938, cha Antôn Huỳnh Ngọc Thạnh được bổ nhiệm làm cha sở Thác Đá. Đầu năm 1941 cha ngã bệnh và qua đời khi vừa tròn 54 tuổi.[17] Vào thời điểm này, Thác Đá Thượng có một tầm quan trọng đặc biệt nhờ tọa lạc giữa hai ga xe lửa Bồng Sơn và Bình Chương, rất gần với bưu điện, chợ, bệnh xá, cơ quan hành chánh địa phương Pháp cũng như Việt, các ngã đường đều tụ về đây, đường bộ cũng như đường thủy, từ Đồng Quả, Gia Chiểu, An Lão, Đồng Dài đều tựu về đây, hoặc ngược dòng sông Lại Giang từ cửa An Dũ lên đến đường cái quan.[18]

Năm 1941, cha Giuse Nguyễn Tý làm cha sở Thác Đá, cha dời trụ sở về Đại Bình. Theo thống kê tình hình giáo phận năm 1941, địa sở Thác Đá có các họ đạo: Thác Đá Thượng 148 tín hữu, Thác Đá Hạ 90, Đại Bình 180, Trung Yên 88, Trung Lương 59, Lại Khánh 20, Lại Đước 14, Bồng Sơn 23.[19]

Năm 1952, cha Tý được bổ nhiệm làm tuyên úy dòng Mến Thánh Giá. Từ năm 1952-1953, cha Phêrô Nguyễn Đình Tịch, cha sở Nước Nhỉ kiêm nhiệm Thác Đá, đặt trụ sở tại Đại Bình. Cha Giuse Tô Đình Sơn đến Đại Bình làm việc trong thời gian ngắn (1953-1954).

 
2. Giai đoạn thuộc các giáo xứ Đại Bình, Hội Đức và Bồng Sơn

Giáo họ biệt lập Thác Đá Thượng hiện nay bao gồm 3 giáo họ: Thác Đá Thượng, Trung Yên và Bồng Sơn. Qua dòng lịch sử, Trung Yên và Bồng Sơn nguyên là hai họ đạo của địa sở Thác Đá, sau đó được nhập vào giáo xứ Hội Đức. Khi giáo xứ Hội Đức không còn nữa thì nhập về giáo xứ Bồng Sơn. Khi giáo xứ Bồng Sơn không còn thì nhập về giáo xứ Đại Bình. Về phần giáo họ Thác Đá Thượng, nguyên là họ nhánh của địa sở Thác Đá tiền Văn Thân, sau đó trở thành họ chính của địa sở Thác Đá hậu Văn Thân, cuối cùng khi giáo xứ Thác Đá hậu Văn Thân không còn thì trở thành họ nhánh của giáo xứ Đại Bình.

Năm 1955, cha Giuse  Nguyễn Văn Ái được bổ nhiệm làm cha sở Thác Đá, nhưng ở tại Đại Bình. Năm 1957, cha xây dựng nhà thờ và nhà xứ Đại Bình khang trang, từ đây địa sở Đại Bình thay thế địa sở Thác Đá.

Không biết giáo họ Bồng Sơn được tách khỏi giáo xứ Thác Đá và sáp nhập vào giáo xứ Hội Đức lúc nào. Chỉ biết khi làm cha sở Hội Đức (1958-1960), ngày 03.10.1958, cha Gioakim Đoàn Kim Hiền đã giao cho chính quyền Bồng Sơn một số ruộng với đầy đủ trích lục để hoán đổi khuôn đất có giới cận: Nam giáp trường Trung học Tăng Bạt Hổ (cũ), Bắc giáp bệnh viện Bồng Sơn (cũ), Đông giáp đường sắt, Tây giáp quốc lộ 1.

Chỗ góc Tây Bắc khuôn đất vườn này, cha Gioakim Hiền cất một ngôi nhà cấp 4, xây gạch lợp ngói hình chữ nhật 3 gian: 2 gian phía Đông làm nhà nguyện, 1 gian còn lại làm phòng khách. Cha Gioakim Hiền cũng cất trường mẫu giáo và nhà ở cho các nữ tu hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn dạy trẻ cho đến năm 1963.

Vào thời cha Gioakim Huỳnh Văn Hóa, chánh xứ Hội Đức, kiêm Hạt trưởng Bồng Sơn (1964-1970), cha đã xây tại khu đất ở Bồng Sơn ngôi nhà một tầng trệt và một tầng lầu. Tầng trệt có 2 phòng lớn và cầu thang ở giữa. Tầng lầu có 2 phòng lớn, 2 phòng nhỏ và cầu thang ở giữa lên sân thượng.

Tháng 10 năm 1965, nhà thờ Hội Đức bị đạn canon phá sập, cha Gioakim Huỳnh Văn Hóa dời cư sở đến Bồng Sơn. Nhiều giáo dân ở các xứ trong vùng chiến tranh, tập trung về tạm cư trong khuôn viên nhà thờ Bồng Sơn.

Năm 1966, cha Tôma Bùi Đức được bổ nhiệm làm chánh xứ giáo xứ Hội Đức và ở tại Bồng Sơn, Cha Gioakim Huỳnh Văn Hóa chỉ làm Hạt trưởng Bồng Sơn và ở tại ngôi nhà xây gạch lợp tranh tại giáo họ Tân Đức (Thiết Đính). Theo lịch công giáo của giáo phận, năm 1969, tên gọi giáo xứ Bồng Sơn được thay cho tên gọi giáo xứ Hội Đức.

Ngày 01.03.1971, Đức cha Đôminicô Hoàng Văn Đoàn, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Quang Báu làm chánh xứ giáo xứ Bồng Sơn, kiêm Hạt trưởng Bồng Sơn, thường trú tại nhà thờ Bồng Sơn. Việc trước tiên, cha tu sửa ngôi nhà cha Gioakim Hiền đã xây: lấy trọn 3 phòng làm nhà thờ có mặt tiền với cây Thánh giá nhìn ra quốc lộ 1.

Nhà lầu cha Gioakim Hóa đã xây cũng được sửa lại để có đủ phòng lớp dạy học. Ngày 01.05.1971, Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn cho 2 nữ tu và 1 đệ tử đến Bồng Sơn, phụ trách trường Bồng Sơn. Mùa Hè "đỏ lửa" năm 1972, trường Tư thục Công giáo Bồng Sơn phải đóng cửa. Các nữ tu đã trở về nhà Mẹ Dòng Mến Thánh Giá tại Qui Nhơn.

Cha Phêrô Nguyễn Quang Báu chạy vào tá túc tại Tòa Giám mục Qui Nhơn. Khi tình hình chiến cuộc tại Bồng Sơn lắng dịu, cha trở về Bồng Sơn. Lúc ấy nhà thờ, nhà trường, nhà các nữ tu đều hư sập. Đồ đạc: bàn ghế, tủ giường, sách vở mất hết. Một số sách vở và giấy tờ bị đốt cháy. Trước hết, cha sửa nhà thờ để có nơi cho giáo dân cầu kinh dâng lễ. Tiếp theo: cha sửa nhà xứ và nhà ở của các nữ tu, dọn dẹp khuôn vườn và nhà cửa sạch sẽ, rào quanh vườn và trồng dừa để làm ranh giới.

Ngày 03.08.1974, tình hình chiến cuộc lại leo thang, đường bộ từ Bồng Sơn vào Qui Nhơn bị phong tỏa. Cha Phêrô Nguyễn Quang Báu cùng với dân chúng theo quốc lộ 1 chạy ra Quảng Ngãi, xuống bến canô, mua vé vào Qui Nhơn theo đường biển. Sau một đêm trên canô, sáng hôm sau tới bến cảng Qui Nhơn. Cha Báu về ở Tòa Giám mục Qui Nhơn một thời gian khá lâu. Sau ngày 30.4,1975, cha được bổ nhiệm làm cha sở Gò Thị.

Ngày 24 tháng 4 năm 1975, cha Phêrô Đặng Son được đưa về làm cha sở Bồng Sơn. Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau, vào ngày 4 tháng 6, cha lại được đổi về làm cha sở Đại Bình, vì cha Phêrô Nguyễn Kỳ Hội được đưa về làm cha sở Bồng Sơn, thường trú tại nhà thờ Bồng Sơn. Ngày 08 tháng 4 năm 1984, cha Phêrô Nguyễn Kỳ Hội qua đời, toàn bộ giáo xứ Bồng Sơn được sáp nhập vào giáo xứ Đại Bình. Vì vậy hai giáo họ Bồng Sơn và Trung Yên thuộc về giáo xứ Đại Bình.

Một thời gian sau, nhà thờ, trường lầu và nhà ở các nữ tu tại Bồng Sơn bị nhà nước trưng dụng,[20] sau đó bị triệt hạ để xây bệnh viện. Bệnh viện Bồng Sơn đã được xây dựng trên khuôn đất vườn nhà thờ Bồng Sơn và khuôn đất trường Tăng Bạt Hổ (cũ). Bệnh viện Bồng Sơn hiện nay phía Bắc giáp sát đất vườn Bệnh viện Bồng Sơn (cũ). Bồn nước của Bệnh viện Bồng Sơn được đặt đúng tại vị trí bàn thờ của nhà thờ Bồng Sơn.

Năm 1990, cha Phêrô Nguyễn Văn Kính được bổ nhiệm làm cha sở Đại Bình. Tại giáo họ Thác Đá Thượng, nhà thờ bị sập trong chiến tranh nên các cha sở trước tu sửa nhà vuông để sử dụng làm nhà thờ; năm 1998 cha Kính tu sửa mặt tiền nhà thờ.

Ngày 13 tháng 6 năm 2014, cha Giuse Nguyễn Ngọc Bình được Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi bổ nhiệm làm cha sở Đại Bình thay thế cha Giuse Võ Tuấn được đổi vào làm cha sở Phù Mỹ. Tháng 9 năm 2017 cha Bình khởi công xây dựng mới nhà thờ Thác Đá Thượng. Lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ Thác Đá Thượng được Đức cha Matthêô chủ sự ngày 18 tháng 10 năm 2018.

Ngày 18 tháng 10 năm 2023, theo sự thuyên chuyển của Tòa Giám mục, cha Phaolô Nguyễn Duy Thanh được đưa về làm cha phó biệt cư tại nhà thờ Thác Đá Thượng. Cha di thăm viếng từng gia đình, củng cố ban chức việc, củng cố và đào tạo giáo lý viên, tổ chức phát quà cho người già và người nghèo khổ 1 năm 2 lần.

 
3. Thành lập giáo họ biệt lập Thác Đá Thượng

Ngày 18 tháng 11 năm 2024 Đức cha Matthêô ký văn thư thành lập giáo họ biệt lập Thác Đá Thượng và văn thư bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Duy Thanh làm cha quản nhiệm. Sáng ngày 21 tháng 11 năm 2024, Đức Giám mục về nhà thờ Thác Đá Thượng chủ sự thánh lễ và công bố 2 văn thư trên.
Giáo họ biệt lập Thác Đá Thượng hiện có 162 gia đình, 606 giáo dân, được phân bố trong các giáo họ:

 
1. Thác Đá Thượng:

- Nhà thờ: xây dựng năm 2018 tại khu phố Bình Chương, phường Hoài Đức, thị xã Hoài Nhơn.
- Số gia đình và giáo dân: 66 gia đình, 257 giáo dân.
- Bổn mạng: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô.

 
2. Trung Yên:

- Nhà thờ: (Nhà nước xây trường) tại thị trấn Bồng Sơn.
- Số gia đình và giáo dân: 59 gia đình, 246 giáo dân.
- Bổn mạng: Đức Mẹ Mân Côi.

 
3. Bồng Sơn:

- Nhà thờ: (Nhà nước xây bệnh viện) tại thị trấn Bồng Sơn.
- Số gia đình và giáo dân: 37 gia đình, 103 giáo dân.
- Bổn mạng: Thánh Giuse Thợ.



 
 

[1] Phường Bồng Sơn nguyên là một xã thuộc huyện Hoài Nhơn và là huyện lỵ huyện Hoài Nhơn. Ngày 19 tháng 2 năm 1986, chia xã Bồng Sơn thành thị trấn Bồng Sơn và xã Hoài Tiến. Ngày 3 tháng 6 năm 1993, xã Hoài Tiến đổi tên thành xã Bồng Sơn Tây. Ngày 11 tháng 7 năm 1994, sáp nhập xã Bồng Sơn Tây vào thị trấn Bồng Sơn. Ngày 30 tháng 12 năm 2010Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 1174/QĐ-BXD công nhận thị trấn Bồng Sơn mở rộng là đô thị loại IV. Ngày 22 tháng 4 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 932/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Hoài Nhơn và các phường thuộc thị xã Hoài Nhơn (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6 năm 2020). Theo đó, thành lập phường Bồng Sơn thuộc thị xã Hoài Nhơn trên cơ sở toàn bộ 17,39 km² diện tích tự nhiên và 18.390 người của thị trấn Bồng Sơn.
[2] Xem QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN, Đại Nam Nhất Thống Chí, Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, tái bản lần thứ hai, Huế 2006, tập 2, quyển 7, tr. 387-388.
[3] Xem ADRIEN LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, II, tr. 189.
[4] “Phủ lỵ Hoài Nhơn: ở phường Trung An tổng Trung An huyện Bồng Sơn. Nguyên trước ở thôn Liêm Bình, là huyện lị Bồng Sơn. Năm Tự Đức thứ 18 (1865), đổi làm phủ lị. Năm Đồng Khánh, dời đến chỗ hiện nay”. QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN, Đại Nam Nhất Thống Chí, Bản dịch mới của Hoàng Văn Lâu, In lần thứ nhất, tập I, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội 2012, tr. 558.
[5] Xem MISSION DE QUINHON, Compte-rendu et état de la Mission 9/1940 - 9/1941, tr. 17-18.
[6] Xem MISSION DE QUINHON, Compte-rendu et état de la Mission 9/1940 - 9/1941, tr. 17-18.
[7] Xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1898.
[8] Theo sổ Hôn phối của giáo xứ Hội Đức đuợc lưu trữ tại Tòa Giám mục Qui Nhơn, đôi hôn phối đầu tiên được cha Le Darré chứng hôn tại nhà thờ Trung Yên vào ngày 14.11.1903 với chữ ký cha sở Hội Đức.
[9] Xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1903.
[10] Xem MISSION DE QUINHON, Mémorial des mois de Septembre et Octobre 1931, tr. 21.
[11] Xem MISSION DE QUINHON, Mémorial du mois de Janvier 1928, tr. 7.
[12] Xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1905.
[13] Về phong trào xuất giáo, xem BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, Nhà xuất bản Antôn & Đuốc sàng, 2017, tr. 255-256. Về “loạn đồng bào” (les tondus), xem MISSION DE QUINHON, Mémorial, 30 Avril 1908, tr. 34-37.
[14] Xem MISSION DE QUINHON, Mémorial, No 79, 8 Octobre 1911, tr. 102.
[15] Xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1921.
[16] Xem MISSION DE QUINHON, Compte-rendu et état de la Mission 9/1940 - 9/1941, tr. 16.
[17] Xem MISSION DE QUINHON, Mémorial d’Aout-Septembre 1941, tr. 5-7.
[18] Xem MISSION DE QUINHON, Compte-rendu et état de la Mission 9/1940 - 9/1941, tr. 19.
[19] Xem Sđd., tr. 16.
[20] Trưng dụng để mở rộng bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn.
 

Tác giả: Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi – Lm. Gioan Võ Đình Đệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây