GIÁO XỨ NGHĨA ĐIỀN
Bổn mạng : Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria
I. VỊ TRÍ, ĐỊA LÝ VÀ NHÂN VĂN
Giáo xứ Nghĩa Điền bao gồm địa bàn xã Ân Nghĩa và xã Bok Tới của huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Trung tâm sinh hoạt tôn giáo của giáo xứ : Nhà thờ Nghĩa Điền, thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân.
Từ Bắc vào Nam, tại điểm giao DT 630 với QL IA (AH I) thuộc thôn Lại Khánh, xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, theo DT 630 đến nhà thờ Nghĩa Điền khoảng 33 km.
Từ Nam ra Bắc, tại điểm giao DT 631 với QL IA (AH I), thuộc ngã ba Diêm Tiêu, thị trấn Phù Mỹ, theo DT 631 (khoảng 20 km) đến giao với DT 630 tại ngã ba Gò Loi, Ân Tường Tây, theo DT 630 về hướng Tây khoảng 17 km, đến nhà thờ Nghĩa Điền.
Vùng đất giáo xứ Nghĩa Điền là vùng núi phía Tây huyện Hoài Ân. Từ năm 1471 đến 1889, vùng này là vùng thượng du phía Tây của huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn. Năm 1890, vùng đất này được đặt thành châu Hoài Ân, huyện Bồng Sơn. Năm 1899, vua Thành Thái ra chỉ dụ lập huyện Hoài Ân. Tại vùng đất này có dãy núi có tên gọi là Kim Sơn.
Nghênh ngang kìa ngọn Kim Sơn,
Tình chung đất nước, không sờn nắng mưa.
Tục truyền rằng dưới thời nhà Lê trung hưng (1533-1788) triều đình đã cho khai thác vàng ở Kim Sơn. Thời gian chiến tranh Trịnh – Nguyễn (1627-1672) vàng đã cạn, chỉ còn cho người địa phương vất vả đãi cát lấy vàng, đủ tiền công nhật.[1] Thời Nguyễn, Ô Kim (còn gọi là Ô Liêm hay Kim Sơn) là một trong những nguồn thu thuế của phủ Qui Nhơn, đặc biệt là nguồn thu từ các kim hộ (những hộ đãi vàng).[2]
Trong thung lũng dãy núi Kim Sơn này có rất nhiều suối nước tạo nên hệ thống sông Kim Sơn gồm những nhánh sông như sông Nước Mang, sông Nước Lương, sông Nước Roong, sông Nước Lâng, sông Lớn, sông Trắng. Hệ thống sông Kim Sơn như những mạch máu cung cấp sức sống cho cơ thể "Hoài Ân" nói chung, cách riêng cho Ân Nghĩa, vùng đầu nguồn.
Với một địa hình thiên nhiên như thế, vùng Kim Sơn là một vùng nông nghiệp trù phú với các sản vật đa dạng. Từ hương vị của đất đai, khí hậu và nguồn nước đã tạo nên chất lượng của hồ tiêu, cau và trầu nguồn Kim Sơn vang bóng một thời. Cho đến đầu thế kỷ 20, một thừa sai trở lại Kim Sơn,[3] vùng đất đã từng gởi gắm cho ngài món quà hàng hiệu vụng về làm kỷ niệm: những vệt mồ hôi muối trên vai áo, đã viết:
"Tôi đã từng được bổ nhiệm làm việc tại Kim Sơn, một thung lũng hùng vĩ nằm ở miền Tây Bắc tỉnh Bình Định… Kim Sơn không chỉ đáng chú ý đặc biệt về khoa sơn học, nó cũng thu hút sự chú ý và hấp dẫn qua sự đa dạng về thổ sản. Dù dân cư đông đúc song chắc chắn nó không tiêu thụ hết một nửa số lúa thu hoạch được. Nông dân thu hoạch mỗi năm hai vụ lúa… Ngoài loại ngũ cốc quý giá này, Kim Sơn còn cung cấp những nông sản quý giá khác… Dâu tằm là loại cây trồng ở thung lũng gấp hai lần cây lúa. Những đồn điền dâu tằm ngày càng được mở rộng, chiếm diện tích đến hơn 4.000 hécta. Nhiều gia đình chuyên nuôi tằm để làm tơ, mặt hàng được giá khi bán cho lái buôn người Hoa. Nghề này rất thịnh trong thung lũng. Ngoài ra ở Kim Sơn còn có các loại nông sản: Hạt mè, dầu thầu dầu, đậu phộng, củ mì, bắp và khoai lang. Những vườn tược phì nhiêu như tiêu, chè, thơm, chen chúc nơi những ngọn đồi đất xen đá phiến ở vùng cao trong thung lũng. Trên những ngọn núi còn cung cấp sáp ong, dầu rái và một lượng lớn lá trầu mà người Việt rất yêu thích. Các khu rừng còn nhiều sản vật thiên nhiên phong phú nhưng ít được khai thác ”.[4]
Thời quân chủ, trên các nhánh sông, một số gia đình đánh bắt cá hợp thành "làng trên nước". Trong làng cũng có đặt Lý trưởng như các "làng trên đất". Khi có việc làng nước, một cây sào có buộc tấm vải trắng trên đầu được cắm tại bãi sông Kim Sơn. Người "làng trên nước" báo cho Lý trưởng biết để đến huyện nhận chỉ thị. Dân "làng trên nước" cũng phải nộp thuế đinh, thuế "điền". Thuế "điền" là thuế đánh cá hằng năm, mức thuế do chính quyền địa phương ấn định.[5]
Với những điều kiện tự nhiên ở vùng Kim Sơn và những tư liệu lịch sử vừa nêu trên, có thể cho thấy việc cư dân bắt đầu tụ cư ở vùng đất nầy từ trước thế kỷ 16.
II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
1. Nguồn gốc
Nghĩa Điền là vùng đất nằm trên con đường thượng đạo thời Nguyễn đi lên nguồn Cầu Bông (Chợ Đồn, An Khê).[6] Trên bản đồ L'Indochine Oriental của Mr. J.L. Dutreuil De Rhins vẽ năm 1881, có đường truyền giáo lên Kon Tum, ngoài con đường từ Gò Thị theo sông Kôn đến Bến (Bến Thuộc), Trạm Gò (Cửu An), làng Baham, làng Ba lou, làng Conphar, còn có đường từ Nghĩa Điền đến Conphar.[7] Con đường này cho thấy Nghĩa Điền đã góp phần vào việc đem Tin mừng lên Tây Nguyên.[8]
Có thể con đường bộ Nghĩa Điền – Conphar không được thuận lợi cho bằng con đường từ Gò Thị đi theo sông Kôn để vận chuyển hàng hóa cho miền truyền giáo. Do đó, năm 1907, Đức cha Đamianô Grangeon Mẫn đã lập một trạm quản lý tại Bến Thuộc (Đồng Phó)[9] để trung chuyển hàng cho miền truyền giáo. Thứ Hai, ngày 23.9.1907, Đức cha làm phép trạm quản lý và một con voi.[10]
2. Thời kỳ thuộc địa sở Bồng Sơn Miền Núi
Theo thống kê năm 1850 của Đức cha Cuénot Thể, địa bàn giáo xứ Nghĩa Điền ngày nay thuộc địa sở Bồng Sơn Miền Núi, và họ đạo Nghĩa Điền đã có 139 giáo dân, Đồng Quả Tây có 81 giáo dân. Theo dòng thời gian, Nghĩa Điền được chia thành Nghĩa Điền Thượng và Nghĩa Điền Hạ. Nghĩa Điền Thượng bên hữu ngạn sông Lớn, còn gọi là Vũng Sầm; Nghĩa Điền Hạ bên tả ngạn sông Lớn. Nhà thờ tọa lạc tại Nghĩa Điền Thượng. Nghĩa Điền Thượng có ruộng đất phì nhiêu, có nhiều gia đình khá giả. Dân cư Nghĩa Điền Hạ thuở đầu là những người nghèo từ các nơi đến làm thuê, khai hoang chút rẻo rẫy ruộng.
Địa sở Bồng Sơn Miền Núi đang trên đà phát triển thì đành chung số phận với địa sở Bồng Sơn Miền Biển, gánh chịu những cuộc bách hại của phong trào Văn Thân.
Tại Đồng Quả Thượng, khi quân Văn Thân đến, cha Trang, các Dì phước và hầu hết tín hữu đều ẩn trốn trong nhà thờ và đọc kinh. Văn Thân nổi lửa đốt nhà thờ, kẻ thì bị chết cháy trong nhà thờ, người nào chạy ra thì bị đâm chết. Hơn 20 người chạy thoát được vào rặng núi gần đó, nhưng bị lùa trở về và cũng bị giết.
Tại Nghĩa Điền Thượng, một phần ba tín hữu đã bị sát hại trong nhà nguyện của một nông trại thuộc tu viện Đồng Quả. Những người khác chạy thoát được rồi cũng bị bắt lại từng người, bị đưa về nhà thờ và cũng bị giết sau khi được phép đọc kinh.
Tại Nghĩa Điền Hạ, 15 tín hữu chạy trốn nhưng bị bắt lại và dẫn về nhà thờ đã bị đốt cháy. Người ta vẽ hình thánh giá trên đất và bảo họ dẫm lên để được tha, nhưng tất cả đã từ chối và bị đâm chết.
Tổng kết cuộc bách hại nầy, địa bàn giáo họ biệt lập Nghĩa Điền ngày nay có những của lễ hy sinh :
- Đồng Quả Thượng có 600 tín hữu thì 580 người bị sát hại, trong đó có 45 Dì phước và khoảng 100 trẻ mồ côi.
- Nghĩa Điền Thượng có 80 tín hữu, bị sát hại 66 người.
- Nghĩa Điền Hạ có 150 tín hữu, bị sát hại 138 người.
Ông Trùm Cường[11] ở Nghĩa Điền, một trong những người còn sống sót sau cuộc bách hại của Văn Thân đã cho biết lý do tại sao các tín hữu không vào núi để trốn: “ Trốn trong núi thì dễ, nhưng một số đông mà ở lâu cho kín đáo trong làng Thượng tiếp giáp với Annam thì không thể được. Sớm muộn sẽ bị lộ, sẽ bị chết một cách nào đó, ít ra là bị làm nô lệ. Chúng tôi không muốn gì hơn là được chết với nhau trong nhà thờ, chúng tôi đã đồng lòng như thế và đã chuẩn bị sẵn sàng”. [12]
Quyết tâm sống chết với nhau, nhưng sự quan phòng khôn dò của Thiên Chúa không để tất cả phải chết. Một số ít ỏi tín hữu còn sống sót phải lang thang ẩn trú trong rừng. Ngày xưa, tiên tri Êlia vì trung thành với đức tin mà hoàng hậu Izabel đã tìm cách cướp mạng ông, ông phải chạy trốn, lang thang trong hoang địa. Thiên Chúa cho Thần sứ mang bánh và nước nuôi sống ông (1V 9,1-8). Bấy giờ các tín hữu Chúa đang lang thang trong rừng vì đức tin, Thiên Chúa cũng nuôi sống họ bằng trái cây, rau củ hoang dại, và bằng lòng tốt của người Thượng. Họ đã nuôi cơm một ít tín hữu để trông coi nương rẫy cho họ.
Với sự bách hại tàn khốc của Văn Thân, tưởng chừng các giáo điểm trong vùng thung lũng Kim Sơn đã lụi tàn. Tuy nhiên, dòng máu đào của các tín hữu đã thấm vào lòng đất như hạt giống đã được gieo, chờ ngày nảy mầm.
Sau hơn một năm ẩn trú, đầu năm 1887, số ít tín hữu còn sống đã lần hồi trở về ổn định cuộc sống với bà con trong xóm làng. Thay vì trông coi nương rẫy cho người Thượng, giờ đây họ là những người chăm lo cho cánh đồng lúa mới của Thiên Chúa.
3. Thời kỳ thuộc địa sở / giáo xứ Đồng Quả
Giáo xứ Nghĩa Điền ngày nay bao gồm một phần đất của giáo xứ Đồng Quả trước năm 1975. Hơn nữa, trụ sở của giáo xứ Đồng Quả đặt tại thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, nay thuộc địa bàn giáo xứ Nghĩa Điền.
Từ năm 1889 cho đến sau năm 1900, hầu hết các họ đạo bị Văn Thân tàn phá đã được hồi sinh với hàng loạt người xin gia nhập đạo. Nhiều họ đạo mới được thành lập, trong đó có họ đạo thuộc giáo xứ Nghĩa Điền hiện nay như Phú Ninh.[13]
Tháng 9 năm 1890, cha Louis Nézeys được bổ nhiệm về Đồng Quả với tư cách là cha sở.[14]. Có thể coi đây là thời điểm thành lập của đia sở Đồng Quả. Trước thời điểm nầy, Đồng Quả là một họ đạo thuộc quyền chăm sóc mục vụ của cha sở Gia Hựu. Tất cả những họ đạo thuộc giáo xứ Nghĩa Điền hiện nay đều thuộc về địa sở Đồng Quả. Địa bàn của địa sở Đồng Quả là một thung lũng trù phú, mở ra hình rẻ quạt. Năm 1903, địa sở Đồng Quả gồm 31 họ đạo với 4.231 tín hữu.[15]
Họ Đồng Quả Thượng trở thành họ chính của địa sở Đồng Quả. Năm 1891 cha Louis Nezeys cất nhà thờ Đồng Quả, tạo niềm phấn khởi cho giáo dân...
Năm 1895, cha Eugène Durand Lộc được bổ nhiệm làm cha sở Đồng Quả. Cha Durand đã truy tập hài cốt các tín hữu bị Văn Thân bách hại, đưa hài cốt về chôn cất tại một nơi gọi là nhà Mồ, kề bên nhà thờ Đồng Quả. Hằng năm, tại nhà mồ nầy, thánh lễ được cử hành vào ngày lễ kính Bảy sự thương khó Đức Mẹ (lễ Mẹ Sầu Bi) để kính nhớ các tín hữu đã bị sát hại vì đức tin. [16]
Tháng 06 năm 1914, Gia Chiểu, Đồng Hâu, Gò Dê được nhập vào địa sở Đồng Quả. Sau lễ Phục sinh năm 1919, cha Bertrand Etcheberry được bổ nhiệm làm cha sở Đồng Quả. Nhà thờ Đồng Quả với tranh tre nứa lá sau hơn 30 năm sử dụng, nay đã dột nát. Cha Etcheberry khởi công tái thiết nhà thờ Đồng Quả bằng vật liệu rắn chắc : Gạch, ngói. Cha cũng xây dựng lại nhà xứ tạm đủ cho cha sở và cha phụ tá. Năm 1922, cha Vĩ được bổ nhiệm làm cha sở Đồng Quả. Cha Vĩ tiếp tục hoàn thành nhà thờ Đồng Quả mà vị tiền nhiệm của ngài đang làm dở dang.
Tháng 4 năm 1927, cha Phêrô Lục được bổ nhiệm làm cha sở của địa sở Nghĩa Điền được tách ra từ địa sở Đồng Quả.[17] Nghĩa Điền là một địa sở mới với 412 tín hữu, gồm Nghĩa Điền Thượng với 323 tín hữu và Nghĩa Điền Hạ với 89 tín hữu.[18] Hai họ đạo này vốn thuộc về địa sở Đồng Quả, nhưng vì ở lẻ loi xa cách, nên Đức Giám mục Địa phận tách ra thành một địa sở mới. Năm 1927, lần đầu tiên Nghĩa Điền có tên trong danh sách các địa sở của Địa phận.[19] Cha Lục vốn đã yếu, nên khi về làm việc tại Nghĩa Điền thì sức khỏe càng trở nên yếu hơn. Vì vậy vào tháng 11 cha phát bệnh, bệnh tình ngày càng trầm trọng nên chở vào bệnh viện Qui Nhơn để cứu chữa, tuy nhiên cha đã qua đời tại bệnh viện vào lúc 3 giờ sáng ngày 24 tháng 12 năm 1927.[20] Từ đó địa sở Nghĩa Điền không còn có tên trong bảng thống kê các địa sở nữa và nhập lại vào địa sở Đồng Quả.
Năm 1957 cha Anrê Nguyễn Hoàng Nhu được bổ nhiệm làm cha sở Đồng Quả, nhà thờ Đồng Quả đã hư hao sau hơn 30 năm sử dụng, cha Nhu làm lại nhà thờ mới, rộng thoáng hơn.
Năm 1964, tình hình an ninh trong vùng không ổn định. Tháng 10 năm 1964, cha Nhu và một số đông giáo dân di cư vào Qui Nhơn. Trong thời điểm chiến tranh xảy ra ác liệt trong vùng, toàn bộ giáo dân đã di cư đi nơi khác, nhà thờ giáo xứ tại Đồng Quả Thượng cũng như toàn thể các cơ sở vật chất tại các giáo họ đều bị bom đạn phá hủy.
4. Thời kỳ thuộc giáo xứ Đại Bình
Trong chiến tranh, cư dân Nghĩa Điền di cư nơi khác. Một số đến tạm cư tại An Túc (An Khê). Sau khi hòa bình vãn hồi, số cư dân tạm cư tại An Túc hầu hết hồi hương về Nghĩa Điền. Trong số cư dân này có đa số giáo dân gốc tại Nghĩa Điền Hạ. Sau năm 1975, vùng đất Nghĩa Điền Thượng thuộc vùng qui hoạch trại giam nên không có dân ở. Vùng đất nầy nay thuộc doanh trại quân đội và toàn bộ giáo dân Nghĩa Điền Thượng phải sang tả ngạn sông Lớn để lập cư. Từ đó tên gọi Nghĩa Điền Thượng và Nghĩa Điền Hạ không còn nữa và được thay thế bằng tên gọi Nghĩa Điền Trong và Nghĩa Điền Ngoài. Nghĩa Điền Trong là phần đất tục gọi là “ruộng nước” nằm dọc theo sông ở phía trong, còn Nghĩa Điền Ngoài là phần đất quen gọi là “gò chè” nằm ở phía ngoài.
Cũng vậy, trong chiến tranh, giáo dân Phú Ninh di cư đến nơi khác. Sau khi hòa bình vãn hồi, số giáo dân chỉ còn thưa thớt. Bù lại, một số giáo dân ở các xã thuộc huyện Hoài Nhơn như Hoài Thanh, Hoài Xuân…đi xây dựng kinh tế mới tại thôn Phú Trị. Từ đây tên gọi giáo họ Phú Trị được thay cho tên gọi Phú Ninh.[21]
Cùng với những cơ sở tôn giáo bị chiến tranh phá hủy, tình hình xã hội sau năm 1975 cũng không cho phép các linh mục hiện diện tại Đồng Quả. Số giáo dân đã hồi cư phải đến nhà thờ Đại Bình để dự lễ và lãnh nhận các bí tích. Tất cả các giáo họ thuộc giáo xứ Đồng Quả nói chung cũng như các giáo họ thuộc giáo xứ Nghĩa Điền hiện nay đều thuộc quyền cha sở Đại Bình.
5. Thời kỳ thuộc giáo xứ Gia Chiểu
Giáo xứ Gia Chiểu nguyên là một địa sở đã được thành lập từ năm 1939, gồm các họ đạo Gia Chiểu, Đồng Hâu, Gò Dê được tách khỏi địa sở Đồng Quả.
Trong thời gian chiến tranh, giáo xứ Gia Chiểu còn sinh hoạt đến mùa hè năm 1972, nhưng phần đông giáo dân đã di tản, chỉ còn ở lại số nhỏ 297 người. Vì tuổi già sức yếu, cha sở cũng xin đi nghỉ hưu. Cuối năm 1972, nhà thờ bị loang lổ vết đạn bom, giáo dân tản lạc. Từ đây nhà thờ Gia Chiểu trở nên hoang vắng. Giáo dân phải xuống nhà thờ giáo xứ Đại Bình dự lễ và chịu các bí tích.
Ngày 22.09.2009, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục giáo phận, đã quyết định tái lập giáo xứ Gia Chiểu và bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Đình Bút làm cha sở. Từ thời điểm này, các giáo họ của giáo xứ Gia Chiểu trước đây (Gia Chiểu, Đồng Hâu, Gò Dê), và các giáo họ của giáo xứ Đồng Quả ngày xưa (Nghĩa Điền, Phú Trị (Phú Ninh), Đồng Quả Thượng, Đồng Quả Hạ (Phú Hữu), Hội Tĩnh, Đồng Gí) đều thuộc về giáo xứ Gia Chiểu.
Ngày 20.4.2017, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận, đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Nghĩa Điền.
6. Thành lập giáo họ biệt lập Nghĩa Điền
Sau thời gian chạy vạy ngược xuôi, cha Giuse Nguyễn Đình Bút, cha sở Gia Chiểu, đã hoàn thành nhà thờ, nhà xứ, đài Đức Mẹ và các công trình phụ trợ khác.
Ngày 29.6.2022, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi ký văn thư thành lập giáo họ biệt lập Nghĩa Điền và văn thư bổ nhiệm cha Phêrô Trần Quốc Cường làm cha quản nhiệm. Ngày 30.6.2022, Đức cha Matthêô chủ sự thánh lễ cung hiến nhà thờ Nghĩa Điền, đồng thời cho công bố hai văn thư trên. Địa bàn giáo xứ Nghĩa Điền gồm các giáo họ: Nghĩa Điền Trong, Nghĩa Điền Ngoài, Phú Trị, Đồng Quả Thượng.
Sau thánh lễ cung hiến nhà thờ, cha quản nhiệm cùng với cộng đoàn giáo họ biệt lập Nghĩa Điền tiếp tục hoàn thiện khuôn viên nhà thờ: đổ bê tông sân đậu xe và xung quanh nhà xứ, làm mái tôn che sân thượng nhà xứ, dựng nhà kho.
Về mặt sinh hoạt và tổ chức, cha quản nhiệm cho thành lập cộng đoàn các Nữ tỳ Chúa Giêsu Tình Thương (26.8.2022), thành lập Ban Trợ táng (02.11.2022), đào tạo giáo lý viên và tiến hành áp dụng chương trình giáo lý phổ thông của giáo phận, thành lập Hội đồng giáo họ biệt lập và xứ đoàn Thiếu nhi Thánh Thể (04.7.2023), thành lập 2 đội Legio Mariae (20.10.2024). Trong dịp hè, tổ chức các khóa học tiếng Anh và âm nhạc cho các em do cha phụ tá Giuse Huỳnh Thanh Thịnh phụ trách.
Ngoài ra, được sự giúp đỡ của Văn phòng Sứ vụ Dòng Thừa Sai Thánh Tâm và Hội Lòng Chúa Thương Xót tại Mỹ, giáo xứ đã xây dựng được một hệ thống nước sạch phục vụ bà con địa phương (17.3.2023). Sau đó, nhờ lòng quảng đại của anh Bích Đặng (gốc Nghĩa Điền đang sinh sống tại Mỹ), giáo họ biệt lập Nghĩa Điền có được một chiếc xe hơi 7 chỗ để phục vụ bác ái cho bà con lương giáo tại đây (29.7.2023).
7. Thành lập giáo xứ Nghĩa Điền
Ngày 18 tháng 11 năm 2024, Đức cha Matthêô ký văn thư thành lập giáo xứ Nghĩa Điền và văn thư bổ nhiệm cha Phêrô Trần Quốc Cường làm chánh xứ giáo xứ Nghĩa Điền. Ngày 20 tháng 11 năm 2024, Đức cha về nhà thờ Nghĩa Điền chủ sự thánh lễ và công bố 2 văn thư trên.
Hiện nay giáo xứ Nghĩa Điền có 238 gia đình, 954 giáo dân (cuối năm 2023), được phân bố trong 4 giáo họ:
1. Giáo họ Nghĩa Điền Trong
- Nhà thờ giáo xứ: xây mới năm 2022, tại thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân.
- Số gia đình và giáo dân: 85 gia đình, 367 giáo dân.
- Bổn mạng: Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria.
2. Giáo họ Nghĩa Điền Ngoài
- Nhà thờ: không còn.
- Số gia đình và giáo dân: 53 gia đình, 184 giáo dân.
- Bổn mạng: Đức Mẹ Lộ Đức.
3. Giáo họ Phú Trị
- Nhà thờ: không còn.
- Số gia đình và giáo dân: 51 gia đình, 228 giáo dân.
- Bổn mạng: Thánh Giuse Thợ.
4. Giáo họ Đồng Quả Thượng
- Nhà thờ: còn nền, tại thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân.
- Số gia đình và giáo dân: 49 gia đình, 175 giáo dân.
- Bổn mạng: Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
[1] Xem QUÁCH TẤN, Nước Non Bình Định, Nxb. Thanh Niên, 1999, trang 25.
[2] Xem LÊ QUÝ ĐÔN, Phủ Biên Tạp Lục, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1977, tr. 225-226.
[3] Bài báo không đề tên tác giả. Theo chúng tôi phỏng đoán, cha Eugène Durand là tác giả của bài này. Cha đã làm việc tại Đồng Quả (1895-1899). Cha là tác giả rất nhiều bài báo theo thể loại này. Năm 1902 cha là thông tín viên của l'Ecole Française d'Extrême-Orient.
[4] Xem Annales de la Société des Missions Étrangères et de L'oeuvre des Partants , Huitième Année, Paris 1905, tr. 359-365.
[5] Xem QUÁCH TẤN, Sđd, tr. 150.
[6] Xem LÊ QUÝ ĐÔN, Sđd, tr. 117.
- Đại Nam Nhất Thống Chí, tỉnh Bình Định, Nha Văn Hóa Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sài Gòn 1964, tr. 58.
[7] Làng Kon phar (Conphar), nơi Bok Kiêm, thủ lĩnh người dân tộc thiểu số, kết nghĩa với Thầy Sáu Do, tạo sự thuận lợi bước đầu của công cuộc truyền giáo. Xem thêm P. DOURISBOURE, Dân Làng Hồ, Nxb. Đà Nẵng 2008, tr. 28-36.
[8] Hiện nay từ dốc Ông Thọ (phía bên Nghĩa Điền) lên núi qua đèo Đồng Lau, xuống dốc Đót (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) theo DT 637 về phía Nam, đến Định Quang. Từ trụ sở thôn Định Quang, theo con đường bê tông đối diện đi đến gò Vú Sữa, đến dốc Ván (trước khi lên dốc Ván phải qua dốc Nhỏ, dưới chân dốc Ván) đến mả ông Bắp (nằm bên phải đường- nay là một đống đá dài- tục truyền ông chỉ ăn bắp, vô gia cư, ông nằm chết ở đó - dân qua lại không biết ông tên gì, không biết họ hàng, người đi đường lấy đá đắp mộ cho ông và gọi đó là mộ ông Bắp, sau nầy ai đi qua đó cũng tìm cục đá để trên mộ ông như một nghĩa cử mến thương), tiếp tục đi bộ đến Quán Chẩn (tục danh Rộc Quán Chẩn- hiện còn hai cây xoài- theo lời truyền tụng, tại Quán Chẩn có một người chuyên bán thuốc lá, thuốc được cuốn sẵn, người mua tự xắt, xắt một hơi, được bao nhiêu lấy bấy nhiêu), từ Quán Chẩn đi đến Eo Gió, từ đây nhìn thấy Trạm Gò (Cửu An), vượt qua Eo Gió đến Trạm Gò. Đi bộ từ Định Quang đến Trạm Gò hơn 03 tiếng đồng hồ (Thu tập, thực địa ngày 18.8.2015 dưới sự hướng dẫn của anh Bảy Nhanh, cư dân Định Quang).
Xem thêm: DIỆP ĐÌNH HOA, Làng Cây Dừa, Nxb. Khoa học Xã hội, Tp. HCM 2004, Tập I, tr. 224, 607.
Ngoài con đường bộ từ dốc Ông Thọ qua dốc Đót, còn con đường khác từ Nghĩa Điền đi ngã Nghĩa Nhơn hoặc ngã Nhơn Sơn, hai ngã đều giáp nhau tại thôn 2 xã Bok Tới. Từ thôn 2, vượt dốc Bà Bơi đến Vực Bà thuộc sông Kôn, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, gặp DT 637, về hướng Tây Bắc đến xã Sơn Lang huyện K'Bang, Gia Lai. Đi Kon Tum theo DT 669 về hướng Bắc.
[9] Bến Thuộc nay là giáo họ Tân Thuộc, giáo xứ Kiên Ngãi. Nền nhà thờ Tân Thuộc tại thôn Hòa Thuận, xã Tây Thuận (bên bờ hữu ngạn sông Kôn), huyện Tây Sơn. Từ Tân Thuộc có đường làng theo bờ sông đi đến thôn Tiên Thuận, giáp DT 637, theo DT 637 về hướng Bắc khoảng 03 km đến Định Quang. (Xem thêm vị trí Bến Thuộc trên bản đồ L'Indochine Oriental của Mr. J.L. Dutreuil De Rhins vẽ năm 1881).
[10] Xem MISSION DE QUINHON, Mémorial , 30 Septembre 1907, tr. 76.
[11] Ông cố ngoại của Cha Simon Huỳnh Tấn Công.
[12] Compte – Rendu 1941, tr. 25-26. Hài cốt của những người bị sát hại đã được đưa về an táng trong một lăng mộ được xây theo kiểu nhà nguyện bên cạnh nhà thờ Đồng Quả.
[13] Phú Ninh nay là giáo họ Phú Trị, chưa có nhà thờ.
[14] Xem Mgr. Van Camelbeke, Rapport de 1890.
[15] Xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1903.
[16] Nhà mồ ở Đồng quả nay chỉ còn mô đất bên cạnh nền nhà thờ.
[17] Xem MISSION DE QUINHON, Mémorial du mois de Mars 1927, tr. 17.
[18] Xem MISSION DE QUINHON, Mémorial du mois d’Avril 1927, tr. 21.
[19] Xem MISSION DE QUINHON, Mémorial du mois du Novembre 1927, tr. 124.
[20] Xem MISSION DE QUINHON, Mémorial du mois de Janvier 1928, tr. 8.
[21] Phú Ninh và Phú Trị là 02 thôn liền nhau bên sông Nước Làng thuộc xã Ân Nghĩa.