Việc tha thứ cho ai đó không phải là chuyện làm một lần là xong, cũng không phải là công việc dễ dàng. Tha thứ có thể là một quá trình phức tạp và khó khăn đối với nhiều người, nhưng cũng có thể dễ dàng hơn đối với một số người khác.
Có người tự tin cho rằng rằng mình không bao giờ biết giận ai và rất dễ tha thứ. Tuy nhiên, khi chạm đến những vấn đề trong cuộc sống cách nào đó đã phơi bày tất cả. Không ít lần họ đã không chấp nhận lời xin lỗi và tha thứ cho người khác, điều đó đã gây tổn thương cho những người họ yêu thương. Và cuối cùng chúng ta nhận ra rằng việc không tha thứ biểu hiện trong cuộc sống hàng ngày qua sự cáu kỉnh, khó chịu, nói xấu và xu hướng kiểm soát mọi thứ.
Con người vốn dĩ bất toàn. Chúng ta sống trong một thế giới tan vỡ, và các mối quan hệ của con người đầy những hiểu lầm, sai lầm và tổn thương. Bởi vậy, tha thứ thường không phải làm một lần rồi thôi, mà cần nỗ lực hàng ngày và kiên trì. Kinh nghiệm cho thấy chúng ta thường phải tha thứ cho người khác về những tổn thương trong quá khứ nhiều hơn một lần. Ngoài ra, khi cuộc sống tiếp diễn, những tổn thương mới có thể phát sinh, nó đòi hỏi chúng ta phải tha thứ hết lần này đến lần khác.
Chúa Giêsu dạy chúng ta: "Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em" (Mt 6, 14-15). Và "Nếu anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy" (Mt 18,21-22).
Tha thứ bằng lời nói hoặc cử chỉ cụ thể
Bước đơn giản và cụ thể nhất để tha thứ cho ai đó là nói trực tiếp với họ: "Tôi tha thứ cho bạn". Điều này đơn giản nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tuy nhiên, nếu quá khó nói chúng ta cũng có thể biến lời nói tha thứ bằng những cử chỉ thân thiện khác như một cái ôm thắm thiết, bắt tay chân thành, gật đầu hay một nét mặt vui cười có thể lộ ra cho đối phương thấy sự tha thứ thật sự của mình. Lặp lại điều này hàng ngày. Tìm thời gian để làm cho việc tha thứ trở thành một phần trong ngày của bạn.
Nhớ lại chuyện đã qua
Hãy cho phép bản thân nhớ lại và thừa nhận những tổn thương trong quá khứ mà bạn đã chọn không nghĩ đến và đã chủ động đẩy đi đâu đó trong sâu thẳm của tâm hồn mình. Việc thừa nhận nỗi đau của bạn là một phần rất lớn trong việc hiểu được những gì cần thiết để tha thứ cho người khác, để xác định ai, nguyên nhân và điều gì cần được tha thứ. Khi xem lại những tổn thương trong quá khứ, chúng ta có thể dần dần buông bỏ những cảm xúc tiêu cực như tức giận hoặc cay đắng. Bằng cách nhớ lại những trải nghiệm này, bạn có thể bắt đầu nói "người này đã làm tổn thương tôi, nhưng tôi tha thứ cho người đó".
Sẵn sàng tha thứ mỗi ngày
Không ai đoán trước được điều gì. Bởi vì mọi sự đều có thể xảy ra cho chúng ta bao gồm cả những tình huống chúng ta không lường trước được. Bởi đó, mỗi ngày cần phải chuẩn bị tâm lý để có thể đón nhận những tổn thương và sẵn sàng tha thứ hoặc bỏ qua.
“Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Eph 4,32).
Bằng cách thực hành các bước này mỗi ngày, bạn có thể bắt đầu một con đường tha thứ liên tục, dẫn đến sự tự do về cảm xúc và một cuộc sống bình yên hơn.