Địa phận Qui Nhơn năm 1949

Thứ bảy - 16/11/2024 17:17
 

Cha Joseph Dorgeville (D'Orgeville) Sĩ
(1881-1967)
 
TƯỜNG TRÌNH THƯỜNG NIÊN
CỦA ĐỊA PHẬN QUI NHƠN NĂM 1949
 
Số giáo dân … 74.249
Rửa tội người lớn … 637
Rửa tội trẻ em ngoại giáo … 391

Đức Cha Piquet viết: Như Thánh Phaolô, chúng tôi muốn lặp lại rằng: “Những hoạn nạn là niềm vui của chúng tôi”, vì kể từ năm 1948 vừa qua, tình hình của Địa phận Qui Nhơn không hề thay đổi; vẫn còn bị cắt làm ba khúc: Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên bị cô lập. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có thể hoạt động ở ba tỉnh khác được Pháp trả lại cho vua Bảo Đại, tỉnh Quảng Nam ở phía Bắc và các tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận ở cực Nam.

Thật đau đớn cho những nhà truyền giáo chúng tôi, khi bị chia cách với đa số các linh mục và đồng sự người Việt, một bộ phận đáng kể là các Kitô hữu, cách xa các đại và tiểu chủng sinh, các thầy Tiểu đệ Dòng Thánh Giuse và các nữ tu Mến Thánh Giá. Thực tế, phía bên kia bức màn có 69 linh mục người Việt trong tổng số 91 linh mục, 50.544 giáo dân phân bố trong 329 giáo xứ trên tổng số 74.249 giáo dân. Đối với ba tỉnh còn lại, chỉ có tám thầy dòng Giuse, trong khi vào năm 1945 có đến 113 tu sĩ hoặc tập sinh. Dòng Mến Thánh Giá rải rác ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam chỉ có 18 người, trong khi cộng đoàn Gò Thị tính đến năm 1945 có 124 nữ tu, tập sinh và thỉnh sinh.

Trái tim Mục tử càng rớm máu hơn vì biết rằng, dù lòng nhiệt thành của các linh mục Việt Nam vẫn ở lại nhiệm sở trong ba tỉnh kia, lòng đạo đức của giáo dân không còn giống như trước khi các biến cố xảy ra, bị đảo lộn trước mọi điều họ nghe; chế độ đổ vấy, nghi ngờ và dò xét làm đông cứng con người trong tình trạng đờ đẫn đến nỗi họ cam chịu bất động. Tiểu chủng viện Qui Nhơn mở cửa đón 50 chú, chia thành năm lớp: Lớp rhétorique,[1] lớp ba, lớp năm, lớp sáu và lớp bảy. Chủng viện ở phía Nam của Địa phận có 39 chú, tổng cộng là 89 chú, trong khi vào năm 1945 con số này lên tới 177 chú. Đại chủng viện, chiếm một phần khuôn viên của tiểu chủng viện, có 17 thầy thần học và 14 thầy triết học. Bốn thầy chức nhỏ đã học xong và đang chờ giám mục của mình để nhận chức thánh. Các chủng sinh vùng tự do được gửi vào Sài Gòn thì vui mừng hơn: Một thầy vừa nhận được chức phụ phó tế, một thầy khác nhận chức cắt tóc; nhưng rất tiếc là chỉ có ba thầy. Năm 1945, Chủng viện Qui Nhơn rộng lớn và xinh đẹp của chúng ta, nay bị hư hại một phần, có 86 chủng sinh. Chúng tôi không có tin tức gì từ các tu viện dòng Thánh Giuse và Mến Thánh Giá ở Bình Định; Chúa Quan Phòng cũng cho phép chúng ta có một nhà tập dòng Thánh Giuse tại Nha Trang và một thỉnh viện của các chị Mến Thánh Giá. Vì vậy, hoạt động vẫn được duy trì bất chấp những khó khăn hiện tại.

Việc tông đồ cho lương dân dường như đã khô cạn ở phần đất kia của Địa phận; tuy nhiên, nơi các nhà truyền giáo có thể làm việc với sự giúp đỡ của hàng giáo sĩ Việt Nam thì có rất nhiều tân tòng. 644 người đã được rửa tội. Cha Hộ, một linh mục người Việt, đã ghi sổ rửa tội cho 193 người lớn. Các thừa sai Gauthier và Béliard ghi 66 người. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính tinh thần tông đồ và nhờ giáo dân mà các linh mục có thể dâng bó lúa xinh đẹp này lên Chủ nhân của mùa gặt. Người Công giáo Việt Nam không ngừng cầu xin sự cải đạo của anh em lương dân: Mỗi buổi sáng họ đều đọc kinh cầu nguyện của thánh Phanxicô Xavier, xin Chúa soi sáng những người vẫn còn ở trong bóng tối để họ biết Đấng Cứu Độ thế gian và nhờ Ngài họ có thể được cứu rỗi.

Qua thư mục vụ gửi cho tất cả giáo dân trong Địa phận Qui Nhơn mà tôi có thể tiếp cận được, tôi muốn đánh dấu năm Đức Mẹ 1949. Tất cả giáo dân, những người vẫn duy trì lòng sùng kính thực sự đối với Đức Trinh Nữ Rất Thánh, đã nhanh chóng đáp lời của vị lãnh đạo tinh thần và thực hành những thông điệp của Mẹ nhân lành: Cầu nguyện và sám hối. Mọi người đều cầu xin Đức Mẹ làm cho họ hiểu việc tông đồ hy sinh, giống như các mục đồng bé nhỏ ở Fatima,

Sau việc các linh mục cần mẫn dẫn dắt lương dân cải đạo, một trong những niềm an ủi của chúng tôi là thấy các thừa sai và linh mục người Việt Nam của chúng ta chăm sóc các trường giáo xứ với lòng nhiệt thành. Trong ba tỉnh mà chúng tôi có thể làm việc, 24 trường với 2.323 học sinh theo học, bất chấp những khó khăn lớn phát sinh trước hết do thiếu hụt đội ngũ giảng viên: Các tu sĩ nam nữ của chúng tôi không đủ đông, nên phải tìm sự giúp đỡ trong số giáo dân, nhưng sau đó vấn đề lương bổng như thế nào, làm sao cung cấp cho họ mức lương phù hợp và đầy đủ? Rồi nhà in (Làng Sông) bị cướp phá (saccagée) sau khi chúng tôi bị trục xuất khiến khó khăn thiếu thốn rất nhiều, nên chúng tôi phải nhờ đến các nhà in ở Sài Gòn để in lại sách giáo lý và sách kinh bằng tiếng Việt. Ở nhiều nơi cơ sở còn thiếu: Hàng giáo sĩ đã có nhiều nỗ lực khắp mọi nơi; Chính vì thế mà phải xây các cơ sở mới ở Đà Nẵng (Tourane) cho phép tiếp nhận hơn 600 học sinh. Cha Nghị[2] ở Vạn Giã đã nhân đôi trường học của mình. Ở Nha Trang, các nữ tu Mến Thánh Giá buộc phải từ chối nhận trẻ em vì không có chỗ. Tại Hộ Diêm, cha Gauthier báo cáo việc xây dựng trường giáo xứ gồm 5 phòng học và đáp ứng đầy đủ các quy định của nhà nước.

Ngoài các thành thị ở Tourane nơi các nữ tu dòng Phaolô (Saint-Paul de Chartres) điều hành một trạm xá gồm 59.759 bệnh nhân đã thắm khám bệnh, và Nha Trang nơi các nữ tu dòng Vinh Sơn (Saint-Vincent-de-Paul) chăm sóc bệnh viện, một phần của Địa phận Qui Nhơn còn lại cho chúng tôi hoạt động, đã chứng kiến ​​sự ra đời của các trạm y tế hoặc bệnh xá nhỏ hầu như khắp các địa sở. Cha Gauthier nêu lên sự cống hiến của các y tá là giáo dân, những người làm nhiều điều tốt cho cả người Công giáo lẫn lương dân và mở cửa thiên đường cho những trẻ em hấp hối bằng cách rửa tội cho chúng. Cha Valor lên kế hoạch xây dựng trạm y tế, một trại mồ côi và nhà dưỡng lão cho địa sở của mình; những tòa nhà rộng rãi đang mọc lên và do đó lòng bác ái Kitô giáo sẽ có thể đến với các linh hồn và cứu vớt họ.

 Một công việc chưa được biết đến cho đến lúc này trong Địa phận là hoạt động dành cho các tù nhân. Các cha Clause, ở Phan Rang, cha Lefebvre và Alessandrini, ở Đà Nẵng, đã đến thăm và an ủi những người bị giam cầm tội nghiệp và đôi khi họ hân hạnh được rửa tội cho một số người.

 Do đó, bất chấp tình trạng mất an ninh mà chúng ta đang sống, các thừa sai và linh mục người Việt vẫn làm việc vì vinh quang lớn hơn của Thiên Chúa; một số, như các thừa sai Dorgeville,[3] Etcheberry, Clause và Benoît cống hiến hết mình cho việc giáo dục và dạy các tiểu chủng sinh của chúng tôi, những người khác làm việc trong các địa sở để duy trì đời sống Kitô giáo hoặc làm tuyên úy cho các nhà dòng.

Trong báo cáo gần đây nhất của mình, tôi bày tỏ mối quan ngại của mình về việc cha Gallioz bị bắt làm con tin ở đâu đó tại Quảng Ngãi. Hôm nay nhà truyền giáo thân yêu của chúng tôi đã trở về với chúng tôi; hãy lắng nghe ngài thông báo về sự trở lại và tiếp tục giữ chức vụ của mình ở Hội An (Faifo). Ngài ấy viết cho tôi vào ngày 28 tháng 12 năm 1948 rằng: “Nỗi buồn của chúng ta đã biến thành niềm vui. Thật là một niềm vui đối với con khi không tìm thấy sự thối lui nào trong số giáo dân. Trong thời gian bị giam cầm, con đã tự nhủ: Họ sẽ chịu đựng thử thách này như thế nào? Ân sủng “đã nâng đỡ họ như đã nâng đỡ cho người Cha của họ, Đức Trinh Nữ canh giữ họ. Con đã phó thác họ cho Mẹ; Con mang ơn Mẹ. Hai năm truyền giáo đẹp đẽ và hiệu quả nhất của con là những năm 1947-1948 trải qua trong tù ngục”. Vài tuần sau khi cha Gallioz trở về, hai linh mục người Việt của chúng ta, bị (…) bắt năm 1946, cũng đã quay trở lại với chúng ta nhưng trong tình trạng kiệt quệ! Hiện họ đang nghỉ ngơi chờ phục hồi sức khỏe để tiếp tục làm việc. Mặt khác, chúng ta phải đau buồn trước cái chết của cha Sanctuaire, người cho đến phút cuối cùng vẫn hoàn thành nhiệm vụ tuyên úy tại nhà bác ái Nha Trang và dạy giáo lý cho trẻ em...

 Trong thời điểm khó khăn này, tất cả các thừa sai và linh mục Việt Nam đều đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, vào Nữ Vương các Tông đồ và Nữ Vương Hòa bình.
 
[1] Tương đương lớp đệ nhất các trường trung học Pháp (chú thích trong bài là của người dịch).
[2] Giuse Nguyễn Công Ngh, cha sở Vạn Giã từ 1947 – 1955. Cha Phaolô Huỳnh Kim Lăng cũng làm cha sở ở đây từ 1956 – 1957.
[3] Cha Charles, Emile, Joseph Dorgeville (D'Orgeville) sinh ngày 09 tháng 10 năm 1881, tại Tourcoing, Địa phận Cambrai, nay là Lille. Ngài nhập Chủng viện MEP và chịu chức linh mục ngày 24 tháng 9 năm 1904 và nhận bài sai đi Đông Đàng Trong (Qui Nhơn). Đức cha Grangeon gởi ngài đến Gò Dài để học tiếng Việt. Năm 1905, ngài được sai đi Đồng Quả để hoàn thiện tiếng Việt và làm cha phó cho cha Lalanne, người nói sành sỏi tiếng Việt.  Năm 1908, ngài làm giáo sư Tiểu chủng viện Làng Sông. Là thợ máy, thợ điện và rất khéo tay, ngài còn là “Kiến trúc sư” xây dựng. Đức cha Grangeon giao cho ngài nhiệm vụ xây dựng Tiểu chủng viện Làng Sông và Đại chủng viện Qui Nhơn (hiện nay là tòa nhà Thư viện Đại học Qui Nhơn). Năm 1934-35, ngài trông coi xây dựng nhà in mới và Tòa giám mục Qui Nhơn. Năm 1938-39, hãng SIDEC xây dựng Nhà thờ Chính Tòa, tuy nhiên chính ngài duyệt bản vẽ và trông coi xây dựng. Rồi ngài xây nhà xứ Chính Tòa (cũ) tọa lạc tại nơi hiện nay là Đài Thánh Giuse), trường học và nhà trẻ của các chị Nữ tử bác ái. Ngày 01 tháng 5 năm 1945, lính Nhật bắt các cha Dorgeville, Clause và Jeanningros đưa về Qui Nhơn và giam tại Tòa giám mục cùng với các thừa sai khác. Ngày 21 tháng 11 năm 1945, tất cả bị đưa ra Huế, nơi cha Dorgeville ở đó cho đến tháng 8 năm 1946. Sau khi được thả tự do, Đức cha Piquet đưa ngài về Nha Trang và mất ở đó lúc 15 giờ, ngày 25 tháng 4 năm 1967.

Tác giả: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây