Trong giới yêu tân nhạc của “Miền Nam một thuở”, khi nhắc đến cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người ta thường cho rằng vị nhạc sĩ tài hoa này đã thổi vào những ca khúc của ông những ca từ và giai điệu mang âm hưởng triết lý nhân sinh rất đậm nét và thi vị. Một trong số các ca khúc đó phải kể tác phẩm mang tên “LỜI THIÊN THU GỌI”. Thật vậy, khi đọc bốn câu ca từ của đoạn cuối khúc nhạc, chắc chắn ai cũng liên tưởng đến chiều kích vĩnh hằng của kiếp người, chiều kích về một thế giới bên kia miên viễn; riêng với những người Kitô giáo, đó chính là chiều kích “Cánh Chung”:
Về chân núi thăm nấm mồ
Giữa đường trưa có tôi bơ phờ
Chợt tôi thấy thiên thu là
Một đường không
Một đường không bến bờ.
Tuy nhiên, đối với niềm tin của người Kitô hữu, cõi bên kia hay thế giới của thời cánh chung không là một “đường không bến bờ” mà là một quê hương đầy rực rỡ hy vọng của một “trời mới đất mới”. Và đây chính là chiều kích hy vọng, lạc quan và đầy niềm yên ủi mà Lời Chúa đã thổi vào niềm tin của Dân Chúa suốt chiều dài của lịch sử cứu độ. Đặc biệt, ý nghĩa “cánh chung” và niềm hy vọng vĩnh hằng lại được phụng vụ nhấn mạnh vào chính Chúa Nhật áp cuối thường niên, Chúa Nhật 33!
Thật vậy, ngay từ những trang Cựu ước xa xưa, dân Israel đã được các tiên tri dạy dỗ phải tin vào một Thiên Chúa quyền năng và công minh chính trực; một Thiên Chúa không để người công chính thất vọng và kẻ bại hoại tự hào khi kết thúc cuộc sống tại thế hay khi đi vào thế giới vĩnh hằng, như trích đoạn sách ngôn sứ Đanien xác quyết: “Nhiều kẻ an giấc trong bụi đất sẽ chỗi dậy; có người sẽ được hưởng phúc trường sinh, có kẻ phải tủi nhục muôn đời. Những người thông minh sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời”.
Chính nhờ được hướng dẫn và nuôi dưỡng bằng một “đức Trông cậy” vững vàng như thế, nên Thiên Chúa của dân tộc Israel hay Thiên Chúa của mọi người Kitô hữu không bao giờ là một vị thần xa xôi ảo ảnh nào đó, một “Ông Trời” thoắt ẩn thoắt hiện, khi có khi không; khi thì nhỏ nhặt tầm thường thua cả phàm nhân; khi thì mù mịt xa xăm trên các tầng mây cách biệt…, nhưng là Thiên Chúa của điểm tựa, là Đấng đang đồng hành, là Vị Cha chung đầy lòng thương yêu phù trì nâng đỡ, không chỉ ở đời này mà cả trong cõi vĩnh hằng thiên thu…, như lời cầu nguyện vẫn hằng vang lên trong suốt chiều dài lịch sử, như lời Thánh Vịnh 15:
Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Người nắm giữ vận mạng của con. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong âm phủ, cũng không để thánh nhân của Người thấy điều hư nát. Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh: sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời!
Tin vào một Thiên Chúa như thế và vào một tương lai vĩnh hằng như thế nên đức tin đích thực của một Kitô hữu đích thực đã diễn dịch thành một lối sống, một thái độ ứng xử thường xuyên như một cuộc hành hương nhẹ tênh: không bám trụ và nô lệ cho thế giới vật chất trong hiện tại, cũng không nao núng lo sợ hão huyền trước tương lai. Và đó chính là sứ điệp hay Tin Mừng của chính Đức Kitô, Đấng đã từ trời xuống thế để dẫn đưa nhân loại từ dưới thế hành hương về trời mà trích đoạn Lời Chúa về “ngày cánh chung” hay “Tận thế” của Tin Mừng Máccô hôm nay là một minh họa rõ nét: “Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất…”.
Những người vô thần duy vật thì chọn “quả đất làm thiên đàng hạnh phúc” và khước từ mọi con đường dẫn tới vô biên, hướng về Thượng Đế Tối cao. Thế nhưng, chính vì sự cuồng tín lầm lạc chết người đó đã biến loài người trở nên sói với nhau (Homo homini lupus); họ bất chấp mọi thủ đoạn tàn ác, vứt bỏ luân thường đạo lý để xây dựng một “thiên đường ảo tưởng và giả tạo” trên mặt đất này bất kể “núi xương sông máu!
Vì thế, bao lâu chọn lựa này, chủ nghĩa này thắng thế với khẩu hiệu “trung thành với quả đất” (Fidélité à terre) và sẵn sàng “ra tay giết chết Thượng Đế” (Friedrich Nietzsche) thì chiến tranh hận thù vẫn tiếp diễn, người nghèo bị chà đạp, thai nhi bị vất bỏ, luân thường đạo lý trở nên dư thừa…
Trong những ngày cuối Năm Phụng vụ, Mẹ Hội Thánh nhắc nhở con cái mình hãy tỉnh thức trước những cơn cám dỗ của thời đại: cám dỗ tôn thờ thế tục, lãng bỏ giới răn, xem thường những truyền thống đạo đức là hành trang bảo đảm cho cuộc sống vĩnh hằng: cầu nguyện, lắng nghe và thực hành Lời Chúa, trung thành dâng Thánh lễ, năng lãnh nhận các bí tích… Chưa bao giờ những căn dặn của Chúa Giêsu về cuộc sống tỉnh thức, cuộc sống hy vọng, cuộc sống sắp sẵn hết giá trị: “Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này. Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. Cũng vậy, khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.”.
Thật ra, chẳng phải đợi đến ngày tận thế, chúng ta mới gặp được Đức Kitô quang lâm, mà ngay chính giờ phút này, trong Thánh lễ này, Ngài đang hiện diện. Vâng, Ngài đang hiến dâng lễ tế bằng chính Thân Mình Ngài để thánh hóa tất cả chúng ta, biến chúng ta thành nên “những người hoàn hảo” và dẫn đưa chúng ta chuẩn bị để tham dự bàn tiệc vĩnh hằng như niềm xác tín của các Kitô hữu từ thời sơ khai được nhắc lại nơi Thư Do Thái trong Bài đọc 2 hôm nay: Vì chưng, nhờ việc hiến dâng duy nhất mà Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn đời.
Niềm tin vào buổi cánh chung, vào ngày tận thế của người Kitô hữu, được khơi dậy vào Chúa Nhật áp cuối Năm Phụng vụ để tất cả chúng ta cất bước lên đường, dấn thân vào cuộc sống trong niềm hy vọng ngút ngàn, niềm cậy trông vững chắc. Đó là đức tin của một khách “hành hương của niềm hy vọng”, chủ đề được chọn cho Năm Thánh lệ thường 2025 sắp tới. Vâng, một “niềm hy vọng không bao giờ dẫn chúng ta tới bên bờ thất vọng”(Rm 5,5).
Tác giả: Giuse Trương Đình Hiền
Ý kiến bạn đọc