Thiên Chúa Ba Ngôi trong Cựu ước
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
2020-05-29T20:02:35-04:00
2020-05-29T20:02:35-04:00
https://gpquinhon.net/than-hoc/thien-chua-ba-ngoi-trong-cuu-uoc-3305.html
https://1.bp.blogspot.com/-QM0uw5024QQ/VUkyIFotXFI/AAAAAAAAACw/ccjfkPTCaXk/s1600/confronto.jpg
Giáo phận Qui Nhơn
https://gpquinhon.net/uploads/banertrongsuot.png
Thứ sáu - 29/05/2020 04:00
Thiên Chúa Ba Ngôi trong Cựu ước Khi Chúa Nhật đầu tiên của mùa Vọng đến và năm phụng vụ mới bắt đầu, Giáo hội một lần nữa sống lại những Mầu nhiệm của Đức Kitô trong cả năm. Giáo hội cũng tóm kết tất cả lịch sử, từ Tạo dựng cho đến ngày thế mạt. Bốn Chúa nhật của mùa Vọng tượng trưng cho bốn ngàn năm của Cựu ước (nếu chúng ta dựa vào bản Vulgata, chứ không phải bản Bảy mươi), chúng ta, như đã từng, được đưa trở lại cách mầu nhiệm khoảng thời gian trước biến cố Nhập thể của Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người [the Man-God]. Như thế, khoảng thời gian này là cơ hội để suy gẫm về Lề luật nơi các kiểu mẫu và nhân vật, hầu giúp chúng ta thấy được những thực tại của Tân ước được ẩn giấu trong đó.
Thánh Augustinô là người đưa ra tư tưởng ấy qua câu nói: novum testamentum in vetere latet. Vetus testamentum in novo patet (Tân Ước ẩn giấu trong Cựu Ước. Cựu Ước tỏ lộ trong Tân Ước). Qui chuẩn giải thích này là một tiêu chuẩn của Công giáo để tiếp cận Kinh Thánh. Giờ đây, chúng ta hãy tìm xem Thiên Chúa Ba Ngôi “được ẩn giấu” trong Cựu ước như thế nào.
Chúng ta cùng bắt đầu từ ngọn nguồn, St 1,1 ghi lại rằng: “Lúc khởi đầu Thiên Chúa đã dựng nên trời và đất”. “Thiên Chúa đã dựng nên”, trong tiếng Hípri là bara Elohim, có một nét đặc biệt về ngữ học khi một danh từ số nhiều kèm theo một động từ số ít, một điều thực ra không vi phạm các qui tắc ngữ pháp của tiếng Hípri. Tính chất bất thường của số nhiều được dùng ở đây là nó có nghĩa là ba hoặc hơn (trong tiếng Hipri, một từ số nhiều chỉ biểu thị cho hai đơn vị). Cách thức quen thuộc để bác bỏ việc giải thích mầu nhiệm Ba Ngôi theo danh xưng Thiên Chúa này [Elohim] là cho rằng đó chỉ một trạng thái số nhiều để “biểu thị sự uy nghiêm”, chẳng hạn như hoàng hậu hay giáo hoàng có thể nói “chúng tôi” thay vì ngôi thứ nhất số ít. Dĩ nhiên, đây không phải là cách các nhà chú giải Kitô giáo truyền thống hiểu về bản văn ấy. Hãy xem, chẳng hạn như, thánh Laurensô Brindisi, một người đã học thông thạo tiếng Hipri giảng dạy về điều này:
Vì chưng Môsê, khi được Thánh Thần linh hứng, đã viết “bara Elohim”, theo nghĩa đen là “những thần, ngài-đã dựng nên” [the gods, he-created] (một chủ từ số nhiều cùng một động từ số ít), vậy thì, không chút nghi ngờ nào, chúng ta hiểu ý nghĩa của những từ này như sau: ông [Môsê] muốn nói đến số nhiều của các Ngôi vị Thiên Chúa nơi từ Elohim và sự duy nhất của bản thể [Thiên Chúa] nơi động từ số ít - “ngài-đã dựng nên”. Nói cách khác, ba Ngôi vị Thiên Chúa không phải là ba thiên chúa, nhưng là một Thiên Chúa. (Giải thích sách Sáng thế, chương 1, được trích trong Clough, Daniel M., Sách Sáng thế theo các Thánh, trang 5).
Dĩ nhiên không ai nói rằng bản văn này minh định là chỉ có một Thiên Chúa trong ba Ngôi vị thần linh. Đó là một cách tiếp cận. Tuy nhiên, khi ngụ ý về số nhiều của các Ngôi vị trong Thiên Chúa Ba Ngôi, điều đó đã báo trước về điều mà Tân ước sau đó mặc khải rõ ràng.
Chúng ta có thể nói tương tự về hai bản văn khác trong sách Sáng thế, nơi mà cái được gọi là “số nhiều của sự uy nghiêm” được tìm thấy: “Và Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy tạo ra con người theo hình ảnh và chân dung…” (St 1,26), và “Vậy chúng ta hãy xuống và làm cho ngôn ngữ chúng ra bất đồng, như thế, chúng không còn hiểu được lời nói của nhau” (St 11,7). Câu đầu là lời Thiên Chúa phán trước khi tạo ra Ađam, còn câu sau liên quan đến những người xây Tháp Babel.
Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của chính Ngài, theo hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài đã không nói điều đó với các thiên thần, những vị mà con người không được tạo ra theo hình ảnh của họ, nhưng Thiên Chúa nói với Chính mình trong St 1,26. Trong cả bản Latinh và tiếng Anh, chúng ta có một động từ lối giả định thể truyền khiến, “Chúng ta hãy tạo…” ở câu 26, và một động từ lối trình bày ở câu tiếp theo sau, “Thiên Chúa đã dựng nên”. Về cơ bản, điều này giống với kiểu ngôn ngữ linh cảm: xin xem bản dịch xen kẻ của tiếng Hipri – câu 26 và 27 – để kiểm chứng.
Trong việc làm bất đồng ngôn ngữ ở trình thuật tháp Babel, có một cấu trúc tương tự với St 11,7, có hai động từ số nhiều: “chúng ta hãy xuống và làm bất đồng…”, trong khi câu 8 theo sau có một động từ số ít: “Đức Chúa [Yahweh] phân tán…”.
Trong cả hai trường hợp, Môsê được đặc ân biết – và chúng ta đọc thấy – về những bàn bạc nội bộ của Thiên Chúa, nói theo số nhiều của các Ngôi vị.
Vẫn còn một trình thuật nữa trong sách Sáng thế; chúng ta chuyển đến chương 18 và 19, nơi đó, Môsê thuật lại cuộc hội thoại giữa ba thiên thần với Abraham và sau đó là với Lot. Đây là trình thuật hạn định việc tiêu diệt thành Sodom và Gomorrah. Toàn bộ câu chuyện khá bí ẩn, vì sách Sáng thế lần lượt gọi ba vị này là “đàn ông” rồi “thiên thần” – tương tự như vậy, điều này cũng giống với các sách Tin mừng khi nói về các thiên thần đã hiện ra với những người phụ nữ sau Phục sinh. Càng bí ẩn hơn nữa là việc ba vị thiên thần chỉ xuất hiện sau khi chương 18 sách Sáng thế đề cập đến việc “Yahweh” hiện ra với Abraham, sự hiện ra của Ngài không còn được nói gì thêm, trừ khi chúng ta thừa nhận rằng sự hiện ra của ba thiên thần là sự hiện ra của Yahweh. Hơn nữa, Abraham “sụp lạy xuống đất và nói: Lạy Chúa [Adonai], nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài” (St 18,2-3).
Nếu những vị thiên thần này không đại diện cho tư cách của Thiên Chúa, thì hành vi của Abraham sẽ là sự xúc phạm gây sốc cho thuyết độc thần nghiêm nhặt của Cựu ước. Để so sánh, khi thánh Gioan phủ phục dưới chân một thiên thần, vị này đã ngăn ngài lại và từ chối việc nhận sự tôn kính như vậy: “Đừng làm như thế, vì tôi cũng là kẻ tôi tớ như ông… Hãy thờ lạy Thiên Chúa” (Kh 22,8-9). Nhưng những vị thiên thần kia lại nhận lấy sự tôn kính tương tự từ Abraham mà không hề can ngăn, rất có thể bởi họ đại diện cho (các) Ngôi vị Thiên Chúa.
Thánh Augustinô giải thích đoạn văn này theo hướng Tam vị Nhất thể trong cuốn thứ hai của tác phẩm Bàn về Chúa Ba Ngôi. Theo Đức ông Pohle, quan điểm của thánh Augustinô là ba vị thiên thần trong chương 18 sách Sáng thế cũng chỉ là những vị thiên thần chứ không thực sự là chính Thiên Chúa, nhưng sứ vụ của họ, theo những lời họ đã nói, được hiểu như những lời của Thiên Chúa; nói cách khác, họ đại diện cho tư cách của Thiên Chúa. Quan điểm này được thánh Athanasiô, Basiliô, Cyrilô thành Alexandria, Gioan Kim khẩu, Giêrônimô, Grêgôriô Cả, và những vị khác chia sẻ. Việc “đại diện cho tư cách” này có thể giúp chúng ta giải thích được việc Thiên thần sẵn lòng chấp nhận cho Abraham “sụp lạy xuống đất” - một sự tôn thờ hướng đến ba Ngôi vị thần linh, là Đấng mà ba vị thiên thần biểu lộ cách rõ ràng.
Có thể thấy danh sách ở trên không chỉ có các Giáo phụ Tây phương mà còn cả Đông phương, những người đọc về tình tiết này theo cái nhìn của thần hiện Ba ngôi. Một trong những ảnh tượng [icon] nổi tiếng nhất của Giáo hội Chính thống Nga, bức Trinity của Andrei Rublev, miêu tả lòng mến khách của Abraham đối với ba vị thiên thần, nhưng lại khắc họa hình ảnh Thiên Chúa Ba ngôi cách rõ ràng.
Còn một trình thuật nữa nằm trong Ngũ thư, chúng ta đến với Ds 6,24-27. Đây là công thức chúc lành mà Thiên Chúa truyền cho Môsê để dạy Aaron và những người con thuộc hàng tư tế của ông:
“Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em.
Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em.
Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em”.
Công thức chúc lành gồm ba phần, khiến cho nhiều nhà chú giải Kitô giáo nhận ra Thiên Chúa Ba ngôi trong đó. Cần lưu ý rằng “khuôn mặt” mà vị tư tế Lêvi xin Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta nằm ở vị trí thứ hai của bộ ba: đó chính là Nhan thánh Đức Giêsu!
Nhiều linh mục dòng Phanxicô dùng thể thức này của chương 6 sách Dân số để chúc lành cho mọi người. Câu chuyện về cái cách mà công thức chúc lành này được biết đến như là “công thức chúc lành của thánh Phanxicô” đang được dựng nên.
Giờ đây, chúng ta chuyển qua sách Ngôn sứ Isaia, chương thứ 6, là bản văn đưa ra hạn từ Sanctus [Thánh] trong Thánh lễ. Trong trích đoạn bàn về Thiên Chúa Ba ngôi, Đức ông Joseph Pohle nói về điều này như sau:
Sự ám chỉ rõ ràng nhất về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi trong Cựu ước có lẽ nằm ở điều được gọi là Trisagion [“ba lần Thánh”] trong Is 6,3: “Thánh, Thánh, Thánh, Đức Chúa là Thiên Chúa các Đạo binh, toàn cõi đất ngập tràn vinh quang của Ngài”. Đây là quan điểm của hầu hết các Giáo phụ chứ không phải một vài thần học gia. Ba lần “Thánh” này [được vang lên bởi seraphim, ca đoàn các thiên thần cao quý nhất] đề cập đến một thị kiến xuất thần về Thiên Chúa của Isaia, vị ngôn sứ được gọi cách trang trọng và được tôn phong là Ngôn sứ của Ngôi lời Nhập thể, một chức vụ dành riêng cho ông với tước vị “Người rao giảng Tin mừng trong số bốn vị ngôn sứ lớn".
Hạn từ “thánh” trong tiếng Hipri là Kadosh (qā·ḏō·wōš). Đối với việc lặp lại ba lần một hạn từ, một số tác giả tuyên bố đó không phải là một cách thức thông thường của việc cấu thành những cấp so sánh tương đối và tột bậc của tính từ trong tiếng Hipri, và việc nói ba lần tính từ này là một cố gắng để diễn đạt cấp độ tột bậc. Tôi thấy một số người tranh cãi về vấn đề này, họ cho rằng việc lặp lại ba lần một tính từ chỉ đơn thuần là một “sự khuếch đại”. Tôi sẽ để cho các chuyên viên tiếng Hipri phản bác điều đó; dù chịu ràng buộc bởi các quy tắc sử dụng tiếng Hipri hay sự khao khát để nên “mãnh liệt”, thì theo cách nào đi nữa, thánh ngôn sứ Isaia đã dạy chúng ta rằng, Thiên Chúa không chỉ đơn thuần là “thánh”, nhưng Ngài là “Thánh, Thánh, Thánh”; và Giáo hội đã nhận thấy, trong lời vinh chúc này của ca đoàn seraphim, một dự ngôn của mặc khải trọn vẹn về Thiên Chúa Ba ngôi.
Trong một chỉ dẫn khác về số nhiều nơi Thiên Chúa, chính ngôn sứ Isaia cũng trình bày rằng Đấng Messia sẽ đến là Thiên Chúa. Sau đây là một số mô tả của vị ngôn sứ về Đấng Kitô sẽ đến: “danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9,5; x. Lc 1,32); “Emmanuel”, theo nghĩa đen là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14; x. Mt 1,23); “Chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu anh em” (Is 35,4; x. Mt 9,5); “Hãy dọn đường cho Đức Chúa… Kìa, Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ quang lâm hùng dũng” (Is 40,3.10; x. Mc 1,3).
Trong các Thánh vịnh về Đấng Messia, tôi sẽ chỉ chọn 2 bản văn sau: “Đức Chúa phán bảo tôi: Con là con Ta, ngày hôm nay, Ta đã sinh ra con” (Tv 2,7) và “Sấm ngôn của Đức Chúa phán cùng Chúa thượng tôi: Hãy ngự bên hữu Ta… tự lòng Ta, trước hừng đông xuất hiện, Ta đã sinh ra con” (Tv 109,1-3). Ở đây, Đấng Messia được thể hiện như là Con Thiên Chúa. Hơn nữa, Ngài là “Chúa thượng của tôi” [của Đavít], lại đồng thời là Con của “Đức Chúa”; nói cách khác, Ngài vừa là Con Thiên Chúa vừa là Thiên Chúa. Trong cuộc đời công khai của mình, Chúa chúng ta đã khiến những người Pharisêu bối rối về mầu nhiệm kín ẩn nơi Thánh vịnh 109 (x. Mt 22,41-46). Nếu có thiện chí, những kẻ đối nghịch với Đức Giêsu cần phải nhờ Ngài giải thích đoạn văn trên, là đoạn văn được hoàn toàn ứng nghiệm nơi Ngài, nhưng họ đã xem trọng tiếng nói của mình. Liên quan đến những kẻ đối nghịch cùng Chúa chúng ta, thánh Augustinô chỉ ra rằng, những người Dothái không tin vào ngày của Đức Kitô hiểu những tuyên bố của Đức Kitô hơn cả lạc giáo Ariô, vì những người ấy nhận ra được Ngài gọi chính mình là Thiên Chúa, đơn giản vì Ngài gọi Thiên Chúa là Cha (x. Ga 5,18 và Ga 10,33; lưu ý rằng Đức Giêsu đã không phủ nhận cáo buộc ấy), trong khi các dị giáo đã bỏ lỡ điểm ấy, và phủ nhận thần tính của Ngài. Tất cả những điều này thể hiện việc có nhiều ngôi vị nơi Thiên Chúa, ít nhất là liên quan đến Chúa Cha và Chúa Con.
Chúng ta có thể thấy được những lời tiên báo thể hiện việc có nhiều ngôi vị nơi Thiên Chúa trong thể loại văn chương cuối cùng của Cựu ước – Sách Khôn ngoan. Nhưng để giữ cho vấn đề không quá dài dòng, tôi xin giới thiệu bản văn ở trang 16, trong tác phẩm “Giáo huấn của sách Khôn ngoan” của Đức ông Pohle để bạn đọc tham khảo.
Những ai muốn đọc thêm những bài viết của chúng tôi về Mầu nhiệm lớn lao nầy, xin mời xem một danh mục nhỏ của chủ đề này tại trang Catholicism.org.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi là “Mầu nhiệm thuần túy” hay “Mầu nhiệm tuyệt đối”, cả hai đều có nghĩa rằng, chúng ta chẳng có cách nào để biết về chúng nếu không nhận được ơn từ mặc khải siêu nhiên, và chúng ta không thể lĩnh hội mầu nhiệm ấy cách trọn vẹn. Vì chưng, đó là một Mầu nhiệm – quả thực lớn lao nhất trong các Mầu nhiệm của chúng ta – mà chúng ta không thể biết đầy đủ về nó, nhưng chúng ta có thể biết những điều Thiên Chúa phán dạy chúng ta qua Giáo hội. Và thật chính đáng và phải đạo khi chúng ta tôn thờ Ba ngôi:
“Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần; như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen!”.
Tác giả: Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ