Từ Sấm Truyền đến Thánh Kinh: Ngót 400 năm Tin mừng được loan báo trên đất Việt
G-Vương, Lê Minh Sơn
2024-10-23T20:34:09-04:00
2024-10-23T20:34:09-04:00
https://gpquinhon.net/ton-giao/tu-sam-truyen-den-thanh-kinh-ngot-400-nam-tin-mung-duoc-loan-bao-tren-dat-viet-6338.html
https://gpquinhon.net/uploads/news/2024/image-20241024071925-6.jpeg
Giáo phận Qui Nhơn
https://gpquinhon.net/uploads/banertrongsuot.png
Thứ tư - 23/10/2024 20:19
Từ Sấm Truyền đến Thánh Kinh:
Ngót 400 năm Tin mừng được loan báo trên đất Việt
Từ buổi Tọa Đàm Về Di Sản Sấm Truyền Ca (1670) Của Linh Mục Lữ Y Đoan (1608-1678) tại Tiểu Chủng Viện Qui Nhơn ngày 22/09/2024, chúng tôi xin tìm hiểu về “Sấm truyền” trong đạo Công giáo. Trong bối cảnh chúng ta đang được mời gọi “Cùng nhau loan báo Tin Mừng” (Thư Mục vụ 2025 của HĐGMVN), thì các di sản cha ông để lại luôn là những bài học quý giá, là dịp tốt để mọi người nhìn lại quá khứ mà tạ ơn Chúa vì muôn hồng ân Chúa đã thương ban cho Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam, đồng thời lấy đà tiến về phía trước với tâm tình hăng say truyền giáo như các cha ông tổ tiên.
I. Sấm truyền trong dân gian Việt Nam cho đến thế kỷ 16.
Không chỉ trên thế giới mà ở Việt Nam từ xa xưa đã có những lời sấm lưu truyền trong dân gian. Một số câu hay bài ca dao, tục ngữ đặc biệt được xem là “sấm ngôn” hoặc “sấm ngữ”, chứa đựng nhiều điềm đoán về tương lai của thời cuộc với những lời lẽ bí ẩn, khó hiểu.
Sử sách Việt Nam còn ghi lại tên tuổi một số vị cao tăng tinh thông thế số, có khả năng nói tiên tri và ban sấm truyền như Thiền sư Định Không (730-808), Thiền sư La Quý (852-936), Thiền sư Vạn Hạnh (938-1025).v.v.
Nhưng có lẽ nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam với nhiều câu sấm truyền nổi tiếng đó là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585), còn được biết đến với cái tên Bạch Vân cư sĩ hay Tuyết Giang phu tử. Những câu sấm truyền của Nguyễn Bỉnh Khiêm được nhiều người biết đến, lưu truyền rộng rãi trong nhân dân và đã được tập hợp lại trong tác phẩm “Sấm Trạng Trình”. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được người đời sau suy tôn là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lịch sử và văn hóa lớn nhất thế kỷ 16.
Trong chiều dài lịch sử nhiều thế kỷ, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống và Phật giáo trở thành tôn giáo của dân gian. Người Việt sử dụng chữ viết ban đầu là chữ Hán và sau đó là chữ Nôm, một thứ chữ viết khác được chính họ sáng tạo ra dựa trên chữ Hán để phiên âm các từ tiếng Việt bản địa.
II. Sấm truyền trong giáo lý Công giáo thế kỷ 17.
Tin Mừng được loan báo đến quê hương Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ 16. Sau những bước chân dò dẫm, từ năm 1615, các thừa sai Dòng Tên ở cả hai miền Nam và Bắc – Đàng Trong và Đàng Ngoài đã nỗ lực hội nhập văn hóa, quan tâm đến việc học ngôn ngữ, phong tục dân Việt và giảng đạo bằng tiếng Việt, với sự cộng tác đắc lực của các Thầy giảng người Việt có học thức, như các linh mục Francesco Buzomi, Diego Carvalho và các trợ sĩ Dòng Tên ở Cửa Hàn, Đà Nẵng. Tiếp theo là các linh mục Francesco de Pina, Cristoforo Borri, nhất là cha Alexandre de Rhodes (1593-1660), người Pháp, đến truyền giáo ở Đàng Trong từ cuối tháng 12/1624 và Đàng Ngoài từ 19/03/1627. Chữ Quốc ngữ được khai sinh, là chữ viết ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh. Trong giai đoạn này, cả chữ Quốc ngữ và chữ Nôm đều phát triển song hành, chuyển tải nội dung Tin Mừng đến với người dân Việt.
Chữ “sấm truyền” trong dân gian đã được các Linh mục và Thầy giảng khéo léo sử dụng để đưa vào giáo lý của một tôn giáo mới mẻ còn rất sơ khai: Đạo đức Chúa blời (trời).
1. Trong Phép Giảng Tám Ngày của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes 1651
Chính cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) đã sử dụng chữ “sấm truyền” trong cuốn giáo lý song ngữ có nhan đề: Phép Giảng Tám Ngày – Cathechismus in octo dies divisus xuất bản tại Rôma năm 1651. Trong tác phẩm chữ quốc ngữ đầu tiên này, cha Đắc Lộ đã 17 lần sử dụng chữ “sấm truyền” với các nghĩa: vị tiên tri, lời tiên tri, lời tiên báo, các sách tiên tri …
- Để chỉ các vị tiên tri trong các sách Cựu ước, cha Đắc lộ đã sử dụng các cụm từ: “kẻ đã chịu sấm truyền”, “người có chịu phép nói sấm truyền”, “người thánh chịu sấm truyền” (tr.77, 125, 144, 205, 233, 255).v.v
- Diễn tả các lời nói tiên tri, lời dự đoán, báo trước trong Kinh Thánh…, tác giả viết: “như lời sấm truyền ông Adam đã nói ra”, “Lời này đức Chúa trời phán, là sấm truyền…”, “vì có sấm truyền đức Chúa trời phán vậy”, “…con trai và con gái bay sẽ chịu sấm truyền” (sẽ nói tiên tri)”, “Vì chưng khi ông ấy kể sấm truyền sự quân Iudeo giết đức Chúa Iesu” (tr.78, 92, 164).v.v.
- Có những chỗ hàm ý các lời tiên tri được chép trong các sách:
“Vậy cho lọn sấm truyền ấy…” (vậy cho trọn lời trong sách tiên tri) (tr. 225), ;
“Mà vậy sấm truyền ông David ra thật khi rằng…” (sách tiên tri David) (tr. 227);
“Hở người Iudeo hỡi, thì phải hay điều này, bây giờ đã đến điều ông Ioel chịu sấm truyền đã nói ra xưa” (sách tiên tri Ioel) (tr. 254);
“Vậy thì ra sấm truyền ông David khi hơn nghìn năm trước đã nói rằng: ‘Nó thấu qua hai tay và hai chân Tao, lại nó kể mọi xương tao’” (sách tiên tri David) (tr.223) .v.v.
Và ngài cũng giảng các lời tiên tri ấy có sự linh hứng của Thánh Linh: “Có ông Isaya đời xưa có chịu sấm truyền bởi Đức Chúa Spirito Santo” (tr.224).
Đặc biệt, cha Đắc Lộ sử dụng chữ sấm truyền để nói về “các sách tiên tri”. Trong đoạn về “Thiên thần truyền tin” cho ông Giuse, ngài giảng:
“Vì cũng đã hay (bởi ông thánh đã chịu sấm truyền chép ra, mà mình thì đọc liên) đã gần ngày đức Chúa trời khiến cứu chúng tôi. Mà có đêm nào, âu là có đọc trong sấm truyền điều nói rằng: “ Có đến ngày đàn bà đồng thân chịu thai và sinh đẻ con, gọi là Emmanuel” (Is VII,14) (x. tr.148).
[“maxime cum bene nosset (ex prophetarum libris quorom lectioni continuo vacabat)”]. Cumque quadam nocte prophetiam forte legeret in qua dicitur: “Virgo conceptura, et paritura filium cuius nomem Emmanuel”.

Phép Giảng Tám Ngày, tr. 148
Với các cụm từ quốc ngữ: “sấm truyền chép ra” và “đọc sấm truyền”, đối chiếu cột chữ Latinh được sử dụng: “prophetarum libris” (các sách tiên tri), chúng ta có thể nói được rằng, cha Đắc Lộ là người đầu tiên đã sử dụng chữ “sấm truyền” để chỉ các sách tiên tri. “Các sách tiên tri” – sấm truyền ở đây không chỉ là 6 sách tiên tri lớn và 12 sách tiên tri nhỏ, mà là gồm tất cả các sách mà ngày nay ta gọi là Thánh Kinh Cựu Ước.
Và mục từ “sấm truyền” đã được cha Đắc Lộ đưa vào sách Tự Điển Việt - Bồ - La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) cũng do ngài soạn thảo xuất bản cùng năm 1651. Sách đã được nhóm phiên dịch Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính, Hoàng Xuân Việt dịch sang tiếng Việt, được nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội xuất bản năm 1991.

Tự điển Việt – Bồ - La xuất bản năm 1651 tại Rôma

Trích dẫn bản dịch tiếng Việt xuất bản năm 1991
Quả thật, ngay từ buổi đầu mở đạo và sáng tạo chữ quốc ngữ, cha Alexandre de Rhodes đã chủ ý nhìn sâu vào tâm thức của người Việt đương thời, và đã lột tả một từ ngữ “Sấm truyền” trong dân gian vốn mang ý nghĩa huyền bí khó hiểu, thậm chí có tính chất dị đoan và xa rời giáo lý đức tin, thành một từ ngữ chỉ các sách chứa đựng “Lời hứa cứu độ”. Ngài đã có cái nhìn tiên tri về “Sấm truyền”, rồi đây sẽ trở thành công cụ đắc lực cho công cuộc rao giảng Tin Mừng trong nhiều thế kỷ về sau trên đất nước Việt Nam.
2. Sấm truyền ca của linh mục Lữ Y Đoan 1670
Sau thời gian miệt mài phục vụ giáo hội tại Đàng Trong và Đàng Ngoài, tháng 12/1645, cha Đắc Lộ trở về Châu Âu rồi đi truyền giáo ở Iran và mất tại Ispahan ngày 05/11/1660.

Vào năm 1670, thầy giảng Louis Đoan (Lữ Y Đoan, 1608-1678), một thầy giảng kỳ cựu và uyên bác thuộc Đàng Trong xuất thân từ trường đào tạo các cha Dòng Tên, đã hoàn thành một thiên trường ca lục bát bằng chữ Nôm gồm nhiều quyển có tựa đề: Sấm Truyền Ca. Sấm Truyền ở đây là 5 quyển sách của bộ Ngũ Thư trong Cựu Ước đã làm nguồn cảm hứng chủ đạo để Lữ Y Đoan (thụ phong linh mục năm 1676) sáng tác nên những vần thơ chuyển tải nội dung Tin Mừng. Các quyển thơ ca này lần lượt được gọi là Tạo Đoan Kinh (Sáng thế), Lập Quốc Kinh (Xuất hành).v.v. Bản Nôm của Sấm truyền ca đã thất truyền, nhưng hậu thế vẫn may mắn tìm lại được một phần tác phẩm đã được phiên âm ra chữ quốc ngữ từ năm 1820, sau đó được san định nhiều lần khác nhau nữa.
Cùng với một mục đích soạn ra dùng để dạy giáo lý, cùng sử dụng chữ Sấm truyền như của Phép Giảng Tám Ngày để chỉ các sách trong Cựu Ước, Sấm truyền ca của Lữ Y Đoan đã đẩy “Sấm truyền” lên một tầm ý nghĩa mới, ôm trọn Tiếng Việt (từ đây có cả chữ Quốc ngữ và chữ Nôm), để trở nên một tên gọi phổ thông hơn, gần gũi và dễ hiểu hơn với suy nghĩ của người Việt đương thời.
III. Sách Sấm truyền: Thánh Kinh/ Kinh Thánh thế kỷ 18-19.
1. Thăng trầm Sấm truyền
Phải nhìn nhận rằng Thánh Kinh bằng tiếng địa phương đã không được giáo quyền khuyến khích, thậm chí còn bị cấm đoán. Các bản dịch có chăng cũng chỉ là những bản dịch lẻ tẻ từng phần, hoặc các bản tóm lược, diễn giải bằng văn xuôi hay thơ ca phần Cựu Ước, được soạn ra để phục vụ cho nhu cầu ngày càng nhiều của các tín hữu.
Thời Đức Cha Alessandro di Alexandris cai quản Đàng Trong (1728-1738), vào năm 1731 có đề cập đến một quyển sách Thánh Kinh được dịch sang tiếng Việt và đang được lưu hành, thường được gọi là Sấm Truyền. Chính Đức Cha Alexandris đã ra lệnh thu hồi bổn Sấm truyền này cùng với nhiều tập sách cũng như các kinh bổn khác.
Tuy vậy, Sấm truyền vẫn tồn tại và ngày càng khẳng định vị thế của mình.
Năm 1773, bộ từ điển Việt - Latinh (Dictionarium Anamitico-Latinum) viết tay của Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc, 1741 - 1799) được soạn thảo song ngữ chữ Quốc ngữ, chữ Nôm-Nho và chữ Latinh, đã chính thức ghi nhận Sấm truyền là Sách Thánh Kinh:

Giám mục Pigneau de Behaine và bút tích biên soạn từ điển Annam-Latinh năm 1773


Sấm truyền: Scriptura sacra = Thánh Kinh. (Chưa có mục từ Sấm truyền cũ, Sấm truyền mới).
Cần lưu ý rằng cũng trong bộ tự điển này có mục từ “Kinh Thánh”, nhưng được giảng nghĩa là: Litanis Sanctorum (Kinh cầu các thánh).
2. Ra đời thuật từ “Thánh Kinh”
Một sự kiện liên quan cần tìm hiểu, theo các nhà nghiên cứu, thuật từ “Thánh Kinh” xuất hiện chậm nhất là từ năm 1803. Từ trước đó, cách nói của Tin Lành Trung Hoa rút ngắn hai câu thành ngữ “Thần thánh điển phạm” và “Thiên kinh địa nghĩa” mà gọi là Thánh Kinh, không phân biệt Cựu Ước và Tân Ước.
Năm 1803, khi toàn bộ Cựu Ước và một số sách Tân Ước được dịch từ bản Phổ Thông (Latinh) sang tiếng Hoa bởi các cha Dòng Tên, và được gọi Cổ Tân Thánh Kinh, thì thuật ngữ Thánh Kinh mới dần thông dụng.
3. Tiếp tục khẳng định vị thế
Thực ra, Sấm truyền trong thế kỷ 17-18 (thời Phép Giảng Tám Ngày và Sấm truyền ca) chỉ dùng để chỉ các sách Cựu Ước, qua thời gian khi Tân Ước cũng được diễn giải và phiên dịch phổ biến ngày càng nhiều, thì Sấm truyền cũng được sử dụng để gọi phần Tân Ước và được phân chia thành: Sấm truyền cũ (Cựu Ước) và Sấm truyền mới (Tân Ước).
Từ điển Latinh - Việt (Dictionarium Latino Anamiticum) và Từ điển Việt - Latinh (Dictionarium Latinum Anamitico), còn gọi Từ điển Taberd, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1838 đã ghi nhận các mục từ: Biblia: sách kinh thánh (sacra scriptura), sấm truyền cũ (vetus testamentum) cùng sách sấm truyền mới (novum testamentum).


Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, Saigon 1896 cũng ghi các mục từ Sấm truyền, Sấm truyền cũ, Sấm truyền mới: sách thánh (đạo Thiên Chúa).

Thời kỳ này có các sách liên quan như:
Tân cựu sấm truyền lục bát kinh văn của linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874), bản chữ Nôm thất truyền, bản chữ quốc ngữ in trong “Chức dịch thơ tín”, địa phận Kontum năm 1936.
Sách sấm truyền cũ: truyện các thánh tổ tông, Imprimerie de la Mission, 1883.
IV. Sấm truyền cũ và Sấm truyền mới thế kỷ 20: Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước.
Sang đầu thế kỷ 20, các tác phẩm liên quan đến Sấm truyền nở rộ, cả chữ Nôm lẫn chữ Quốc ngữ. Có thể kể một số sách:
Thánh Giáo Giám Lược (Sách tóm lại Cựu Ước và Tân Ước) của Cố Pierre Marie Lương thuật, Kẻ Sở, 1907.
Sách Tóm Lại Những Truyện Sấm Truyền Cũ Quyển Thứ Nhất của Đức Cha Pierre Marie Đông truyền tử, Kẻ Sở, 1910.
Sách Tóm Lại Những Truyện Sấm Truyền Cũ Quyển Chi Nhị, của Đức Cha Pierre Marie Đông truyền tử, Kẻ Sở, 1910.
Cho đến năm 1913, lần đầu tiên trọn bộ Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước được dịch sang Tiếng Việt từ bản Vulgata Latinh, do thừa sai Albert Schlicklin (Cố Chính Linh) thuộc giáo phận Tông tòa Tây Đàng Ngoài thực hiện, có tựa đề: Kinh Thánh cứ bản Vulgata. Linh mục Trần Phúc Nhân đã nhận xét: “Chính bản văn Kinh Thánh chia làm hai cột: bản Vulgata Latinh và bản dịch tiếng Việt. Bên dưới mỗi trang, thường có các chú thích, dài ngắn tuỳ chỗ; các chú thích về “Sấm truyền mới” (Tân Ước) khá dài. Ngoài ra còn có những “Lời mở đàng” chung cho mỗi loại sách và riêng cho từng cuốn sách”.
Tuy đã có bản Kinh Thánh cứ bản Vulgata, do Đức Cha P.M. Gendreau (Đức Cha Đông) chuẩn ấn ngày 19/03/1913 và in từ 1913-1916, nhưng tên gọi Sấm truyền vẫn được sử dụng phổ biến trong các ấn phẩm giáo lý và phụng vụ. Một số ấn phẩm đáng chú ý:
Sấm truyền cũ, Imprimerie de la Mission Quinhon (Annam), 1915.
Bổn tóm Sấm Truyền cũ mới dạy trẻ bé thơ, Philippe Lê Thiện Bá, Linh mục (Huế) đã dọn, Imprimerie de la Mission Quinhon (Annam), 1928, 1933 và 1940.

Cha Phaolồ Qui (1855-1914), cha giáo Trường Latinh (Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài gòn) suốt 20 năm, trong sách Thánh giáo yếu lý tam giải có cắt nghĩa như sau:
“Sách Thánh Kinh, là Sấm truyền cũ và Sấm truyền mới, hết thảy có 72 cuốn: 45 cuốn về Sấm truyền cũ và 27 cuốn Sấm truyền mới. Ấy là những sách trọng vọng châu báu đáng tin cùng đáng kính mọi đàng, vì có Đức Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho một ít người chép những sách ấy, cùng gìn giữ cho khỏi sai lầm trong những đều trọng về đức tin cùng về phong hóa” (x. Thánh giáo yếu lý tam giải, Linh mục Phaolồ Qui đã dọn ra, Imprimerie de la Mission, Tân định – Saigon, in lần thứ ba, 1934, tr. 10).
Trong Sách Phép Thánh Thể về Lễ Misa, P.X Binh, Linh mục, đã dọn (in lần thứ nhứt), Imprimerie de la Mission, Tandinh – Saigon 1939, là sách Nghi thức Thánh lễ đựợc giáo quyền phê chuẩn (Imprimatur: Đức Cha I. Dumortier ep. vic. apost, Saigon die 18 jannuarii 1939), đã chỉ dẫn các linh mục chủ tế: “Đọc lời nguyện đoạn thì đọc bài Sấm truyền” (tr. 104), tức đọc bài Phúc Âm, công bố Tin Mừng.
Đặc biệt, Sách sấm truyền cũ: truyện các thánh tổ tông, Imprimerie de la Mission, 1883 đã được tái bản rất nhiều lần: tái bản lần thứ sáu vào năm 1950 (Rue Paul Blanchy Saigon- Tan Dinh 1950), tái bản lần thứ 9 năm 1960 (Imprimerie de la Mission, Tandinh, Saigon 1960).v.v. Điều này cho thấy thuật ngữ Sấm truyền vẫn còn được sử dụng phổ biến cho đến những năm trước Công Đồng Vaticanô II.
Từ năm 1913 đến nay, có các bản dịch toàn bộ Kinh Thánh khác đã được thực hiện: Cha Gérard Gagnon (1963), Cha Trần Đức Huân (1970), Cha Nguyễn Thế Thuấn, CSsR (1976), Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn (1985), Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (1998).
Ngày nay, Sấm truyền, Sấm truyền cũ, Sấm truyền mới không còn được sử dụng, thay vào đó thuật từ Thánh Kinh hay Kinh Thánh đều được dùng với nghĩa như nhau để chỉ cùng một đối tượng: Sách Cựu Ước và Tân Ước.
Tạm kết
Có ý kiến cho rằng sở dĩ Sấm truyền không còn được sử dụng vì từng được định nghĩa như là “Lời dự đoán có từ lâu đời được truyền lại”. Sấm có nghĩa lời dự đoán, lời tiên tri, (chẳng hạn như sấm Trạng Trình), và e ngại nếu hiểu Thánh Kinh như vậy thì quả thật là nguy hiểm! Tuy nhiên ông cha ta, suốt chiều dài lịch sử gần 400 năm từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20 đã không ngần ngại sử dụng “Sấm truyền” để loan báo Tin Mừng. Trong bối cảnh thời sơ khai của Đạo Chúa và của chữ quốc ngữ, “Sấm truyền” là một từ ngữ hội nhập diễn tả về một lời hứa giao ước rất hệ trọng sẽ được thực hiện trong tương lai, là điều con người luôn hướng vọng tới, mà Thánh Gioan đã thị kiến và ghi lại cách tiên tri trong Sách Khải Huyền, đó là “Trời Mới, Đất Mới…là Thành Thánh Giêrusalem trên trời…” (Kh 21,1-2).
Nhìn lại quãng đường lịch sử đã qua, với Phép Giảng Tám Ngày của cha Đắc Lộ (1651) và Sấm Truyền Ca của linh mục Lữ Y Đoan (1670), chúng ta thấy các ngài thật can đảm, sáng tạo, dù gặp biết bao khó khăn, đã âm thầm khiêm tốn ngụp lặn vào giữa tâm thức sâu kín của lương dân, đọc thấy và đồng cảm với thao thức của con người thời đại, để rồi hòa nhập, tiến đi cùng họ lần dò tìm đến chân lý. Nói theo ngôn ngữ của Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Vui Mừng Và Hy Vọng (Gaudium Et Spes, số 1):
“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”.
Maranatha! Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!
Lê Minh Sơn
Khánh Nhật Truyền Giáo 20/10/2024
x. Trang nhà Quảng Đức (quangduc.com)
đức Chúa blời: cách viết của cha A. de Rhodes trong Phép Giảng Tám Ngày, Rome, 1651.
Alexandre de Rhodes, Cathechismus in octo dies divisus (Phép Giảng Tám Ngày), Rome, 1651, các trang: 77, 78, 92, 125, 144, 148 (2 lần), 164, 205, 223, 224, 225, 227, 233, 254, 255, và 257.
Thư Đức Cha Alexandris gửi thừa sai Gouge ngày 22/08/1731 (x. A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, volume II, Paris 1924, tr. 11). Nguyên văn trích đoạn: “Scio te, et Christianos habere apud se bibliam sacram lingua anamitica translatam, vulgo Sam Tluyen, et ubique dispersi sunt multi libri necnon orationes a D. Carolo compositae: quapropter cogita quamprimum colligere omnes libros illos, omnes biblias et orationes, et ad me mittas, vel deponas apud P. Valerium meum provicarium, quia prohibeo illos in posterum ; nec cuiquam amplius legere licebit, et monebis ubique solas antiquas preces recitari debere”.
Lm Stêphanô Huỳnh Trụ, Thánh Kính hay Kinh Thánh?
(Nguồn: https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/MucVu/25ThanhKinh-KinhThanh.htm)
x. Linh mục Nguyễn Hưng, Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo Việt Nam, Lưu hành nội bộ 2008.
Lm An-bê-tô Trần Phúc Nhân, Các bản dịch toàn bộ Kinh Thánh sang Tiếng Việt (Nguồn: ktcgkpv.org).