Nhìn nắng buông tơ

Thứ bảy - 02/11/2024 21:50
ThanhThan09g DB
 
“Nhớ đầu năm mới
trông về tháng xưa
nhìn nắng buông tơ
nguyện hồn chắp cánh”[1].


Nhớ đầu năm mới là nhớ ngày chào đời, ngày được rửa tội, được làm con của Thiên Chúa. Trông về tháng xưa là nhìn lại những ngày đã qua, nhìn lại những gì hồn đã: nghĩ, nói và làm có theo tiếng lương tâm: làm lành, lánh dữ không? vì tiếng lương tâm là tiếng Chúa nói với hồn. Nhìn nắng buông tơ là nhìn Đức Kitô trong ánh sáng cứu độ của Ngài; ngắm những việc Ngài đã làm mà tôn vinh Thiên Chúa Cha, nguyện Chúa Thánh Thần đến chắp đôi cánh cho hồn luôn bay lên trên đường trọn lành.

Đường trọn lành là đường Chúa muốn hồn đi. Chúa là điểm xuất phát và cũng là đích tới của hồn. Chúa là trung tâm của cuộc đời. Chúa luôn đòi hồn giữ lòng nhiệt thành, phấn khởi như giây phút đầu năm mới, và từng ngày tái điều chỉnh ánh nhìn thiêng liêng của mình, từ bỏ những đam mê dẫn đến lầm lạc; từ bỏ thói quen gặp khó hay nản, gặp chán hay chê mà tập trung sức lực cậy trông vào ơn chữa lành của Chúa để được nhu mì, dang rộng vòng tay ôm ghì can đảm, cvần cù làm việc thiện ưu phiền sẽ biến mau.

Những ngày tháng xưa của muộn phiền, của âu lo, của ham mê trần tục hãy bỏ đi: “Không mê chi kỳ tân người vàng chạm/ Trời cỏ bồng hay thú vị tiêu hao/ Rượu nồng thơm hay hoa nguyệt hồng đào/ Đây chỉ mới se vấn vương lòng dạ”[2]. Những cảnh đẹp của thiên nhiên, những thú vui thưởng ngoạn; cùng bạn tri âm tri kỷ chén trà, chén tửu hàn huyên ngắm ánh nguyệt hồng cũng không làm hồn thỏa mãn nỗi khao khát được biến đổi trên đường lành, được say Chúa Giêsu.

Nguyện hồn chắp cánh là biết từ bỏ. Từ bỏ là dứt lìa những dính bén xấu, những ham muốn bất chính, không chỉ với của cải vật chất mà còn với của cải tinh thần như danh vọng, uy tín, ý riêng. Từ bỏ là ra khỏi cái tôi ích kỷ, bỏ con người cũ, trở nên con người mới (x. Cl 3,9-10). Từ bỏ chính là chấp nhận hi sinh, khiêm tốn tự chôn vùi như lời Chúa Giêsu dạy: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Từ bỏ đích thực là tự nguyện gắn bó chặt chẽ với thánh ý Chúa Cha như Chúa Giêsu: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22,42).

Chắp cánh là tìm về nghỉ ngơi nơi Chúa Thánh Thần, và Người sẽ làm cho hồn có nét đẹp thanh thoát và cao thượng. Nghỉ ngơi nơi Chúa có nghĩa là cầu nguyện. Ai chỉ biết chạy theo công việc chân tay hay trí óc mà lơ là cầu nguyện sẽ rơi vào tự mãn; mỗi ngày lạc xa Chúa một chút, một chút đến lúc lạc xa đến nỗi không biết đường về. Hãy trở về bên Chúa từng phút giây trong đời, Người sẽ dạy hồn cầu nguyện, chiêm niệm là được nghỉ ngơi an toàn.

            Chấp cánh còn là kính nhớ và gắn bó với các thánh để được khơi lên hoặc thôi thúc mãnh liệt hơn trong niềm khát vọng được hợp đoàn với các ngài, được xứng đáng làm người đồng hương và làm bạn hữu với các thánh, được liên kết với chư vị tổ phụ, với hàng ngôn sứ, với bậc tông đồ, với hàng hàng lớp lớp các vị tử đạo, với cộng đoàn các vị tuyên xưng đức tin, với đoàn trinh nữ. Tóm lại, họ được hân hoan sum họp trong mối dây hiệp thông với toàn thể các thánh. Hỡi hồn ơi! hãy thức dậy, hãy trỗi dậy cùng với Đức Kitô tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới. Hồn hãy ao ước được hợp đoàn với các thánh, ao ước được chia sẻ hạnh phúc với các ngài, nóng lòng ôm ấp tham vọng được chia sẻ vinh quang với các ngài[3].

Vậy hồn ơi! Trên đời này hồn còn khao khát điều gì? Hãy nói đi. Hồn chỉ khao khát, chỉ mong chờ Đức Kitô, nguồn sống của hồn. Hồn tin Ngài xuất hiện cho các thánh thế nào thì Ngài cũng xuất hiện với hồn như vậy. Và Hồn cũng được xuất hiện với Ngài nơi làng Nazaret, trên bờ biển Galilê, nơi vườn Dầu tĩnh lặng, trên đường lên núi Sọ và trên thập giá…

Ngày nay, Làng Nazaret là những vùng quê nghèo, rừng núi cheo leo nơi em thơ chân trần đến lớp, bữa trưa với mì gói nhai khô. Bờ biển Galilê là nơi trẻ thơ, cụ già sống đời lạnh lẽo, neo đơn chưa được nghe lời Chúa. Vườn Dầu là những bệnh nhân, người bị tổn thương, bị loại trừ sống trong cô đơn tuyệt vọng thiếu người an ủi. Đường lên núi Sọ là những hi sinh từng ngày để đền tội cho chính mình, vì thân phận con người là yếu đuối; và cho tha nhân, cho những chàng trai, cô gái đang sống buông tuồng chỉ biết hôm nay mà không nghĩ đến ngày mai, vì nơi mình gồm bởi tội nhân. Và thập giá chính là lòng vị tha, bao dung và quảng đại hồn vác cho người bên cạnh. 

Hằng ngày hồn chờ đợi Chúa Giêsu, Ngài sẽ xuất hiện nơi những con người ấy để tỏ cho hồn thấy Ngài. Thấy những mão gai để hồn giúp ngài lấy xuống; thấy những lạc thú cần nhổ đi; thấy những chiếc áo nhạo cười cần thay bằng áo cảm thông và tôn trọng… Chúa Giêsu hiển vinh sẽ xuất hiện. Hồn sẽ không còn mong chờ nữa. Hồn sẽ cùng Ngài vào hưởng vinh quang, vinh quang dành cho những người giống Ngài.   

         Mắt hồn ngắm, lòng say vinh sáng
        Trên cõi đời tận hưởng thiên thai
        Tâm hồn đẹp tựa ánh ban mai
        Say sưa đẹp duyên tình Thiên Tử[4].
 

[1] DANTE ALIGHIERI, Thần khúc hỏa ngục, Bi Khúc XXIV,1. Biên dịch, lm. Đình Chẩn, NXB Hồng Đức. 2022, tr. 253.
[2] HÀN MẠC TỬ, Say thơ.
[3] Xem Lễ CÁC THÁNH NĂM NỮ, Kinh sách, bài đọc 2.
[4] CÁT ĐEN, Ngắm Giêsu.
 

Tác giả: Lm. Gioakim Nguyễn Đức Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây