Yên tâm ! vì đã chọn phần tốt nhất

Thứ bảy - 16/07/2022 19:02

YÊN TÂM ! VÌ ĐÃ CHỌN PHẦN TỐT NHẤT
(Chúa Nhật 16 Thường niên năm C 2022)


Sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật 16 thường niên chu kỳ năm C, một cách nào đó, đang nhắc nhở chúng ta “tái khám phá những hành vi của lòng thương xót”, theo như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên dạy trong Tông sắc Dung nhan lòng thương xót: “Chúng ta hãy tái khám phá những hành vi thương xót, chẳng hạn Thương xác bảy mốiđó là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà,…” (DNLTX số 15).

Thật vậy, câu chuyện viếng thăm nhà cụ Tổ Abraham của ba Vị khách lạ, đâu phải là chuyện “ghé ngang tình cờ” nhưng chính là cuộc “viếng thăm của lòng thương xót”. Bởi chưng, ngang qua cuộc viếng thăm đặc biệt nầy, Thiên Chúa đã chính thức viết thành hiện thực “tiến trình lịch sử cứu độ”, lời hứa cứu độ đã bắt đầu mở ra một chương mới: “Độ nầy sang năm, khi Ta trở lại thăm ông, thì cả hai vẫn còn mạnh khỏe, và Sara bạn ông sẽ được một con trai” (Bđ 1: St 18,1-10). Vâng, chính từ “người con trai” của Abraham đã khởi đầu “dòng tộc của Chúa Cứu thế” như Tin Mừng Matthêô đã tường thuật: Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này… Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô. (Mt 1,1-16).

Điều nầy càng được biểu lộ rõ nét qua sứ điệp của Tin Mừng Luca, trình thuật lại câu chuyện “viếng thăm gia đình Bêtania của Chúa Giêsu”, một trong những “địa chỉ thuộc đích ngắm ngàn đời của Thiên Chúa”: những kẻ nghèo của Giavê, những thân phận thuộc “nhóm nhỏ” mà trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa hằng để mắt đoái thương và như chính Đức Ki-tô đã thể hiện: Ngài đến thăm căn nhà của những tên thu thuế như Matthêô, Giakêu để đổi mới tâm hồn; đến tang gia của ông Giairô, để mang lại niềm vui phục sinh; gặp gỡ, đối diện với bao thân phận con người bệnh hoạn tật nguyền để chữa lành như goá phụ mất con ở Naim, như người phụ nữ lộn chồng ở Samari, như người thiếu phụ bệnh hoạn ngoại đạo ở Canaan…

Vâng, chính Thiên Chúa, chính Đức Ki-tô là kẻ đi đầu trong việc thực hành “Thương người có 14 mối”.

Riêng đối với việc “cho khách đỗ nhà”, “cho kẻ đói ăn” của hai nhân vật điển hình hôm nay, Abraham và Martha, Lời Chúa rất tinh tế gọi mời chúng ta hãy thực thi cụ thể hành vi thương xót đối với tha nhân. Vâng, Phải trân trọng hiếu khách như Abraham ở cây sồi Mambrê: Vừa trông thấy, từ cửa lều, ông chạy ra đón các vị ấy, rồi sấp mình lạy và thưa rằng: "Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ đi qua, con xin lấy ít nước để các Đấng rửa chân, và nghỉ mát. (Bđ 1); phải mau mắn và quảng đại phục vụ hết mình như Martha ở Bêtania: Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình…. Martha bận rộn với việc thết đãi khách (TM). Hai nhân vật trên chính là hai chứng nhân tiêu biểu của hai đức thương người: Abraham “cho khách đỗ nhà” và Martha “cho kẻ đói ăn” ! Nhưng để có một tấm lòng sẵn sàng cho hai nhân đức trên, Lời Chúa lại đề nghị một nhân đức nền tảng khác: một tấm lòng biết lắng nghe; phải biết đón nhận, lắng nghe như cô Maria “chọn phần tốt nhất”“ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Lời Ngài”.

Thật cần thiết biết bao những thái độ trên đối với các gia đình Kitô hữu trong thế giới hôm nay, một thế giới đang xô đẩy con người “đóng cửa cài then” để sống chủ nghĩa cá nhân, và không màng chi đến sự hiện hữu của tha nhân để sẻ chia, gặp gỡ, phục vụ và yêu thương; và vì thế không làm sao nghe được “tiếng gõ cửa của Thiên Chúa” (Kh 4,20).

Và một khi con người đóng cửa không tiếp nhận Thiên Chúa, không muốn “chọn phần tốt nhất là ở bên chân Ngài”, nghĩa là không còn biết cầu nguyện thì, bi đát làm sao, sẽ trở nên bệnh hoạn và tầm thường, như cách cảm nhận của Mẹ thánh Têrêsa Calcutta: “Thế giới ngày nay là một thế giới bệnh hoạn. Bệnh hoạn vì thiếu yêu thương. Thiếu yêu thương vì không cầu nguyện”; và chúng ta cũng đừng quên: một trong những phương thế cần thiết và bắt buộc để các người môn sinh của mẹ thánh ra đi phục vụ người nghèo cách hiệu quả nhất, chính là trước khi ra đi phục vụ, mỗi người phải cầu nguyện trước Thánh Thể trọn một tiếng đồng hồ. Chính nhà bác học Ampère, cũng đã xác nhận: “Người ta chỉ trở nên vĩ đại khi người ta cầu nguyện”.

Như vậy, để trở nên “người phục vụ Hội Thánh” cách trọn hảo như Thánh Phaolô: Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội thánh theo sự an bài của Thiên Chúa, Đấng đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ Lời Chúa…” (Bđ 2), hay để trở nên Tông đồ rao giảng và thực thi lòng thương xót, thì ngay từ hôm nay, chúng ta hãy mau mắn, trân trọng mở lòng đón tiếp Chúa Kitô qua biết bao cuộc viếng thăm mà Ngài thực hiện hôm nay trong Hội Thánh: Thánh lễ, bí tích Giải tội, các giờ kinh nguyện, các buổi học hỏi Lời Chúa, giáo lý, các công tác mục vụ tông đồ… ; và dĩ nhiên, điều quan trọng nhất ở giữa bao nhiêu công việc đó, chính là “ở bên chân Chúa để đón nhận và lắng nghe”. Nếu không dành ưu tiên cho việc quan trọng nầy, cầu nguyện, chúng ta dễ rơi vào nguy cơ không tìm Chúa mà chỉ tìm mình, không gặp Chúa hay tha nhân để yêu thương phục vụ mà chỉ là để gặp cái tôi bên ngoài và hợm hĩnh, như câu chuyện cổ tích “Chiếc áo choàng của nhà vua”. Xin tóm tắt:

Nhà vua đi ngang qua một lâu đài của một tay phú hộ… Sau đó giả dạng ăn mày mặc đồ rách rưới đến xin ăn. Tay phú hộ xua đuổi thẳng tay… Sau đó, nhà vua mặc thêm một tấm áo choàng sang trọng bên ngoài và lại đến xin ăn. Bây giờ tay phú hộ đón tiếp mời mọc rơm rả với nhiều thức ăn thịnh soạn... Nhà vua lấy thức ăn đặt vào nếp gấp áo choàng… Người phú hộ hỏi “Sao ngài không ăn mà lại làm thế?”. Nhà vua đứng lên cởi tấm áo choàng và nói: “Nhà người cho tấm áo choàng chứ đâu phải cho ta.. Vì hôm qua ta mặc chiếc áo rách nầy ngươi đã xua đuổi... Ta hôm qua hay ta hôm nay vẫn là một mà !...” (Sưu tầm).

Ước gì, với Bàn Tiệc Thánh Thể hôm nay, một lần nữa, chúng ta được chính “Vị Khách Quý” là Chúa Kitô viếng thăm; mà không chỉ viếng thăm thôi đâu ! Ngài đã trao ban Lời và Bánh Hằng sống là thịt máu mình để thết đãi ta và nuôi sống linh hồn ta trên cuộc lữ hành dương thế. Một khi đã lãnh nhận chính lòng xót thương kỳ diệu và bao la ấy; hay nói cách khác, một khi đã được ngồi bên và lắng nghe chính Chúa Kitô phán dạy, chúng ta phải ra đi lấy tình yêu đáp trả tình yêu, phải trở nên tông đồ bằng tấm lòng vị tha quảng đại, bằng đôi tay phục vụ tận tình, bằng những hành vi cụ thể “thương xác” cũng như “thương linh hồn” những anh chị em nghèo nàn bất hạnh…. Và như thế, cho dù cuộc sống có “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh…”, thì hãy cứ yên tâm, vì “đã chọn phần tốt nhất” là chính Đức Kitô, chứ không phải “chiếc áo choàng loè loẹt bên ngoài của một ai đó” ! Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Trương Đình Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây