Lịch sử của bánh lễ: Từ ổ bánh mì đến bánh lễ hiện nay

CHÚA NHẬT - 14/05/2023 18:54
komunia dwa razy dziennie

LỊCH SỬ CỦA BÁNH LỄ:
TỪ Ổ BÁNH MÌ ĐẾN BÁNH LỄ HIỆN NAY

Lucia Graziano


Các Tin Mừng đã nói rõ ràng: trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu “cầm lấy bánh”. Hẳn nhiên, ta biết rõ rằng bánh mà Đức Giêsu sử dụng phải là bánh không men, biểu tượng của Lễ Vượt Qua (thông tin ít oi này cũng không ngăn được nhiều họa sĩ vẽ Bữa Tiệc Ly mô tả Đức Giêsu cầm một ổ bánh mì có men bình thường). Tuy nhiên, bánh không men và bánh lễ không cùng một sự việc và trông cũng không giống nhau hoàn toàn. Vì vậy, khi nào (và tại sao) có phong tục sử dụng những mẫu bánh lễ xốp nhỏ, màu trắng, trong các cử hành phụng vụ?

Tập tục chắc là có từ lâu, nhưng không phải từ thời đầu của Kitô giáo: các linh mục trong những thế kỷ đầu đã thánh hiến những chiếc bánh mì có men thông thường rồi phân phát các miếng nhỏ cho các tín hữu. Nhưng bánh lễ hiện đại bắt nguồn từ khi nào?

Để trả lời câu hỏi này, ta có thể nại đến một truyền thuyết hay vài nguồn tài liệu lịch sử. Và vì truyền thuyết thì luôn có tính hấp dẫn, nên chúng ta sẽ bắt đầu bằng lựa chọn này trước khi chuyển sang lựa chọn thứ hai để có câu trả lời chặt chẽ hơn.

Bánh lễ hiện đại:
Do một tu sĩ phát minh khi đưa ra quyết tâm cho Mùa Vọng (theo truyền thuyết)

Nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta là Thánh Wandregisel, người thành lập tu viện Fontanelle ở Pháp. Vào thời ấy (tiền bán thế kỷ VII), gia đình quý tộc của ngài được coi là quan trọng: thật thú vị khi biết rằng bác của Wandregisel là ông tổ của vương triều Caroling. Nhưng, bất cần đến những vinh dự của gia đình (và nói thẳng ra là không quan tâm đến những thứ mà ngài có thể kiếm chác được từ đó), Wandregisel đã chọn cuộc sống sám hối và hãm mình, mặc áo tu sĩ.

Truyền thuyết kể rằng ngài được giao nhiệm vụ chuẩn bị những ổ bánh mì sẽ được thánh hiến trong Thánh lễ Giáng Sinh. Lúc đó là giữa mùa đông, và đó là tháng 12 lạnh nhất. Vài tuần trước, ngay đầu Mùa Vọng, Wandregisel đã quyết tâm chịu lạnh mà không làm bất cứ điều gì để sưởi ấm mình, dâng hiến việc hãm mình đó để đền tội mình và vì lợi ích của Giáo hội.

Vì thế, khi được chỉ định ngồi lò để chuẩn bị bánh cho phần Rước lễ, ngài ta thấy mình trong một tình thế khó xử: làm sao có thể nướng bánh mà không hưởng lấy hơi ấm của lò mà ngài đã hứa là phải nhịn? Chắc chắn ngài không thể từ chối nhiệm vụ đã nhận (vì việc hãm mình có ảnh hưởng đến những người lựa chọn chúng mà không được ảnh hưởng đến những người khác, tạo ra một phản ứng dây chuyền về các vấn đề liên quan); tuy nhiên, Wandregisel tìm cách để không vi phạm quyết tâm của mình trong Mùa Vọng đó, điều mang lại cho ngài rất nhiều lợi ích.

Sau khi xoay trở vấn đề, vị tu sĩ này ra ý tưởng dùng chiếc kẹp sắt dài, giống như những chiếc kẹp mà người thợ rèn dùng để cầm những vật nóng chảy trong lò rèn. Ngài gắn vào lưỡi kẹp hai dĩa kim loại thích hợp để giữ hỗn hợp bột và nước; và rồi cầm cán dài của dụng cụ đó, đứng ở một khoảng cách an toàn với lò sưởi, vị ẩn tu đã xoay sở để nướng hàng trăm ổ bánh mì mà không hề “bị” ấm một chút nào!

Vấn đề phức tạp đã xảy ra: những chiếc bánh quy giòn ra khỏi lò nướng thay vì những ổ bánh mì. Khi bị ép bằng kẹp, bánh mì có hình tròn và dẹt, thành một chiếc bánh xốp giòn. Nhưng kết quả đã không làm phật lòng các tu sĩ trong tu viện chút nào, họ thực sự đánh giá cao loại bánh mì mới này vì giữ được lâu và dễ bảo quản. Trong vòng vài năm, khám phá của Wandregisel đã được chấp nhận đến mức nó trở thành quy chuẩn cho toàn thể Giáo hội Công giáo: tất cả là nhờ một tu sĩ không muốn phá vỡ quyết tâm Mùa Vọng của mình!

Bánh lễ phổ biến tại Âu châu thời Caroling

Câu chuyện về Wandregisel chỉ là một truyền thuyết – tuy nhiên, một truyền thuyết có cơ sở xác thực, ít nhất là từ quan điểm niên đại. Vị tu sĩ người Pháp này qua đời năm 665, và chính xác là vào cuối thế kỷ đó, ý tưởng cho rằng bánh được truyền phép trong Thánh lễ tốt nhất nên là bánh dẹt và không men dần bắt đầu được áp dụng trong các giáo phận ở Pháp. Cũng có thể không phải Wandregisel là người đầu tiên đã phát minh ra những tấm bánh thánh Rước lễ, mà là một số “đồng sự” của ngài đã nghĩ ra chúng, những người sống cùng thời và cùng địa hạt với ngài.

Trong thế kỷ thứ VIII, tục lệ truyền phép bánh lễ bắt đầu lan rộng dần. Năm 798, Alcuin thành York đã lên tiếng ủng hộ, nhấn mạnh sự giống nhau của bánh lễ với bánh không men mà Đức Giêsu đã ăn trong Bữa Tiệc Ly. Vài năm sau, Thánh Rabanus Maurus chỉ ra rằng Cựu Ước nghiêm cấm việc sử dụng bánh mì có men làm của lễ hy tế. Hẳn nhiên, Giao ước mới đã cho phép Kitô hữu bỏ đi nhiều luật cấm trong Cựu ước, nhưng vị thánh ở Mainz này vẫn giữ quan điểm cho rằng bánh lễ không men nên được ưu tiên hơn trong bối cảnh đó.

Đến thế kỷ thứ IX, tập tục này coi như đã xác định: nhiều nhà phụng vụ dường như xem đó là điều hiển nhiên, và các văn khố của giáo hội bắt đầu ghi lại nhiều thương vụ về các khuôn đúc bánh lễ, thường được trang trí để in các hình ảnh có chủ đề thánh thiêng trên tấm bánh lễ xốp. Đáng kể hơn nữa, các bản văn của thế kỷ X và XI ghi lại những phản đối của một số “người theo chủ nghĩa truyền thống” (hăng hái nhất trong số họ là Tu viện trưởng Eccard IV và Thánh Gallen), những người không đánh giá cao cách tân này và muốn tiếp tục thánh hiến những ổ bánh mì có men thông thường; và chính những lời chỉ trích lẻ tẻ này cho phép chúng ta đoán được mức độ phổ biến của thực hành mới đã hiện diện vào thời điểm đó.

Dù Eccard có nói gì thì nói, các tấm bánh lễ đã tự khẳng định mình cách dễ dàng trên khắp Giáo hội Tây phương. Chúng được giới giáo sĩ độc quyền chuẩn bị, theo một nghi thức long trọng mà một số người thậm chí mô tả là có “mùi thánh”: các hạt ngũ cốc được chọn ra từng hạt, trút vào những chiếc bao được làm đặc biệt cho mục đích này rồi được các tu sĩ đem đi xay trong thinh lặng thánh, họ dùng những khoảnh khắc này để cầu nguyện. Ngược lại, công việc nướng bánh đi kèm với hát kinh và các bài thánh ca: sau đó những chiếc bánh lễ sẵn sàng được mang đến các tu viện và phân phát cho các nhà thờ có nhu cầu.

Như những đồng xu nhỏ làm phong phú tâm hồn

Đây chưa phải là những tấm bánh lễ xốp mà chúng ta biết ngày nay: thẩm định từ những gì mà các nguồn tài liệu của thời đại ấy đã viết, mọi thứ đều khiến chúng ta tưởng tượng được rằng những tấm bánh lễ đầu tiên dùng trong nghi lễ vẫn giữ nguyên kích thước đường kính của những chiếc bánh được mang lên bàn ăn. Chẳng hạn, chúng ta biết rằng người ta thường lấy chúng để đậy lên trên chén lễ (cho thấy rõ ràng là các tấm bánh phải lớn hơn miệng chén lễ); một vài nguồn tài liệu còn cho chúng ta biết về những chiếc bánh Thánh Thể thậm chí còn đủ lớn để bẻ ra thành những miếng bánh nhỏ đủ cho cả tuần.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, người ta nhận ra rằng hình thức của những chiếc bánh thánh lớn như vậy khiến chúng trở nên cực kỳ dễ vỡ: để tránh khả năng khi bẻ bánh nhiều lần, những mảnh nhỏ có thể vô tình bị rơi vãi, các tu sĩ thấy cần phải chuyển sang dạng một phần nhỏ, có thể nói như vậy. Do đó, những chiếc bánh lễ xốp tròn nhỏ mà ngày nay chúng ta vẫn nhận được khi Rước lễ đã ra đời như thế đó; và ngay cả trong trường hợp này, một số nhà luân lý vẫn nhíu mày: nhìn từ xa, những tấm bánh lễ đó trông giống như những đồng xu, phù hợp với quầy đổi tiền hơn là nơi cầu nguyện!

Nhưng lời chỉ trích đó đã sớm được giải thích lại theo hướng tích cực. Vào thế kỷ XII, thần học gia Honorius thành Autun đã chỉ ra rằng sự so sánh đó là hoàn toàn thích hợp; và quả thực, nó có tính tượng trưng khi tên của Thiên Chúa được in trên bánh lễ, giống như tên của vị vua trị vì được in trên các đồng xu ở trần gian. Theo đánh giá của nhà thần học này, phép loại suy này thật hoàn hảo và đầy tính biểu tượng: ngay cả khi bánh thánh là những đồng xu, theo cách riêng của chúng, thì chúng cũng được Vua trên trời phân phát cách hào phóng. Chúng thực sự là những đồng xu, và nằm trong số những đồng tiền quý giá nhất: những đồng quý kim duy nhất mà nhờ đó ta có thể nếm hưởng đặc ân đối diện với Chúa, mặt đối mặt.


(Nguồn: https://aleteia.org)
 

Tác giả: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây