Bản điều trần thứ bảy của Linh Mục Gioakim Đặng Đức Tuấn

Thứ tư - 27/09/2023 19:06

Mộ phần cha Gioakim Đặng Đức Tuấn
tại thôn Chánh Khoan, xã Mỹ Lợi,
Giáo họ Nước Nhỉ, Giáo xứ Phù Mỹ , Giáo phận Qui Nhơn.


 

Nguyễn Văn Nghệ

   Sau khi đọc nhan đề bài viết này, chắc mọi người sẽ không khỏi thắc mắc: Lâu nay chỉ nghe và đọc 6 bản điều trần của Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874), chứ làm gì có bản điều trần thứ 7 ?

   Trong tác phẩm “Cuộc đời và tác phẩm của Linh mục Đặng Đức Tuấn”, tác giả Nguyễn Văn Thoa có phiên âm và dịch nghĩa 6 bản điều trần của Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn theo thứ tự từ 1-6[1]. Và ở chương III: Bản văn Hán Nôm có: Sáu bản điều trần- Tập sách cổ của Linh mục Nguyễn Hữu Triết[2].

   Các bản điều trần bằng chữ Hán được viết theo quy tắc chữ Hán là từ trên xuống, đọc từ phải sang trái và đọc từ sau ra trước. Tuy ghi là 6 bản điều trần nhưng trong phần chữ Hán lại thiếu bản điều trần thứ 2 và thứ tự sắp xếp các bản điều trần chữ Hán không ăn khớp với thứ tự như ở phần phiên âm và dịch nghĩa. Tác giả Nguyễn Văn Thoa đã sắp xếp thứ tự các bản điều trần chữ Hán như sau:

   -Điều trần 1: “Bình Định tỉnh, Bồng Sơn huyện, An Sơn tổng, Quy Thuận thôn[3], Trưởng đạo Đặng Đức Tuấn hoành mao hiến bình Tây sách…” (từ trang 233- 232/đọc ngược từ sau ra trước).

   -Điều trần 2: “Trưởng đạo Đặng Đức Tuấn, vị cung thừa Binh bộ cứu vấn tặc tình, cứ thật trần khai, tính hiến kế như tả” từ trang 231- 230 (trừ dòng cuối cùng bên tay trái trang 230).

   -Điều trần 3 và 4: “Nhất thỉnh: Dữ Tây tặc quyết chiến chi tiên, nguyện dĩ khúc trực chi lý cật chiến Dương di…” (Bắt đầu từ dòng cuối bên tay trái trang 230 cho đến hết dòng thứ 2 bên tay phải của trang 226).

   -Điều trần 5: “Nhất khoản thừa Binh bộ đường cứu cứu vấn ‘Thiên Chúa Da tô đạo lý như hà’…” (Bắt đầu từ dòng thứ 3 bên tay phải trang 226- 224)

   Như vậy, thiếu bản chữ Hán điều trần 2: “Bình Định tỉnh, Bồng Sơn huyện, An Sơn tổng, Quy Thuận thôn, Trưởng đạo Đặng Đức Tuấn tấu vị đương cuộc tặc tình chế thắng duyên do cung triệp điều trần sự” như tác giả Nguyễn Văn Thoa đã phiên âm và dịch nghĩa. (Xin tham khảo bản điều trần 2 bằng chữ Hán nơi trang 505-506 tác phẩm “Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam”[4] do Tủ sách Nước Mặn, Tọa đàm 23/9/2023 xuất bản).

   Ngoài 6 bản điều trần của Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn đã được công bố (Các bản chữ Hán đều là bản sao chép), còn có một bản điều trần thứ bảy của Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn gửi ngày mùng 10 tháng 6 năm Tự Đức thứ 15  (Nhâm Tuất- 1862). Hiện bản điều trần này là tờ 92-93 đang lưu giữ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tại Thành phố HCM[5].

   Qua tác phẩm “Châu bản triều Tự Đức (1848-1883)” đã tóm tắt nội dung bản điều trần này là: Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn tình nguyện đến Gia Định thương tuyết với Pháp để sửa đổi bản hòa ước, tăng thêm các khoản:

   -Người Pháp phải phái binh thuyền đến Bắc kỳ để hợp sức tiễu phỉ.

   -Pháp phải gửi chuyên viên đến giúp nước ta khai thác khoáng sản.

   -Đã cắt nhượng ba tỉnh cho Pháp thì thôi khoản bồi thường, hoặc chỉ bồi thường mà không nhượng đất.

   Ngày về đến Huế của phái đoàn Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp sau khi nghị hòa ở Gia Định: “Tàu vua về Huế đến nơi/Chính đêm mười bốn nước trời sáng trưng” và chỉ 10 ngày sau vua Tự Đức châu phê cho Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn về thăm quê: “Ngày hai mươi bốn tháng năm/Châu phê cho Tuấn về thăm quê mình”[6](Ngày 24 tháng 5 năm Nhâm Tuất- 1862).
 

Sau khi vua Tự Đức châu phê cho Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn về thăm quê thì khoảng nửa tháng sau, Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn viết bản điều trần thứ bảy.

   Rất mong các nhà nghiên cứu sớm tiếp cận văn bản chữ Hán bản điều trần này (Tạm gọi bản điều trần thứ 7) và công bố để độc giả thấy được bút tích và biết tường tận nội dung bản điều trần của Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn.

                                         

       


Chú thích:

[1][2]- Nguyễn Văn Thoa, Cuộc đời và tác phẩm của Linh mục Đặng Đức Tuấn, Nxb Tổng hợp TPHCM, t. 85- 136; 224- 233.

[3]- Trong bản điều trần 1 và 2 phiên âm: “…Quy Thuận thôn” nhưng ở bản chữ  Hán viết thành chữ “Vi” =làm. Đúng của Quy trong Quy Thuận gồm tất cả 14 nét thuộc bộ “Chỉ” có nghĩa là “quy phụ, quy phục”.

[4]- Lâu nay khi nhắc đến tác giả của tác phẩm “Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam” thì đại đa số đều nhắc đến tên Giáo sư Lam Giang, rồi mới đến tên Linh mục Võ Ngọc Nhã. Theo quy định thì tên người chủ biên đứng trước sau đó mới đến tên các đồng tác giả. Giáo sư Lam Giang là một người tinh thông Hán học, cho nên ngay trang bìa đầu của quyển sách, ở góc trái trên của quyển sách ghi “Võ Ngọc Nhã, Linh mục” và ở góc phải trên của quyển sách ghi: “Lam Giang, Giáo sư”. Trang bìa cuối có 2 dòng chữ Hán nhỏ ghi theo lối song cước (đọc dòng chữ bên phải trước, dòng chữ bên trái sau): “Hòa Tâm Võ Ngọc Nhã, Linh mục/ Lam Giang Nguyễn Quang Trứ, Giáo sư, hợp trứ”. Từ “hợp trứ (trước)” có nghĩa là cùng biên soạn. Cách ghi tên đồng tác giả như trên theo quy định “tả trọng, hữu khinh”. Linh mục Hòa Tâm Võ Ngọc Nhã (Hòa Tâm là tên song thân của Linh mục Võ Ngọc Nhã và Linh mục đã dùng tên của song thân làm bút danh) có công trong việc sưu tầm toàn bộ tư liệu, Giáo sư Lam Giang Nguyễn Quang Trứ có công hiệu đính và chú giải. Do đó để gọi đúng tên đồng tác giả quyển sách này phải đọc tên Linh mục Võ Ngọc Nhã trước, rồi mới đến tên Giáo sư Lam Giang.

[5]- Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Châu bản triều Tự Đức (1848-1883), Nxb Văn học, t. 122-123.

[6]- Võ Ngọc Nhã, Linh mục & Lam Giang, Giáo sư, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam, Tủ sách Nước Mặn, Tọa đàm 23/9/2023 xuất bản, t.146

Nguồn:
https://nghiencuulichsu.com/2023/09/26/ban-dieu-tran-thu-bay-cua-linh-muc-gioakim-dang-duc-tuan/

Tác giả: Nguyễn Văn Nghệ

Nguồn tin: https://nghiencuulichsu.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây