Gọi bệnh tự căn - ăn năn sám hối

CHÚA NHẬT - 09/03/2025 05:16
z6393879866247 643acbaa96b82f74397e432e4007a2b4

(Căn bệnh lạm dụng tình dục)

Kính chào quý vị,

Tôi là linh mục thuộc giáo phận Qui Nhơn, hiện đang mục vụ tại giáo phận Besançon, nước Pháp từ cuối năm 2019. Tôi muốn chia sẻ cùng anh chị em về đời sống của tôi với tư cách “thừa sai thế kỷ 21”.

Trong tâm tình Mùa Chay Năm Thánh 2025, giữa những bất ổn chính trị thế giới, tình trạng sức khỏe của Đức Thánh Cha, bao nỗi trăn trở của Giáo hội và những âu lo hằng ngày trong đời sống mỗi một người, cách riêng của anh chị em Kitô hữu.

Cách ngắn gọn nhất có thể, tôi xin chia sẻ một khúc chuyện trong nhiều câu chuyện của đời sống đức tin thời hiện tại. Tôi xin bày tỏ trước hết niềm vui mừng về sự thành lập Văn phòng Truyền thông của giáo phận nhà, và tôi mong có dịp được trò chuyện, thảo luận cách thuận tiện và hữu hiệu nhất đến với anh chị em.

“Bệnh lạm dụng tình dục”, tôi tạm gọi tên như vậy. Vì là căn bệnh của loài người, hầu như không một ai là miễn nhiễm, kể cả các người tín hữu, cách riêng tu sĩ, linh mục... Vì tôi không phải là chuyên môn để thuyết trình dông dài về thực tại này. Tôi chỉ cảm nhận điều được nghe, được sống và cảm thông.

Nên tôi liền viết lại đôi lời về hậu quả tai hại của căn bệnh này.

Câu chuyện như sau:

Chiều tối hôm nay, thứ Bảy, ngày trước của lễ tuần thứ nhất Mùa Chay. Theo lịch đã lên sẵn từ ba tháng trước, tôi dâng lễ ở một ngôi nhà thờ làng nhỏ và cử hành Rửa tội cho bốn em bé của hai gia đình trẻ.

Thường sau Thánh lễ hay nghi thức Rửa tội, An táng hoặc Hôn phối, tôi được mời gặp gỡ, uống nước với gia đình ngay phòng hội của làng. Đó quả là cơ hội quý giá để hiểu về đời sống của bà con tín hữu, phần nhiều không thường xuyên thực hành đức tin. Tôi đã ý thức điều đó và cố gắng để tiếp cận với anh chị em.

Một linh mục ngoại quốc bập bẹ ngôn ngữ mà cố gắng diễn tả niềm xác tín, sự hy vọng và tỏ sự cảm thông sâu sắc bao nỗi niềm lẫn lộn của anh chị em.

Tôi xin đi ngay vào câu chuyện: ông nội của bốn em bé vừa được Rửa tội đã có thể mỉm cười một chút và tỏ ra nhẹ nhàng hơn. Bởi lẽ, ông có một khúc mắc trong lòng bấy lâu! Một nỗi lòng bế tắc lại càng đớn đau khôn nguôi khi môi trường “nhà thờ”, đời sống đức tin có vẻ yếu ớt và thờ ơ của thời hiện tại.

Trong phòng hội là cả gia đình lớn đông đảo anh em, con cháu và bạn hữu của ông. Họ đến chung vui chúc mừng sự kiện của đại gia đình có bốn đứa trẻ vừa được Rửa tội. Ông cũng như bao người tín hữu khác, theo truyền thống, niềm tin tín ngưỡng của lớp người đi trước truyền trao cho con cháu. Ông cũng làm y như vậy đối với thế hệ tương lai! Nhưng trong đôi mắt ông là một nỗi niềm đã có dịp nói thẳng cho tôi nghe giữa bao người, bởi những câu hỏi thực tế.

Trước khi cho bạn biết ông đã hỏi tôi điều gì? Ông giới thiệu với tôi, ông lập gia đình và có năm người con (hai gái, ba trai) và có thêm gần chục đứa cháu, hầu hết đều được gia nhập đạo, nhưng thực hành đức tin thì hầu như giống phần đông của bà con xứ này đã rất ít đến nhà thờ (chỉ trừ các sự kiện Hôn phối, Rửa tội, Thêm sức và An táng).

Ông đã từng là chủng sinh tìm hiểu đời sống linh mục trong năm năm. Ông nói vui rằng, bây giờ tôi có năm đứa con để nhớ về năm năm trong nhà dòng ngày thời trai trẻ nhiệt tình của mình. Ông thú nhận niềm tin của chính ông đã mỏi mòn, hao hụt theo năm tháng. Ông không ngần ngại đề cập về việc “lạm dụng tình dục trong Giáo hội”, điều mà tôi vừa đặt tên “căn bệnh lạm dụng tình dục”.

Chính loại bệnh của loài người này, tiếc thay đã xảy ra đối với một số ít phần trăm thuộc hàng giáo sĩ, là những gương mẫu trong đời sống đức tin, là những người cầm đèn cùng đồng hành với kẻ khác.

- Làm sao “người mù dắt kẻ mù mà cả hai chẳng rơi xuống hố?”
- Bao câu hỏi tại sao ông đặt ra cho tôi, thêm câu về sự độc thân của bạn hỡi Joseph (tên tôi xứ này).

Câu trả lời của tôi:

Vâng thưa ông bà anh chị em! Tôi đã phải hít sâu và vận động các từ vựng trong đầu, với niềm thao thức của mình, để minh định một vài vấn đề, qua nỗi niềm của một tín hữu Pháp vừa gặp gỡ sau Thánh lễ.

Nhân tiện, tôi xin phép giới thiệu quý vị bài chia sẻ không quá dài cách đây ba năm trên trang Giáo phận Qui Nhơn, với tiêu đề “Lời chứng của một linh mục”.

Trong bài tâm tư đó, tôi đã đề cập một ít cái nhìn hữu hạn của mình về tình hình đời sống Giáo hội Tây phương, cách riêng Giáo hội Pháp trong “tâm bão” của bản cáo trạng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Đồng thời, cách nhìn mục vụ và kỷ luật độc thân linh mục, điều này đã vô hình chung trở nên tầm ngắm cho những biện luận về thực trạng thực hành đức tin hiện tại và nhất là trong bối cảnh đời sống thế giới đương đại.

 

Xin trở lại cuộc nói chuyện với ông nội của bốn đứa trẻ vừa chịu phép Rửa.

Vâng! Có nhiều thứ để kể với anh chị em quê hương những điều mà tôi đang trải nghiệm, sống và chia sẻ giữa những biến chuyển, giữa các nỗi đau, ngờ vực và sự thực hành đức tin yếu ớt nơi một xã hội mất dần cảm thức linh thánh, theo hướng duy vật chất. Đúng ra là một trào lưu sống tương đối hóa nhiều vấn đề, kể cả cách thực hành đức tin có nguy cơ bị giản lược như một thói quen của văn hóa.

Điểm này, tôi tranh thủ thời gian và rất háo hức để diễn đạt cùng quý vị sớm nhất có thể.

Phần trả lời của tôi cho “ông cụ” được đề cập ở trên:

Ông quý mến, tiếc rằng căn bệnh “lạm dụng tình dục”, điều chẳng lành, đã tiêm nhiễm, dù chỉ một tín hữu, một tu sĩ hay một giáo sĩ đi chăng nữa, thì cũng đã là một con số quá sức nhiều. Đó là điều không đáng có, nhưng sự thực đã diễn ra. Qua đó, cho thấy chúng ta không phải là thiên thần, mà là những con người rất đỗi mong manh, yếu hèn như bao người đồng loại. Chính vì thế, chúng ta cần cẩn trọng, khiêm tốn đối diện với sự thật này.

Và tôi xin ông cũng đừng quên rằng, phần lớn các vị dâng hiến vẫn ngày đêm trung thành với sứ vụ cao đẹp của mình.

Giới truyền thông hiện thời dường như muốn xem Giáo hội Công giáo trở thành “mồi béo bở” để khai thác, để lan truyền tin tức vì nhiều mục đích khác nhau. Lẽ nhiên, thế giới cần sự minh bạch, và Giáo hội – tiếng nói nhân danh đạo đức – phải trở thành “con cừu sát tế đầu tiên”, cần sự thanh bạch. Mặc dù sự ác của căn bệnh lạm dụng này và hệ quả ghê gớm mà nó hủy hoại lên phẩm giá con người – những người mang hình ảnh của Đấng yêu thương tạo dựng nên họ.

Tôi những mong thế giới cũng cần đối diện với những hành vi còn ghê gớm hơn, đang diễn ra đây đó trong chính mỗi gia đình, hội nhóm, trong các tổ chức khác của xã hội loài người, không chỉ riêng trong các tổ chức tôn giáo. Tiếc thay, thế giới có vẻ còn quá ngây thơ hay đã nhiễm thói đạo đức giả. Dĩ nhiên, cần lên án cái xấu, sự tàn bạo xúc phạm phẩm giá của một sự sống – nhất là các trẻ em vô tội.

Tôi đi tiếp vế thứ hai của câu chuyện:

Căn bệnh đã được gọi chính tên trong thời đại như giọt nước làm tràn ly. Đây là cái cớ để nhìn lại cách vận hành của nhiều thực tại xã hội, văn hóa, tôn giáo... và để đánh giá một vấn đề cách nghiêm túc, sáng suốt. Điều ông cụ đề cập là vấn đề độc thân của tu sĩ, giáo sĩ.

Như bao thảo luận về chủ đề này, cách vô tình hay cố ý, có một sự liên kết trực tiếp – một giả định cho rằng: Nếu tu sĩ, giáo sĩ không còn độc thân thì có lẽ căn bệnh trên sẽ không có hoặc rất ít.

Như tôi đã lập luận, rất tiếc phải nói rằng căn bệnh đã rất trầm trọng trong các môi trường xã hội khác, kể cả trong chính gia đình. Đúng hơn, mỗi một con người luôn cần sự cân bằng về cảm xúc và bản năng tự nhiên của mình.

Thật tiếc rằng, trong thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay, mối tương quan giữa con người, giữa gia đình, vợ chồng, con cái, bạn hữu dường như bị đứt quãng, thiếu sự liên kết thống nhất bởi nhiều lý do. Cách riêng, môi trường công nghệ số cũng kéo giãn mỗi cá thể ra xa hơn, con người cảm giác cô đơn hơn. Sự cân bằng không luôn dễ dàng cho hết thảy mọi người.

Có thể nói, thật anh hùng cho những anh chị em sống trọn vẹn cho niềm tin và lý tưởng của mình, cho sự cống hiến đúng nghĩa, cho lòng tự trọng và liêm sỉ. Song song, cũng cần một tâm hồn sám hối, lắng đọng và gọi đúng tên các căn bệnh thế kỷ. Sứ mệnh của những con người bảo vệ sự sống, phẩm giá và đức tin thật cao đẹp.

Tín hữu giữa bao hữu thể mang bản tính con người, họ cũng mong manh, chẳng ai miễn trừ các dịch bệnh. Hỡi thân phận bụi tro, rồi sẽ trở về tro bụi, vì Thần Linh thổi sinh khí vào khối đất, trở nên sinh động và mang trong mình phẩm giá của Thần Linh, sự sống bất tử bởi “TÌNH YÊU”. Liều thuốc để chữa những căn bệnh quái ác này chính là:

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì người mình yêu” (Ga 15,13).

Con người cần học lại luôn luôn cách yêu cho đúng đắn trong mỗi vị trí của mình.

“Hãy sám hối và đón nhận Tin Mừng!”

Pontarlier, 8/3/2025

Tác giả: Giuse Trần Hoàng Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây