Trong một cuộc khảo sát gần đây của tạp chí U.S.Catholic, 80 phần trăm những người được hỏi đều cho biết âm nhạc trong Thánh lễ rất quan trọng đối với họ. Tuy nhiên, chỉ có 13 phần trăm hoàn toàn hài lòng với âm nhạc mà họ có và thực sự hát. Âm nhạc trong Thánh lễ rất quan trọng, rất quan trọng! Nó không chỉ đơn thuần là một buổi trình diễn của một nghệ sĩ độc tấu hoặc ca đoàn, một nền tảng để đi kèm với lời cầu nguyện của chúng ta, một phương tiện để tạo ra bầu khí hay một động lực để reo hò và vỗ tay. Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong phụng vụ thờ phượng của chúng ta.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã định nghĩa rõ ràng mục đích của âm nhạc trong Thánh lễ : "Trước hết là vấn đề tham gia cách mãnh liệt vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, vào cuộc 'thần hiển' đang diễn ra trong mọi cử hành Thánh Thể, trong đó Chúa hiện diện giữa dân Người, những người thực sự được kêu gọi tham gia vào ơn cứu độ được thực hiện bởi Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh" (Bài giảng tại Santa Marta, ngày 12 tháng 12 năm 2013). Công đồng Vatican II kêu gọi giáo dân tham gia đầy đủ, tích cực và có ý thức trong Thánh lễ. Cũng giống như việc đưa ngôn ngữ bản địa vào phụng vụ, âm nhạc có mục đích thúc đẩy sự tham gia này.
Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã lưu ý rằng chính "việc đưa ngôn ngữ địa phương vào phụng vụ đã nảy sinh nhiều vấn đề: về ngôn ngữ, hình thức và thể loại âm nhạc. Đôi khi, một sự tầm thường, hời hợt và nhạt nhẽo nào đó đã chiếm ưu thế, làm mất đi vẻ đẹp và cường độ của các nghi lễ phụng vụ" (Diễn văn gửi các tham dự viên Hội nghị quốc tế về thánh nhạc, ngày 4 tháng 3 năm 2017). Âm nhạc phụng vụ đạt chuẩn, vừa đẹp về mặt thẩm mỹ vừa đúng về mặt thần học. Ví dụ, bất kỳ bài hát nào nói Bí tích Thánh Thể là bánh và rượu đều không có chỗ trong nghi lễ Công giáo. Bí tích Thánh Thể là Mình và Máu của Chúa Giêsu và những bài hát chúng ta hát phải thể hiện thực tại này.
Việc nâng tâm hồn chúng ta lên với Chúa trong phụng vụ luôn vượt ra ngoài ranh giới của ngôn ngữ con người. Do đó, phụng vụ, theo bản chất, kêu gọi sự giúp đỡ của âm nhạc và bài hát để ca ngợi Thiên Chúa. Âm nhạc thay đổi từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, và các nhạc cụ cũng vậy. Trong phụng vụ, có thể hội nhập nhiều thể loại bài hát và nhạc cụ khác nhau miễn là chúng tăng cường cho buổi cử hành và dẫn chúng ta tập trung vào Chúa.
Khi nói đến các nhạc cụ được dùng trong phụng vụ, đàn ống có vị trí ưu tiên trong Giáo hội Latinh giữa tất cả các nhạc cụ khác. Không giống bất kỳ nhạc cụ nào khác, nó có thể diễn tả đầy đủ các cung bậc cảm xúc của con người, từ vui đến buồn, từ ngợi khen đến đau khổ. Được phát minh vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, bởi kỹ sư người Hy Lạp Ctesibius thành Alexandria, đàn ống đã được đưa vào các nhà thờ của chúng ta vào thế kỷ thứ 10. Nó đã trở thành nhạc cụ dành cho thánh nhạc. Với sự đa dạng về âm thanh và giai điệu, nó nhắc nhở chúng ta về sự vĩ đại của Chúa. Đàn ống có khả năng phủ đầy chúng ta bằng vẻ đẹp của âm nhạc dẫn chúng ta đến việc trải nghiệm sự hiện diện của Chúa, Đấng ôm chúng ta trong vòng tay yêu thương của Người, mang lại sự hòa hợp và niềm vui cho cuộc sống của chúng ta.
Âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc thờ phượng Thiên Chúa vì chúng ta vừa là thể xác vừa là linh hồn. Lời cầu nguyện vươn lên từ sâu thẳm trái tim chúng ta. Chỉ lời nói thôi không đủ để diễn tả tất cả những gì chúng ta muốn nói. Nhưng âm nhạc có sức mạnh truyền đạt những thông điệp và cảm xúc mà lời nói không thể nắm bắt được. Âm nhạc là cầu nối giữa thế giới vật chất và thế giới tinh thần. Nó biến con đường cuộc đời của chúng ta thành con đường thiêng liêng có ý thức. Âm nhạc đưa chúng ta ra khỏi chính mình và mở lòng chúng ta với Chúa. Do đó, âm nhạc phụng vụ đúng nghĩa không bao giờ tập trung vào cộng đồng. Phụng vụ không phải là về những gì chúng ta muốn. Phụng vụ trước hết và quan trọng nhất là lời ngợi khen và thờ phượng Chúa và chúng ta bước vào những gì chính Chúa muốn cho chúng ta.
Nhiều nhà soạn nhạc vĩ đại, như Beethoven, Bach, Mozart và Brahms, đã nhận ra rằng tài năng âm nhạc của họ không đủ để tạo ra âm nhạc hay. Họ cần nguồn cảm hứng thiêng liêng. Chính Chúa cũng yêu âm nhạc! Suy cho cùng, Sách Thánh vịnh là một cuốn sách nhạc. Âm nhạc đến từ Chúa, và khi chúng ta tham gia vào âm nhạc – dù bằng cách sáng tác, biểu diễn hay thậm chí chỉ lắng nghe – chúng ta đang nhận được một món quà từ Chúa.
Trong Thánh lễ, có những lúc chúng ta có thể chọn chỉ lắng nghe âm nhạc và để tâm hồn mình dâng lên lời ngợi khen Chúa. Nhưng, những khoảnh khắc im lặng lắng nghe âm nhạc và bài hát trong lễ nên ít đi. Không tham gia vào các bài hát của cộng đoàn sẽ hạn chế và làm giảm sự tham gia của chúng ta vào phụng vụ. Các bức tường của nhà thờ của chúng ta nên vang vọng âm thanh tiếng hát của chúng ta trong phụng vụ. Theo lời của Thư gửi tín hữu Êphêsô, chúng ta nên "thấm nhuần Thần Khí…. cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa.…" (Êph 5:18-19).
G. Võ Tá Hoàng