Sơ lược Lịch sử Giáo xứ Suối Ré
Ban biên soạn Lịch sử Giáo phân Qui Nhơn
2023-04-10T08:45:31-04:00
2023-04-10T08:45:31-04:00
https://gpquinhon.net/lich-su-giao-phan-giao-xu/so-luot-lich-su-giao-xu-suoi-re-5909.html
https://gpquinhon.net/uploads/news/2023/image-20230410181412-1.jpeg
Giáo phận Qui Nhơn
https://gpquinhon.net/uploads/banertrongsuot.png
Thứ hai - 10/04/2023 04:43
GIÁO XỨ SUỐI RÉ
Bổn mạng : Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
I. VỊ TRÍ, ĐỊA LÝ VÀ NHÂN VĂN
Địa bàn giáo xứ Suối Ré bao gồm các xã Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc, Xuân Long, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3 và thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ đặt tại nhà thờ Suối Ré, thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Địa bàn giáo xứ Suối Ré là vùng sơn địa và bán sơn địa Tây Bắc Phú Yên. Trên địa bàn này có vùng đất mang tên gọi La Hai, một tên gọi có nguồn gốc Chăm. Sách Phủ Biên Tạp Lục có chép: "Nước Nam-bàn xưa do Thánh Tông phong ở phía Tây đầu nguồn phủ Phú Yên xứ Quảng Nam. Cựu Cai đội Luận-bình-hầu tên là Văn-thế-Nghị, quê ở thuộc Thời đôn, huyện Tuy-viễn, y nói rằng y từng quản suất Nội phủ Sơn trường (vùng núi thuộc về Nội-phủ), vào núi lấy hương, có 3 đội Tân-am sơn (quen đường núi). Binh của đội từng lên núi kiếm kỳ nam hương. Từ nguồn An-lạc đi lên các thôn Hà-nghiêu, Đất-cày, qua đèo La-hai, giáp đất phủ Phú-yên đến các xứ Sông-lôi, Nước-nóng, Thượng-nhà, đến nguồn Hà-lôi, đây là chỗ các sách người Đê người Man ở (Tục gọi Đê là người Chăm, Man là người dân tộc). Những địa danh được Lê Quý Đôn kể ở trên, ngày nay vẫn còn giữ tên gọi như Đất-cày, La-hai, Nước-nóng.
“Tiếng đồn chợ Xẩm nhiều khoai,
Đất Đỏ nhiều bắp, La Hai nhiều đường”.[3]
Theo địa bạ thời Gia Long và Minh Mạng, Phú Yên có hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Theo địa bạ này, vùng đất thuộc giáo xứ Suối Ré ngày nay có những tên làng, xã, thôn như: xã Phước An, thôn An Thuyên thuộc huyện Đồng Xuân, dù là huyện Đồng Xuân rộng lớn như khi mới thành lập (1611) hay huyện Đồng Xuân được thu nhỏ dần theo thời gian cho đến ngày nay (2023). Nhiều tên gọi làng xã có thay đổi nhưng tên gọi của huyện Đồng Xuân không thay đổi.
Theo địa bạ, xã Phước An, Đông giáp thôn An Trung, Tây giáp thôn An Thành, Nam và Bắc giáp núi, diện tích 1.030 mẫu 4 sào. Năm 1832, khi vua Minh Mạng lập lại địa bạ, Phước An được đổi thành Phước Đức thuộc tổng Xuân Sơn huyện Đồng Xuân. Dựa theo vị trí giới cận thôn xã trong địa bạ, có thể nhận ra vùng đất Phước Đức ở phía Tây thị trấn La Hai ngày nay với những tên gọi hiện tại như Phước Long thuộc xã Xuân Long, Phước Huệ thuộc xã Xuân Quang 2, Phước Lộc và Phước Nhuận thuộc xã Xuân Quang 3.
Thôn An Thuyên, Đông giáp xã Phước An, Tây, Nam và Bắc đều giáp núi. Diện tích 363 mẫu. Dựa theo vị trí giới cận thôn xã trong địa bạ, có thể nhận ra vùng đất thôn An Thuyên ngày nay là vùng đất Phú Sơn và Triêm Đức xã Xuân Quang 2, Thạnh Đức xã Xuân Quang 3.
Địa hình vùng đất giáo xứ Suối Ré có ba con sông chảy qua. Sông Kỳ Lộ chảy qua Xuân Quang 2, Xuân Quang 3, La Hai, Xuân Sơn Nam và Xuân Sơn Bắc. Từ La Hai trở xuống, sông Kỳ Lộ được gọi là sông Cái. Sông thứ hai là sông Trà Bương, ở tả ngạn sông Kỳ Lộ, đoạn Trà Bương chảy qua Phước Nhuận, Thạnh Đức và Phước Lộc (xã Xuân Quang 3 ngày nay) gọi là sông Con. Sông Con đổ vào sông Kỳ Lộ tại ngã ba Chợ Lùng thuộc thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3. Sông thứ ba là sông Cô, ở hữu ngạn sông Kỳ Lộ, còn có tên là sông Long Ba hay Suối Cái, phát nguyên từ Vân Canh, chảy qua xã Xuân Long và thị trấn La Hai và đổ vào sông Cái.
Đáng chú ý dòng chảy của sông Kỳ Lộ và sông Con chẳng những đã đem lại cho vùng đất nhiều phù sa trù phú mà còn là nơi có nhiều cá sinh sống. Dòng chảy sông Kỳ Lộ qua địa bàn xã Xuân Quang 2 hiện nay có một thác còn mang tên gọi thác Lỗ Cá. Sông Con chảy qua địa bàn xã Xuân Quang 3 có nhiều bến: bến Thạnh Thượng, bến Đồng Thành, bến Ông Rằng… trong đó, Bến Thạnh Thượng của thôn Thạnh Đức là bến nước đầu tiên. Bên bờ hữu ngạn sông Kỳ Lộ, dưới ngã ba chợ Lùng có Bến Buôn thuộc thôn Phước Lộc. Tại Bến Buôn có một giáo điểm đã bị Văn Thân tàn phá, ngày nay chỉ còn lại chút di tích. Căn cứ sử liệu của Lê Quý Đôn, số diện tích nơi địa bạ triều Nguyễn và địa hình tự nhiên của vùng đất, chúng ta có thể thấy đây là vùng đất có thể đáp ứng cho đời sống nông nghiệp tự cung tự cấp, đã có các tộc người sinh sống từ lâu đời. Tuy nhiên người Việt tụ cư nơi vùng đất nầy vào thời điểm nào, hiện chưa có tài liệu nào xác định rõ ràng.
Ngày trước sông Cái và các phụ lưu đem lại ích lợi nhiều không những cho nông ngư nghiệp của địa phương mà còn hỗ trợ cho việc giao thông giữa vùng cao và hạ lưu để trao đổi hàng hóa, lương thực. Không những thế, vào mùa nước lớn, những bè gỗ tre nứa và củi đốt từ rừng sâu cũng được đưa về với vùng hạ lưu sông Cái. Ngày nay, sự giao thông trên các con sông đã bị hạn chế rất nhiều, nhưng bù lại có những con đường thuận tiện cho việc đi lại giữa các địa phương. Trước hết là quốc lộ 19C chạy song song với đường sắt Thống Nhất từ Vân Canh chạy vô men theo bờ sông Cô. Trước khi đến cầu La Hai, từ quốc lộ 19C tách ra tỉnh lộ 642 chạy về hướng Đông và nhập vào quốc lộ 1A tại Triều Sơn, Vũng Lắm. Sau khi quốc lộ 19C qua khỏi cầu La Hai, có tỉnh lộ 543 từ đó chạy song song với đường sắt Thống Nhất và nhập vào quốc lộ 1A tại Chí Thạnh.
Địa hình giáo xứ Suối Ré gồm những đồi núi và những thung lũng chạy len lỏi giữa các núi. Những con sông, dòng suối và những con đường cũng chạy theo các thung lũng này. Dân chúng tập trung sinh sống tại các thung lũng dọc theo các sông suối và các con đường. Nhờ nguồn nước từ những sông suối chảy xuống từ núi, dân chúng canh tác ruộng đất và sống chủ yếu bằng nông nghiệp: trồng lúa, mía, khoai mì, đậu. Những người cư ngụ ven theo núi sống bằng nghề trồng rừng, trồng cây công nghiệp, trồng hoa màu và chăn nuôi bò và dê. Một số sống bằng tiểu thủ công nghiệp truyền thống, như nấu đường, sản xuất bánh tráng.
II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
1. Hạt giống Tin mừng nẩy mầm và phát triểnCuối thế kỷ XVII, các nhà truyền giáo vùng Phú Yên đặt trụ sở bên bờ miền xuôi của sông Kỳ Lộ: Trụ sở các thừa sai Hội Thừa Sai Paris tại Chợ Mới, nằm bên bờ nhánh sông chảy ra đầm Ô Loan.[6] Đầu thế kỷ XVIII, các nhà truyền giáo của Thánh Bộ đặt trụ sở tại Phường Lụa [7] ở đầu nhánh sông chảy ra đầm Ô Loan, cách Chợ Mới khoảng 2,6 km.[8]
Vùng đất giáo xứ Suối Ré có dòng nước sông Kỳ Lộ từ miền ngược chảy qua trước khi chảy ra cửa biển Tiên Châu và đầm Ô Loan để trở về với đại dương.[9] Trong khi dòng nước trong xanh của sông Kỳ Lộ lững lờ, thinh lặng, hữu tình xuôi dòng ra biển cả, đã âm thầm mang lại sức sống hữu hạn cho sinh linh, thì lòng nhiệt thành của các nhà truyền giáo lại ngược dòng lên miền cao tung gieo hạt giống sự sống vĩnh hằng. Mượn lời ca dao trong vùng để nói lên "cái tình" của các nhà truyền giáo:
Sông Kỳ Lộ vừa sâu vừa hẹp
Nước Kỳ Lộ vừa mát vừa trong
Thuyền anh bơi ngược dòng sông
Tìm em cho thỏa tấm lòng nhớ thương.
Theo thống kê năm 1747 của cha Paul Bourgine về tình hình truyền giáo của Phú Yên, Suối Ré (Soue-ve) có 05 gia đình, thuộc Chợ Mới .
Trong danh sách các nhà thờ, nhà nguyện năm 1747 do cha Guillaume Rivoal ghi thì Suối Ré (Soi-re) có 20 giáo dân.[11] Trong báo cáo của Đức cha Stêphanô Thể năm 1850 có ghi: Bến Buôn 282 (nay thuộc thôn Phước Lộc, Xuân Quang 3), Xóm Vườn 37.[12] Trong báo cáo này không thấy có tên Suối Ré. Có thể lúc bấy giờ Bến Buôn bao trùm cả Suối Ré và đứng tên thay cho Suối Ré.
Trong báo cáo của Đức cha Van Camelbecke gởi về Hội Thừa Sai Paris năm 1885 có nhắc đến Bến Buôn, một họ đạo bên hữu ngạn sông Kỳ Lộ đã bị phong trào Văn Thân tàn phá. Suối Ré, Bến Buôn, Xóm Vườn là những họ đạo thuộc vùng đất giáo xứ Suối Ré ngày nay. Tại Suối Ré vẫn còn di tích mả các "Vị Tử Đạo" bị Văn Thân sát hại. Hàng năm, vào tháng Các Đẳng Linh Hồn, giáo dân vẫn còn đi viếng và tảo mộ.
Cha Auger Đoài, người trực tiếp chứng kiến cảnh tang thương ở Bến Buôn đã kể lại: Trên đường đến Cây Da, "khoảng ba giờ rưỡi chiều, đi ngang qua nơi trước đây là nhà thờ Đồng Dài (Bến Buôn) đẹp đẽ, tôi nhìn cảnh hoang tàn nơi đây; chỉ có tường rào là còn đứng vững, cây cối đều bị chặt sát đất. Nhưng thê lương nhất là những gì tôi thấy khi trở ra! Bên trái nhà thờ đổ nát là vũng đất trũng dài khoảng năm mét và rộng hai mét; đó là chiếc hố mà người ta đã vứt bừa những xác chết của giáo dân bị thảm sát cách đây một tháng rưỡi. Nhờ sự trợ giúp của những cơn mưa, một ít đất mà người ta đã lấp lên những phần thân thể quý giá này bị sụp xuống, đây đó lộ ra những chiếc sọ người giữa đống quần áo và rơm rạ bị thối rữa. Thật là một thảm kịch kinh hoàng phải trải qua! ".[13] Sau cuộc bách hại của Văn Thân, năm 1887, cha Giuse Guitton Thông là thừa sai đầu tiên đến Phú Yên và ở tại Cây Da. Năm 1888, vùng truyền giáo Phú Yên được chia làm hai vùng: Bắc và Nam Phú Yên. Cha Guitton Thông phụ trách Nam Phú Yên, ở tại Hoa Vông. Cha Giuse Lacassagne Xuân phụ trách vùng Bắc Phú Yên, ở tại Mằng Lăng. Cha Phêrô Huề làm phụ tá cho cha Lacassagne Xuân, ở tại Cây Da. Năm 1895, cha Antôn Wendling Linh được bổ nhiệm làm phụ tá cho cha Lacassagne Xuân, ở tại Trà Kê-Cây Da.
Năm 1896, Phú Yên được chia thành 3 địa sở: Bắc Phú Yên do cha Lacassagne Xuân đảm nhiệm, ở tại Mằng Lăng; Nam Phú Yên do cha Dubulle Phương đảm nhiệm, ở tại Hoa Vông; Miền Núi Phú Yên do cha Wendling Linh đảm nhiệm, ở tại Trà Kê-Cây Da. Lúc bấy giờ khu vực giáo xứ Suối Ré ngày nay thuộc địa sở Bắc Phú Yên.
Trong sổ tất niên của Địa phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) năm 1909-1910 thì vùng Phú Yên có 04 địa sở: Mằng Lăng, Đồng Tre, Hoa Vông và Tịnh Sơn. Từ đây, địa bàn của giáo xứ Suối Ré ngày nay thuộc địa sở Đồng Tre. Theo thống kê năm 1940, Địa phận Qui Nhơn có 440 họ đạo, trong đó có Suối Ré 103 giáo dân, Bến Buôn 74 giáo dân.
Trong giai đoạn 1945 đến 1954, khắp nơi chìm trong lửa đạn của chiến tranh. Giai đoạn này địa sở Đồng Tre chủ yếu duy trì sinh hoạt ở những nơi có giáo dân tập trung đông như Đồng Tre, Suối Ré. Họ đạo Bến Buôn cũng còn sinh hoạt nhưng chỉ có một ít giáo dân.
Trong giai đoạn 1955-1965, mười năm yên bình, ổn định. Tuy nhiên sự ổn định và yên bình đó nhường chỗ cho những bất ổn do chiến tranh. Trong chiến tranh từ năm 1965-1975, giáo họ Bến Buôn không còn sinh hoạt, hoang phế cho đến nay. Những khi chiến tranh ác liệt, giáo dân Suối Ré đã bồng bế sơ tán đến La Hai để tránh bom đạn.
Thời cha Giuse Phan Văn Hoa làm cha sở Đồng Tre (1958-1967), tại La Hai đã có một số giáo dân, phần lớn là các gia đình quân nhân, công chức và một số tân tòng. Cha Giuse đến La Hai dâng lễ hằng tuần tại gia đình ông bà Giacôbê Võ Hùng Anh và Maria Đinh Thị Ngân (thường gọi là ông bà Nhị - tên người con gái đầu lòng).
Trong thời chiến tranh ác liệt, giáo dân trong vùng giáo xứ Đồng Tre tập trung về La Hai rất đông. Mùa Xuân Mậu Thân (1968), cha Phêrô Phan Anh Thụ, cha sở Đồng Tre (1967-1971), đã rời khỏi Đồng Tre, đến ở tại La Hai. Cha đã xin thửa đất bên cạnh trạm xá La Hai để làm nhà thờ và ở lại La Hai cho đến năm 1971. Năm 1971, cha Micae Nguyễn Tri Phương được bổ nhiệm làm cha sở Đồng Tre, nhưng cha ở tại La Hai cho đến năm 1975.
Sau năm 1975, số giáo dân trong vùng tập trung về La Hai trong thời chiến tranh đã hồi cư. Nhà thờ La Hai bị trưng dụng làm phòng lương thực của huyện, thời gian sau huyện giao cho phòng giáo dục, hiện nay làm trường Mầm non La Hai.
Năm 1975, cha Phêrô Bùi Huy Bích được bổ nhiệm làm cha sở Đồng Tre, nhưng cha ở tại Suối Ré. Nhà thờ và nhà xứ tại Suối Ré được cha dựng lên bằng vật liệu thô sơ, vách trét đất, nhà thờ lợp tôn đã qua sử dụng, nhà xứ lợp tranh săn. Nhà thờ và nhà xứ đều nhỏ hẹp như nhà của các gia đình. Lúc đầu cha làm nhà thờ có 03 gian, hai gian trước để làm nhà thờ, gian sau cha ở. Sau thời gian ổn định, cha làm nhà xứ trên nền nhà thờ cũ. Năm 1989, cha xây lại nhà thờ Suối Ré trên nền nhà xứ (nền nhà thờ cũ xưa kia), tường gạch vữa vôi thô sơ. Cha ở chái sau nhà thờ. Cách sống nghèo khó, bình dân, giản dị, chất phác, vui tính của cha đã để lại dấu ấn thân tình trong lòng giáo dân cũng như lương dân trong vùng.
Năm 1992, cha Phêrô Bùi Huy Bích được bổ nhiệm làm cha sở Mằng Lăng. Cha Giuse Trương Đình Hiền được bổ nhiệm làm cha sở Đồng Tre (10.03.1992-14.04.2002). Từ ngày nhận nhiệm sở, cha Hiền đặt cư sở tại Đồng Tre. Hằng tuần cha đến dâng lễ tại Suối Ré. Năm 1999, cha xây nhà xứ Suối Ré, tuy nhỏ nhưng mà đủ. Năm 2000, một số cây gỗ nhà thờ Suối Ré do cha Bích xây dựng bị mối mọt, trụ vách nứt nẻ, cha Hiền phải chạy vạy để xây lại nhà thờ Suối Ré bằng vật liệu rắn chắc. Nhà thờ hoàn thành và được khánh thành vào ngày 08.12.2000, ngày lễ Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Bổn mạng giáo họ, dịp Đại Năm Thánh 2000. Năm 2002, cha Antôn Nguyễn Huy Điệp được bổ nhiệm làm cha sở Đồng Tre (14.04.2002 - 2016) và tiếp nối công việc mục vụ của vị tiền nhiệm. Hằng tuần cha dâng lễ tại Suối Ré. Năm 2009, cha xây dựng bờ tường cổng ngõ, ổn định khuôn viên nhà thờ Suối Ré. Cha cũng nới rộng thêm phía sau nhà xứ bằng khung sắt, mái tôn để thêm chỗ sinh hoạt cho giáo họ. Thời cha Antôn Điệp làm cha sở Đồng Tre có các cha phó được thay phiên đến dâng lễ tại Suối Ré:
- Cha Tôma Nguyễn Công Binh, phó xứ Đồng Tre (03.7.2003 - 28.5.2009).
- Cha Gioan Baotixita Võ Tá Chân, phó xứ Đồng Tre (23.10.2009 - 25.8.2015)
- Cha Matthia Võ Nhân Thọ, phó xứ Đồng Tre (30.08.2015 – 28.02.2019) Ngày 04.7.2016, cha Augustinô Nguyễn Văn Phú được bổ nhiệm làm cha sở Đồng Tre. Cha duy trì mục vụ tại Suối Ré như các cha sở tiền nhiệm và nới rộng nhà xứ.
2. Thành lập giáo họ biệt lập Suối Ré
Ngày 28 tháng 01 năm 2019, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục giáo phận Qui Nhơn ký văn thư thành lập giáo họ biệt lập Suối Ré, gồm các tín hữu nằm trong địa bàn: xã Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc, Xuân Long, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3 và thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Nguyên là địa bàn mục vụ trước đó thuộc giáo xứ Đồng Tre. Ngày 29 tháng 01 năm 2019, Đức cha Matthêô chủ sự Thánh lễ, công bố văn thư thành lập và bổ nhiệm cha Matthia Võ Nhân Thọ làm quản nhiệm giáo họ biệt lập Suối Ré. Cha Thọ tiến hành xây dựng cộng đoàn giáo họ trước hết bằng việc thường xuyên thăm viếng các gia đình để biết hoàn cảnh sống của anh chị em giáo dân, nhờ đó đã đưa được khoảng hơn 10 người bỏ đạo trở về với Hội Thánh. Cha thành lập ca đoàn để phục vụ các cử hành phụng vụ, thành lập ban giáo lý viên để phục vụ việc dạy giáo lý cho các em thiếu nhi và thành lập 4 lớp giáo lý. Giúp tiền học cho các em thiếu nhi từ 6 tuổi trở lên 10 tuổi, cả giáo lẫn lương, giúp đỡ tiền bạc hàng tháng cho các cụ già.
Ngoài ra cha con tiến hành tu sửa nhà thờ và nhà xứ khang trang đẹp đẽ hơn. Được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, cha đổ bê tông con đường công cộng phía trước nhà thờ, dài 40m, rộng 10m. Đồng thời cha đổ đất nâng cao đám ruộng mía để nới rộng khuôn viên nhà thờ và xây bờ tường chung quanh, bắt điện năng lượng mặt trời xung quanh nhà thờ. Cuối cùng, cha đã xây dựng đài Đức Mẹ trước khi được thuyên chuyển đi làm cha chánh xứ giáo xứ Gò Duối năm 2022. Ngày 06 tháng 6 năm 2022, Đức cha Matthêô ký văn thư bổ nhiệm cha Phêrô Võ Tá Toàn làm quản nhiệm giáo họ biệt lập Suối Ré thay thế cha Matthia Thọ và ngày 07 tháng 06 năm 2022 cha Tổng Đại diện Giuse Trương Đình Hiền chủ sự nghi thức bổ nhiệm tại nhà thờ Suối Ré. Cha Toàn tiếp tục bảo tồn những gì cha tiền nhiệm để lại và củng cố thêm đội ngũ giáo lý viên, giáo dân dự lễ ngày càng đông hơn.
3. Thành lập giáo xứ Suối Ré
Sau hơn 4 năm giáo họ biệt lập Suối Ré được thành lập và phát triển, ngày 08 tháng 4 năm 2023, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi ký văn thư thành lập giáo xứ Suối Ré và văn thư bổ nhiệm cha Phêrô Võ Tá Toàn làm chánh xứ tiên khởi của giáo xứ mới thành lập. Ngày 10 tháng 4 năm 2023, Đức cha Matthêô đến nhà thờ Suối Ré chủ sự thánh lễ công bố văn thư thành lập giáo xứ và văn thư bổ nhiệm cha tân chánh xứ. Thánh lễ có sự hiện diện của cha Tổng Đại diện Giuse Trương Đình Hiền, cha Phêrô Trương Minh Thái, Hạt trưởng giáo hạt Mằng Lăng, đông đảo linh mục, tu sĩ, và anh chị em giáo dân giáo xứ Suối Ré và các giáo xứ lân cận.Theo thống kê cuối năm 2022, giáo xứ Suối Ré có 80 gia đình, 265 giáo dân, được phân bố trong 4 khóm. Khóm La Hai có 25 gia đình, 67 giáo dân; khóm Phước Huệ có 4 gia đình, 13 giáo dân; khóm Lộ Đức có 26 gia đình, 83 giáo dân; khóm Fatima có 25 gia đình, 102 giáo dân.
LÊ QUÝ ĐÔN, Phủ Biên Tạp Lục, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1977, trang 122.
Lúc bấy giờ (thời chúa Nguyễn) đây là sơn lộ. Thời Nguyễn, thường gọi là quan lộ số 1, có trạm thơ Đất Cày. Qua khỏi đèo Mục Thịnh về phía Phú Yên, có trạm thơ Phước Lãnh. Con đường phía Tây thị trấn La Hai lên suối nước nóng Triêm Đức, Kỳ Lộ đến Sơn Hòa ngày nay, đầu thời Gia Long gọi là thượng đạo. - Đất Cày là vùng đất dọc hai bên sông Hà Thanh bên phía Bắc đèo Mục Thịnh trên Quốc lộ 19C, nay thuộc huyện Vân Canh.
- La Hai là thị trấn La Hai ngày nay.
- Nước Nóng : Phú Yên có 05 nguồn nước nóng: Phú Sen thuộc xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa; Triêm Đức thuộc xã Xuân Quang 2, Trà Ô thuộc xã Xuân Long huyện Đồng Xuân; Lạc Sanh thuộc xã Sơn Thành Tây huyện Tây Hòa và buôn Suối Mây thuộc thị trấn Hai Riêng huyện Sông Hinh. Trong 05 nguồn nước nóng nầy, địa bàn giáo họ biệt Lập Suối Ré chiếm hết 02 nguồn: Triêm Đức và Trà Ô. Xem TRẦN SĨ HUỆ, Phú Yên thời khẩn hoang lập làng, Nxb. Nông Nghiệp, Tp. HCM 2007, trang 194.212. Sông Trà Bương (tiếng dân tộc là Cà Bương) phát nguyên từ vùng núi Trà Kê, Sơn Hòa. Nhà thờ Đồng Tre khi bị Văn Thân tàn phá tọa lạc bên bờ hữu ngạn sông Trà Bương, tục danh ngày nay là Soi Đạo, xóm Đồng Bò, thôn Phú Xuân A, xã Xuân Phước. Chợ Mới, nay thuộc thôn Hà Yến, xã An Thạch, huyện Tuy An. Phường Lụa, nay thuộc khu vực Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An. B.A.V.H. No.4, p. 208-209. Sông Kỳ Lộ chảy đến Ngân Sơn thì phân nhánh tại cầu Lò Gốm, tục danh gọi là Tam Giang: một nhánh chảy ra cửa biển Tiên Châu, một nhánh chảy ra đầm Ô Loan. Nhánh chảy ra Ô Loan có phân khúc được gọi là sông Hà Yến. Nhà thờ Chợ Mới tọa lạc bên bờ phía Đông sông Hà Yến. A. LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, Paris 2000, T. II, trang 191. A. LAUNAY, sđd, trang 189. MISSION DE QUINHONi, Mémorial 31/10/1909. no.58, trang 153. Xóm Vườn nay thuộc xã Xuân Sơn Bắc. Bản Thông Tin Giáo phận Qui Nhơn, số tháng 4/2010 : “Giải cứu 900 giáo dân tỉnh Phú Yên”. MISSION DE QUINHON, Mémorial de Sept. – Oct. 1940, trang 3-9, Hiện nay La Hai là thị trấn của huyện Đồng Xuân (theo Quyết định số 43/HĐBT ngày 15.4.1986). La Hai có ga xe lửa (tuyến đường sắt Đà Nẵng – Nha Trang được chính thức xây dựng năm 1931 và hoàn thành năm 1936 - Xem Les travaux publics de l’Indochine, 1926, chương 6). La Hai có Quốc lộ 19C đi qua. Vị trí nhà thờ này là sân trước nhà thờ và nhà xứ ngày nay. Mặt tiền nhà xứ ngày nay đối diện với mặt tiền nhà thờ. Năm 1940 có họ đạo Hà Bằng thuộc địa sở Mằng Lăng. Nay Hà Bằng thuộc Xuân Sơn Nam.
Tác giả: Ban biên soạn Lịch sử Giáo phân Qui Nhơn