Bài ca Magnificat (Lc 1, 46-55): Đức Maria ngợi ca những điều kỳ diệu của Thiên Chúa

Thứ ba - 31/01/2023 17:36
The Canticle of Mary (Magnificat) Acrylic on Canvas, © Jen Norton


BÀI CA MAGNIFICAT (Lc 1, 46-55)
ĐỨC MARIA NGỢI CA NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA THIÊN CHÚA

Yves Guillemette
Parabole, Décembre 2022, Vol XXXVIII, No 4, tr. 8-10.


Nếu Đức Maria tỏ ra ít nói trong toàn bộ các Tin Mừng thì mọi sự khác hẳn trong bài Magnificat (Lc 1, 46-55) nơi mẹ nói nhiều và đầy cảm hứng. Không phải là sự tùy tiện vụng về, bài ca này của Đức trinh nữ đóng vai trò then chốt trong Tin Mừng Luca khi gợi lên ba thời kỳ của lịch sử cứu rỗi: sự loan báo lời hứa trong quá khứ của dân tộc Israël, sự hoàn tất trong biến cố hiện tại khi Đấng cứu thế đến và sự thực hiện sắp đến trong đời sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu.

Nhiều người trong chúng ta biết bài Magnificat của Đức Maria vì thường xuyên đọc thần vụ Kinh chiều trong Phụng vụ các giờ kinh. Dù là mùa phụng vụ nào, mỗi ngày chúng ta lấy làm của riêng mình bài ca ngợi khen của Đức trinh nữ Maria, người tạ ơn Chúa vì đã thực hiện điều kỳ diệu khi chọn mình làm mẹ Đấng cứu thế. Chủ đề của Đức Maria là gì nếu không phải là vui mừng vì Thiên Chúa đã chúc phúc cho người đã tin tưởng nơi lời Ngài – theo như lời của bà Élisabeth (Lc 1, 45) –, Đấng đã chiếu sáng khuôn mặt mình trên mẹ, Đấng đã đoái hoài để mang lại cho mẹ sự bình an? Ta đã từng biết đến công thức chúc phúc cho dân tộc mà Thiên Chúa đòi ông Môisê chuyển giao cho Aharon và hậu duệ ông (Ds 6, 22-27[1]).

Ta hãy nêu lên những điểm mạnh của bài ca Magnificat và hiểu những điểm kết nối, với mục đích kết hợp chúng ta với lời ngợi ca và tạ ơn của Đức Maria cũng như làm lời kinh riêng của chúng ta, nhất là trong những thời điểm hạnh phúc trong cuộc sống.

Thoạt tiên, ta có thể cho rằng bài Magnificat đã làm gián đoạn trình thuật của chương đầu Tin Mừng Luca, nhưng không phải thế. Bài ca vang lại những lời của thiên sứ Gabriel xác định con trẻ đến từ Thiên Chúa: Ngài sẽ là Con của Đấng tối cao, Đấng bảo đảm một dòng dõi vua Đavít mà Thiên Chúa hứa với ông một triều đại trường tồn (Lc 1, 32-33; xem 2 Sm 7, 1-16). Bài ca của Đức Maria kín đáo loan báo sự sinh hạ của Đức Giêsu sắp được kể ra (Lc 2, 1-21). Tác giả Tin Mừng Luca, khác với các sử gia thời đại mình – những người mà ông vay mượn vài phương pháp nào đó – đã nhìn toàn bộ hành trình nhân loại như là lịch sử cứu độ. Ông chia cắt lịch sử này thành ba giai đoạn lớn: thời của lời hứa (Giao ước thứ nhất tức Cựu Ước), thời hoàn tất trong Đức Giêsu và thời thực hiện trong sứ vụ của Đức Giêsu và của Giáo Hội. Ông tìm thấy ba giai đoạn này ở mức độ khác nhau trong bài ca Magnificat. Thêm vào đó, tất cả lịch sử này được Chúa Thánh Thần làm cho sinh động, từ khi Ngài bay là là trên mặt nước trước khi tạo dựng (Stk 1, 2) cho đến biến cố Hiện Xuống (Cv 2, 1-41) thúc đẩy loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, băng qua thời khắc Ngài ngự trên Đức Giêsu lúc chịu phép rửa (Lc 3, 22). Ta lưu ý rằng Ngài hoạt động đặc biệt nơi ông Zacharia, bà Êlisabeth, Đức Maria, ông Symêon, bà Anna, các mục đồng và con trẻ Giêsu, trong các chương 1 và 2 của Tin Mừng Luca. Như xưa Chúa Thánh Thần xâm nhập vào một ngôn sứ để làm cho ông nhận biết dự định của Thiên Chúa dành cho dân tộc của Ngài thì nay Chúa Thánh Thần cũng làm cho Đức Maria thành một nữ ngôn sứ, nhận biết công trình cao cả của Thiên Chúa trong sự nhập thể của người con.

Ngợi khen và chiêm niệm
 Trong “nghệ thuật kể chuyện về Đức Giêsu”,[2] Luca chèn bài ca Magnificat vào trong trình thuật liền lạc về sự loan báo của thiên sứ Gabriel cho Đức Maria, cuộc thăm viếng đến bà Élisabeth và cuối cùng là sự hạ sinh của Đức Giêsu tại Bêlem. Lời ngợi khen mang tính thánh vịnh của người mẹ tương lai cho phép chúng ta đi đến bước ngoặt chuyển giao lịch sử  cứu độ trong điều kỳ diệu ngày hôm nay được thực hiện nơi Đức Maria. Bài ca Magnificat đưa ta lên cao nguyên, lên đỉnh một ngọn núi, nơi ta có thể chiêm ngắm sự bao la của công trình Thiên Chúa cũng như tính liên tục và sự mới mẻ của Ngài. Thời gian như lơ lửng  trong sự chờ đợi nhìn thấy tỏ hiện hoa trái của lòng trông cậy và đức tin mà tớ nữ của Thiên Chúa đã đặt vào Lời Ngài, Đấng chính là Thiên Chúa, Đấng cứu thế, Đấng toàn năng, Đấng Thánh của Israël. Đức Maria xếp mình về phía những tôi tớ khác của Thiên Chúa, như ông Abraham, Môisê, Êlia, Êlisê và các ngôn sứ. Mẹ sẽ được gia nhập vào hàng ngũ những người bạn lớn của Thiên Chúa qua chính Đức Giêsu, Đấng giới thiệu mình là Tôi tớ của Thiên Chúa, đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ và hiến mình làm Đấng cứu chuộc số đông người (Mc 10, 45).

Một cảm giác quen thuộc

Khi đọc bài ca Magnificat, ta có thể nói rằng: “Hình như tôi đã nghe lời này lúc nào đó rồi!”, hoặc thấy rằng đó là ý tưởng khá quen thuộc. Ta đã không lầm đâu vì bài thánh ca này đầy những ám chỉ về Cựu Ước, như nhà chú giải Jean-Noël Aletti[3] đã giải thích: “Nghệ thuật của người kể chuyện là sử dụng những đoạn trong Cựu Ước mà không trích dẫn rõ ràng -  trừ một ngoại lệ duy nhất: Lc 2, 23-24 (như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa", và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non) – đến độ đối với những ai không quen với Cựu Ước thì thật khó lòng mà phát hiện ra vô số những ám chỉ”. Ta biết rằng Luca 1–2 dựa nhiều vào 1 Samuel 1–3. Vì thế, bà Anna, mẹ của ngôn sứ Samuel, là hình mẫu của Êlisabeth, người đàn bà son sẻ, trong khi lời nguyện tạ ơn của bà, trong 1 Samuel 2, 1-11, gợi hứng cho bài ca Magnificat của Đức Maria. Cũng thế đối với các câu trong bài Magnificat mà ta có thể thấy vô số những đoạn song song, nhất là trong các Thánh vịnh. Vì chúng khá quen thuộc nên chúng ta không nhầm khi có cảm giác đã nghe điều này ở đâu đó.
Một vài ví dụ[4]:

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa (c. 46)
Tâm hồn con hoan hỷ vì Đức Chúa, nhờ Đức Chúa, con ngẩng đầu hiên ngang (1 Sm 2, 1).

Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi (c. 47)
Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! (Is 61, 10).

Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc (c. 48)
Bà (Anna) khấn hứa rằng: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, nếu Ngài đoái nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tỳ Ngài đây, nếu Ngài nhớ đến con và không quên nữ tỳ Ngài, nếu Ngài cho nữ tỳ Ngài một mụn con trai…” (1 Sm 1, 11).

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! (c. 49)
Chẳng có Đấng thánh nào như Đức Chúa (1 Sm 2, 2)
Người đem lại cho dân ơn giải thoát, thiết lập giao ước đến muôn đời. Tôn danh Người thánh thiêng khả uý (Tv 110/111, 9).

Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người (c. 50)
Nhưng ân tình Chúa thiên thu vạn đại, dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn (Tv 102/103, 17a).

Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời (c. 54-55).
Khi ông Ápram được chín mươi chín tuổi, Đức Chúa hiện ra với ông và phán: "Ta là Thiên Chúa Toàn Năng. Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo. Ta sẽ đặt giao ước của Ta giữa Ta với ngươi, và Ta sẽ cho ngươi trở nên đông, thật đông." Ông Ápram cúi rạp xuống. Thiên Chúa phán với ông rằng: "Phần Ta, đây là giao ước của Ta với ngươi: ngươi sẽ làm cha của vô số dân tộc. Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Ápram nữa, nhưng là Ápraham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc. Ta sẽ cho ngươi sinh ra nhiều, thật nhiều: Ta sẽ làm cho ngươi thành những dân tộc, và vua chúa sẽ phát xuất từ ngươi. Ta sẽ lập giao ước của Ta giữa Ta với ngươi và với dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đây sẽ là giao ước vĩnh cửu, do đó Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi sau này (Stk 17, 1-7).
Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharaô, vua Ai Cập. Anh (em) phải biết rằng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành: cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người (Đnl 7, 7-9).

Maria tán dương Đức Chúa

Đọc trọn bài Magnificat, ta thấy sự tăng triển trong lời ngợi khen của Maria. Mẹ bắt đầu bằng việc tạ ơn vì sự kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm trong đời sống mình (c. 46-49), rồi ca tụng lòng thương xót[5] vì những người kính sợ Chúa, nghĩa là người tôn kính Ngài với đức tin và tình con thảo (c. 50-53). Mẹ kết thúc khi ôm trọn toàn bộ lịch sử cứu độ từ khi lời chúc phúc cho ông Abraham làm cho ông trở thành cha trong đức tin của toàn dân tộc, đông như sao trên trời hay cát dưới biển (c. 54-55; Stk 12, 1-4). Trong ơn gọi và sứ mệnh được trao phó cho Maria, lời ngợi khen của mẹ mang tầm mức rộng lớn chạm đến số đông người sẽ nghe lời loan báo Tin Mừng, cả sứ điệp lẫn con người Đức Kitô phục sinh.

Như thế bài Magnificat mở ra một cửa sổ trên lịch sử cứu độ để ta nhìn vào quá khứ hầu khám phá ở đấy những điều kỳ diệu của Thiên Chúa: công cuộc tạo dựng (Stk 1-2; Tv 104/103), sự chúc phúc cho Abraham (Stk 12, 1-4), giải phóng khỏi sự nô lệ bên Ai Cập và giao ước với dân Ngài (Đnl 7, 7-9) trở về từ nơi lưu đày (2 Sbn 36, 22-23). Qua cửa sổ này, chúng ta nhìn về tương lai trong sứ vụ của Đức Giêsu.

Một vài ví dụ

Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người (c. 50).
Sự tha thứ ban cho kẻ gian ác hối cải: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" (Lc 23, 33-43). Các dụ ngôn về lòng thương xót (Lc 15).

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng (c. 51).
Khi loan báo về cuộc khổ nạn, các môn đệ tự hỏi xem ai là người lớn nhất (Lc 9, 46-48). Họ lại hỏi một lần nữa trong bữa Tiệc ly và Đức Giêsu trả lời: “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22, 24-27).

Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường (c. 52).
Mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa cho người bé mọn (Lc 10, 21-24). Tiền dâng cúng của bà góa trong Đền thờ (Lc 21, 1-4).

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng (v. 53).
Ta tìm thấy sự minh họa trong các dụ ngôn: Lazarô và người giàu có (Lc 16, 19-31), lựa chọn chỗ rốt hết trong bữa tiệc (Lc 14, 7-14), khách mời được những người nghèo thay thế (Lc 14, 15- 24) và người giàu có ngu dốt mất đi tất cả (Lc 12,16-21).

Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người,  như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời (c. 54-55).
Đức Giêsu “nâng dậy” người đàn bà còng lưng vào ngày Sabát (Lc 13, 10-17) và ông Giakêu (Lc 19, 1-10), những người là con cái Abraham.

Kết luận

Trong bài ca Magnificat, Đức Maria ngợi ca những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện trong quá khứ, thời của lời hứa và niềm hy vọng cứu thế. Mẹ cử hành điều kỳ diệu của ngày hôm nay, thời hoàn thành lời hứa qua ân ban Con Đấng Tối Cao. Cuối cùng, Maria ngợi ca những điều kỳ diệu sắp đến mà Đức Giêsu sẽ cho thấy qua sứ vụ của mình, thời thực hiện lời hứa được tóm tắt trong bài ca của các thiên thần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2, 14).
 
[1] “Hãy nói với Aharon và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ítraen, anh em hãy nói thế này: "Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh (em)! Nguyện ĐỨC CHÚA tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)! Nguyện ĐỨC CHÚA ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh (em)! Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng”. Công thức chúc lành này là bài đọc thứ nhất trong lễ trong Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, ngày 1 tháng 1.
[2] Tôi mượn tựa đề tác phẩm của Jean-Noël Aletti, L’art de raconter Jésus Christ, Éditions du Seuil, 1989.
[3] L’Évangile de Luc et les Écritures d’Israël. L’importance de la typologie en Luc, Cahiers Évangile 185, (septembre 2018), tr. 17.
[4] Các trích dẫn được trích trong bản dịch của nhóm PVCGK. Số Thánh vịnh đầu là số trong bản Kinh Thánh Hípri, số sau là bản Hy Lạp dùng trong phụng vụ.
[5] Trong bản Hy Lạp là eleos, dịch từ hesed trong tiếng Hípri. Ta thường dịch những từ này là tình yêu, lòng thương xót. Ở đây phải hiểu là lòng thương xót, diễn tả cam kết trọng thể của Thiên Chúa luôn đến cứu giúp dân Chúa, vì giao ước đã ký kết với họ.

Tác giả: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập160
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm124
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay28,579
  • Tháng hiện tại112,901
  • Tổng lượt truy cập25,710,010

Chúng tôi trên mạng xã hội

THÁNG MÂN CÔI
Thánh Phanxicô Assidi
  • Lễ nhớ buộc

  • G 38,1.12-21;40,3-5; Lc 10,13-16. Hay Gl 6,14-18; Mt 11,25-30.

  • Bổn mạng giáo xứ Qui Hòa.

Ghi nhớ
  • Thánh nhân sinh khoảng năm 1181, tại thành phố Assisi nước Ý và về trời ngày mùng 3 tháng Mười năm 1226.

    Chi tiết...
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây