ĐỨC GIÊSU, NGƯỜI CHA CỦA HY VỌNG (Lc 15)
Paul Béré, sj
Học Viện Kinh Thánh Giáo Hoàng
L'Osservatore Romano, 04 tháng Ba 2025 (Ấn bản Pháp ngữ)
Trong Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay, Tin Mừng Luca trình bày cho chúng ta một Đức Giêsu có lòng thương xót đối với người thu thuế và tội nhân. Đối diện với họ là một nhóm thù địch khác: Người Pharisiêu và các kinh sư. Các thầy dạy tôn giáo cáo buộc Ngài: "Người này tiếp đón những kẻ tội lỗi và cùng ăn uống với họ!". Liên hệ giữa hai nhóm này không mấy tốt. Nhóm thứ hai tấn công Đức Giêsu. Ngài trả lời họ ra sao?
Thay vì biện minh cho mình, Ngài chọn một hình thức trả lời mời gọi suy tư: Dụ ngôn. Dụ ngôn đứa con hoang đàng mô tả hai nhóm người: Người con thứ là hình ảnh của những người thu thuế và tội nhân, và người con cả là hình ảnh của những người Pharisiêu và kinh sư. Đứng giữa họ là người cha, không hề tuyệt vọng trước bất kỳ đứa con nào. Sự chào đón nồng hậu của ông đối với người em trai khiến người anh nổi giận: "Sau khi đã tiêu hết tài sản của cha với bọn đĩ điếm, cha lại giết bê béo để ăn mừng nó!" (Lc 15, 30). Lời phàn nàn này giải thích cho "sự tiếp đón nồng hậu" mà những người Pharisiêu và các kinh sư cáo buộc Đức Giêsu.
Tình yêu thương vô điều kiện và lòng trắc ẩn của người cha đã lay chuyển những điều chắc chắn. Người cha nói, “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy …!” (Lc 15, 31-32). Những lời này cố gắng hòa giải các đứa con với nhau. Chúng mời gọi người anh thay đổi cách nhìn về người em vừa được tìm lại. Vì nếu người cha bám vào lập luận kế toán, hành động của người em, biểu tượng cho tội giết cha, sẽ loại trừ anh ta vĩnh viễn. Thế mà khi anh còn ở đằng xa, “người cha đã trông thấy và động lòng thương. Ông chạy đến, ôm lấy cổ nó và hôn lấy hôn để” (Lc 15, 20). Chẳng có bài học nào ở đây sao?
Dụ ngôn này âm vang một câu chuyện khác trong đó Đức Giêsu trả lời người đàn ông đòi chia gia tài: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,13-21). Tập trung chú ý vào của cải vật chất là điều nguy hiểm. Vì vậy, Đức Giêsu mời gọi chúng ta “hãy trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12, 21). Cụ thể như thế nào? Tin Mừng Chúa Nhật Vui kêu gọi sử dụng của cải để tôn vinh sự sống, để khơi dậy niềm vui.
Do đó, dụ ngôn này như một tấm gương cho những người Pharisiêu và kinh sư. Đức Giêsu chào đón tội nhân vì họ đã lắng nghe lương tâm mình, giống như người con thứ, và đã chọn từ bỏ hành vi sai trái của mình, giống như ông Giakêu (Lc 19). Nhưng điều bí ẩn vẫn còn đó: Người con trai cả đã vào trong hay chọn ở lại bên ngoài? Đức Giêsu để cho những kẻ cáo buộc tự do trả lời Ngài hoặc giữ im lặng, chấp nhận lời mời vào nhà Ngài hoặc từ chối nó.
Chúng ta được mời gọi mở rộng không gian trái tim mình để chào đón những người mà chúng ta phán xét, với lý do chính đáng hay không. Đức Giêsu muốn chúng ta học cách vui mừng trong cuộc tìm kiếm của họ và có lẽ trong sự hoán cải của họ. Sự trở về này làm cho Cha chúng ta vui mừng, Đấng không bao giờ đóng cửa trước người tội lỗi ăn năn. Trong mỗi người, Ngài luôn có niềm hy vọng.