Người phú hộ và ông Lazarô: suy tư hiện đại và thời các giáo phụ

Thứ ba - 20/06/2017 05:23
http://i2.wp.com/2x2virtualchurch.com/wp-content/uploads/2013/09/Lazarus-FransFrancken.jpg
Lazarô và ông phú hộ
Tranh của Frans Francken

 
Arthur G. Quinn

Dụ ngôn người phú hộ và ông Lazarô (Lc 16,19-31) mở đầu với lời miêu tả về đời sống xa hoa phung phí của người giàu có. Ông được phác họa như là thành phần ưu tú và là người ích kỷ. Không trông mong gì ông sẽ đáp ứng cho nhu cầu của Lazarô.[1] Lòng mến khách của ông chỉ là chiêu bài để khoe khoang và thăng tiến địa vị xã hội của mình. Ông không đếm xỉa gì đến Lazarô vì người nghèo thì chẳng có gì để bánh ít đi bánh quy lại. Lẽ đương nhiên là ông phú hộ tự tách mình ra khỏi đám người nghèo để cố thủ lấy thế ăn trên ngồi trước của mình trong xã hội. [2]

Nằm bên ngoài cánh cổng nhà ông phú hộ, Lazarô không ích gì cho ông. Ông không biết ngay cả đến sự hiện diện của Lazarô, vì nếu biết thì đây sẽ là một vết nhọ trét vào địa vị của ông. Lazarô bị xem như “ô uế” vì mình đầy lở loét mà thỉnh thoảng chỉ có mấy con chó đến liếm vào.[3] Tuy nhiên, câu chuyện lại tập chú vào một cảnh tượng mà chính Lazarô cũng chẳng quan tâm gì đến. Thánh Giêrônimô viết rằng Lazarô nằm ở ngay cổng nhà chứ không phải trong xó xỉnh nào đó, và như thế sự hiện diện của ông trở nên quá rõ ràng, chình ình ngay trước mắt.[4] Aphrahat, nhà hiền triết Ba Tư, viết rằng Lazarô chỉ muốn những thứ mà ông phú hộ xem như rác rưởi, và không giống như ông phú hộ, Lazarô không tìm kiếm của ăn ngon hay để nuôi tấm thân cho béo tốt.[5]

Một chi tiết thường bị bỏ qua nhưng lại đặt ra câu hỏi: do đâu mà Lazarô bị đặt nằm ở cổng nhà riêng như thế? Luca không giải thích. Trong Cv 3,2, một người què được đặt nằm bên cửa Đền Thờ, nhưng đây là nơi công cộng. Cũng trong Lc 17,12, mười người cùi đến gần Chúa Giêsu để tìm kiếm lòng thương xót của Ngài. Luca viết rằng Chúa Giêsu đang đi vào trong thành, điều này cho thấy ắt phải có một cái cổng thành. Tuy không đề cập đến cái cổng thành nhưng rõ ràng đây là một nơi công cộng. Trong Lc 14,21, một người bảo các đầy tớ ra các ngã đường và mời người nghèo, đui què sứt mẻ, điều này cho thấy những người tàn tật và đói khát dễ dàng được tìm thấy ở đó, những nơi công cộng.[6] Trong Lc 18,35, người mù ngồi bên vệ đường. Trong Cv 14,8, người què ngồi trong hội đường. Ngay cả bên ngoài những tác phẩm của Luca, người ta cũng tìm thấy người nghèo khổ ở những nơi công cộng. Trong Mt 20,30, hai người mù ngồi bên vệ đường. Trong Mc 10,46, người mù Bartimê ngồi bên vệ đường, nơi dễ tiếp cận với khách qua đường.[7] Trong Ga 5,3, những người đui, què, bại liệt có thể được tìm thấy ở hồ Beth-zatha gần Cửa Chiên. Dù họ tự đi đến đấy hay được người khác mang đến, những người tàn tật và nghèo khổ thường dễ dàng được tìm thấy ở nơi công cộng.

Vậy thì tại sao Lazarô lại ở nơi riêng tư này chứ? Có thể nào cánh cửa nhà phú hộ lại được xem như chỗ công cộng, nơi mà những người như Lazarô có thể được đặt nằm để xin ăn chăng? Yến tiệc linh đình hằng ngày nơi nhà phú hộ có thể cho thấy cánh cửa nhà ông là một lối đi dập dìu người qua lại. Một nhà nghiên cứu cho rằng Lazarô có thể là người làm công cho ông phú hộ. Khi Lazarô bệnh tật không làm việc được nữa, ông bị sa thải, và có thể đã được đem đến trước cửa nhà riêng này với hy vọng người chủ cũ có thể giúp đỡ ông.[8] Trong câu 23, người phú hộ nhận ra Lazarô và biết tên ông, như vậy cũng có vài bằng chứng thuyết phục cho giả thiết này. Một mối liên hệ trước đấy có thể giải thích được lý do Lazarô được dặt nằm ở cánh cổng riêng tư này.

Dù ý định của Lazarô nằm trước của nhà phú hộ là gì đi nữa thì ông cũng không có tham vọng gì. Theo Thánh Augustinô, Lazarô chỉ muốn những của ăn mà người phú hộ vất đi chứ không lấy bất kỳ của cải nào của ông ấy. Tuy nhiên, cho Lazarô của ăn dư thừa cũng là một cố gắng quá lớn đối với ông phú hộ.[9] Aphrahat còn nói thêm rằng Lazarô là hình ảnh về sự khiêm hạ của Đấng Cứu Thế thinh lặng chờ đợi.[10] Thật mỉa mai khi ở trần thế Lazarô ước ao những mảnh vụn rơi từ bàn ăn của ông phú hộ thì chính ông này lại ao ước một giọt nước từ ngón tay của Lazarô để làm dịu đi khổ hình nơi âm phủ.[11] Sự hoán đổi này trở nên quá rõ ràng trong diễn biến tiếp theo của câu chuyện.

Câu 22, Kinh Thánh nói rằng ông nhà giàu kia chết và Lazarô cũng chết nhưng được thiên thần đem vào lòng Abraham. Do có địa vị, ông phú hộ có lẽ được chôn cất tươm tất, áo mão cân đai phù hợp với sự giàu có.[12]Bản văn không nói Lazarô được chôn cất hay không, song với vị thế xã hội của mình thì có lẽ ông bị vất vào đống đốt rác.[13] Augustinô viết rằng Lazarô bị vất bỏ và không chôn cất song được các thiên thần đưa đi, trong khi nấm mồ bằng cẩm thạch cũng không giúp gì cho ông phú hộ đang kết thúc cuộc đời nơi khổ hình.[14] Aphrahat  chú giải rằng Lazarô bị ném sang một bên và không chôn cất, song ông được các thiên thần mang đi đến nơi tưởng thưởng, còn nhà phú hộ được đưa đến mộ phần mình với đầy đủ phẩm giá song bị ném vào nơi khổ hình[15].

Sự đảo lộn trật tự sau khi chết đã trở nên hiển nhiên trong câu 24. Nhìn lên thấy Lazarô cúi xuống, ông phú hộ vẫn cư xử y như khi mình vẫn còn những đặc quyền đặc lợi. Ông bảo sai Lazarô đến với ông, làm như Lazarô vẫn còn là đối tượng cho ông sai khiến.[16] Không chút hối tiếc vì thiếu lòng thương cảm đối với Lazarô nghèo khổ, ông phú hộ còn đòi Lazarô rời bỏ nơi tiện nghi của mình, chạy vào nơi khổ ải để phục vụ ông.[17] Ông phú hộ cầu xin sự trợ giúp mà ông đã không muốn ban bố cho Lazarô.[18] Ông vẫn còn bám víu vào ảo tưởng rằng ngay trong cõi chết ông vẫn còn sai khiến được Lazarô[19] phải hành động vì bản thân ông. Quen với thói quan quyền truyền lệnh là phải làm, lệnh của ông phú hộ giờ đây vô hiệu nơi âm phủ.[20] Thánh Phêrô Kim Ngôn viết rằng ông phú hộ ghen tức với Lazarô giờ được ở nơi ưu đãi. Ông tức vì người bị ông khinh miệt giờ lại vui hưởng hạnh phúc. Ý muốn duy nhất của ông là làm dịu đi cái lưỡi mà khi còn ở trần thế nó chỉ biết hưởng của ngon vật lạ mà chẳng hề biết thốt ra những lệnh truyền có tính thương xót hay quảng đại.[21] Ông phú hộ hoàn toàn không hay biết gì về hiện trạng của mình nơi âm phủ. Ông buộc phải hạ mình xuống khi nhận quen với Lazarô, kêu tên Lazarô trong một nỗ lực nhục nhã để cầu xin lòng thương xót của Abraham.[22]

Cái vực thẳm ở câu 26 thật tình không bước qua được từ bất kỳ hướng nào, nó được sánh với cái cánh cửa chia cách Lazarô với căn nhà mà chỉ cần những mảnh vụn thức ăn rơi rớt xuống đất cũng có thể làm dịu đi cơn đói cồn cào của ông.[23] Trong khi cánh cửa nhà phú hộ có thể biểu tượng cho vực thẳm sau cái chết, thì vẫn còn đó một khác biệt rất lớn. Ông phú hộ có thể loại bỏ vực thẳm trần thế này: nếu ông không muốn mời Lazarô vào nhà thì ít ra cũng sai đầy tớ đem cho những của dư thừa mà ông đã vất đi. Cái vực thẳm bất khả vượt qua chính là trái tim của ông phú hộ, nó ngập ngụa thói kiêu ngạo và ích kỷ đến nỗi không cho phép có một ý nào muốn vượt qua khoảng cách giữa ông và  Lazarô.

Thấy mình sẽ không được ai giúp đỡ, ông phú hộ lại quan tâm đến anh em của mình. Xem ra vẫn có tia hy vọng nào đó về lòng vị tha của ông phú hộ khi cầu xin lời cảnh báo cho các anh em mình.[24] Ông muốn cảnh báo các anh em mình không phải để họ chú ý đến lời dạy bảo của Môisê và các ngôn sứ, nhưng để họ tránh hình phạt mà chính ông phải chịu đựng.[25] Sự quan tâm của ông đối với các anh em mình vẫn còn cho thấy ông chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình, tìm kiếm những gì của riêng mình.[26] Ông không quan tâm gì đến cảnh khốn khổ của người nghèo tuyệt vọng như Lazarô. Ông chỉ quan tâm đến việc sử dụng Lazarô để cảnh báo các anh em mình.[27] Thánh Grêgôriô Nyssa viết rằng ông phú hộ vẫn quan tâm đến cuộc sống trần gian, trái ngược với Lazarô chẳng còn bận tâm gì đến quá khứ nữa.[28]

Suốt câu chuyện, Lazarô chẳng có một tiếng nói. Ông được cho một căn tính, được kể ở ngôi thứ ba, nhưng không nói một lời nào. Không thốt lên một tiếng xin xỏ, ông hoàn toàn tùy thuộc vào lòng tốt của tha nhân. Chẳng biết làm cách nào mà ông đến trước cửa nhà phú hộ, do ý muốn của ông hay do người khác đem ông bỏ đó.  Điều câu chuyện muốn nhắn nhủ chúng ta là lòng bác ái vốn đòi hỏi rất ít sự cố gắng. Ông phú hộ không cần phải đi đâu xa vời để tỏ lòng thương xót. Ông chỉ cần nhìn xuống ngay nơi cánh cửa nhà ông. Điều này minh họa cho câu châm ngôn: “Bác ái bắt đầu từ trong chính (nhà) mình” (prima caritas incipit a se ipso) mà ta có thể thêm vào đó: “Bác ái bắt đầu với một nỗ lực rất nhỏ nhoi”.

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

[1] Halvor Moxnes, “Patron-client relations and the new community in Luke-Acts,” trong The social world of Luke-Acts: models for interpretation, Jerome Neyrey, Peabody, MA: Hendrickson, 1991: 255
[2]  Jole B. Green, The gospel of Luke. Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1997: 553.
[3] Ernest van Eck, “When patrons are not patrons,” HTS Teologiese Studies 65(2009): 353.
[4] Hieronymous, “Homily 86,” trong The homilies of St. Jerome, vol. 2. Washington, DC: Catholic University of America, 1966: 201.
[5] Aphrahat, Les exposes. Paris: Les Editions du Cerf, 1989: 794.
[6] I. Howard Marshall, The gospel of Luke: a commentary on the Greek text, Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1978: 590.
[7] Joel Marcus, Mark 8-16: a new translation with introduction and commentary, New Haven, CT: Yale University Press, 2009: 762.
[8] Duane Warden, “The rich man and Lazarus: poverty, wealth and human worth,” Stone-Campbell Journal 6 (2003): 84.
[9] Augustine of Hippo, “Sermon 24,” trong Obras de San Agustín, vol. 10. Madrid: Biblioteca de Autores Cristianos, 1965: 431.
[10] Aphrahat, 795.
[11] Bastiaan Wielenga, “The rich man and Lazarus,” Reformed World 46 (1996): 114.
[12] Benson O. Igboin, “An African understanding of the parable of the rich man and Lazarus: problems and possibilities,” Asia Journal of Theology 19 (2005): 261.
[13] Ferdinand O. Regalado, “The Jewish background of the parable of the rich man and Lazarus,” Asia Journal of Theology 16 (2002): 342.
[14] Augustine of Hippo, “Sermon 142,” trong Newly discovered sermons. Hyde Park, NY: New City Press, 1997: 132.
[15] Aphrahat, 796.
[16] David P. Daniel, “22d Sunday after Pentecost: Lk 16:19-31,” Concordia Journal 11 (1985): 103.
[17] Kenneth E. Bailey, “The New Testament Job: the parable of Lazarus and the rich man,” Theological Review 29 (2008): 25.
[18] François Bovon, Luke 2. Minneapolis, MN: Fortress, 2013: 482.
[19] Wielenga, 111.
[20] Warden, 93.
[21] Peter Chrysologus, “Sermon 122,” in, Selected sermons. New York: Fathers of the Church, 1953: 210.
[22] Robert Hurley, “Le lecteur et le riche: Luc 16, 19-31,” Science et Esprit 51 (1999): 74.
[23] Walter Vogels, “Having or longing: a semiotic analysis of Luke 16: 19-31,” Eglise et Theologie 20 (1989): 30.
[24] Hurley, 77.
[25] George W. Knight, “Luke 16: 19-31: the rich man and Lazarus,” Review and Expositor 94 (1997): 281.
[26] Regalado, 343.
[27] José Cardenas, “Una parábola molesta (Lc 16, 19-31,” Qol 20 (1999): 71.
[28] Gregory of Nyssa, The soul and the resurrection. Crestwood, NY: St. Vladimir’s Seminary Press, 1993: 75.

 

Tác giả:  Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

 Tags: thần học

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập59
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay26,237
  • Tháng hiện tại110,559
  • Tổng lượt truy cập25,707,668

Chúng tôi trên mạng xã hội

Ngày này năm xưa
Tết nguyên đán
Kính Thánh Phanxicô Assidi
  • Nội dung 1

  • Nội dung 2

  • Nội dung 3

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây