Quán trọ trong câu chuyện Chúa Giáng Sinh

Chủ nhật - 12/12/2021 18:05

Các mục đồng thờ lạy
Tranh của 
Matthias Stomer, 1632


Mỗi mùa Giáng sinh đến, chúng ta được nghe lại những bài ca Giáng sinh quen thuộc và ngắm nhìn những cây thông lấp lánh ánh đèn cùng máng cỏ hang đá với bò lừa vây quanh. Chúng ta cũng hơn một lần được xem hoạt cảnh Giáng sinh với cảnh thánh Giuse và mẹ Maria chật vật gõ cửa từng quán trọ để tìm nơi tá túc và sinh con. Câu chuyện đó rất quen thuộc với chúng ta, nhưng có ai biết được điều gì thực sự đã xảy ra vào đêm đó. Gần đây, các nhà chú giải Kinh Thánh cả Công Giáo và Tin Lành đã cố gắng đọc lại các văn bản gốc để hiểu rõ thêm về biến cố trọng đại đó. Sau đây là chú giải mới nhất của những nhà chú giải Kinh Thánh về từ katalyma nên được dịch là quán trọ / nhà trọ hay phòng cho khách?

Trước hết là chú giải của cha M. Dennis Hamm, S.J. cho câu 2,7 của Tin Mừng Luca trong cuốn “The Paulist Biblical Commentary” xuất bản năm 2018:

Nơi các bản dịch Kinh Thánh tiếng Anh từ bản chính tiếng Hy Lạp, chúng ta tìm thấy câu “vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Luca 2, 7). Đọc kỹ lại bản gốc Hy Lạp và ngữ cảnh liên quan, chúng ta có được một cách dịch mới.

Từ “inn- nhà trọ” được dùng để dịch từ katalyma của bản gốc, thế nhưng từ katalyma này lại được dịch là “guestroom - phòng dành cho khách”, trong tường thuật về Bữa Tiệc Ly của Máccô và Luca (Mc 14,14; Lc 22,11). Thánh sử Luca đã dùng một từ đồng nghĩa anangaion ở câu 12 kế tiếp (dịch là: căn phòng rộng rãi trên lầu) để nói rõ thêm về nơi Bữa Tiệc Ly được cử hành.

Trong tiếng Hy Lạp từ pandocheion có nghĩa là quán/nhà trọ và thánh sử Luca dùng từ này với ý nghĩa quán/nhà trọ trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu: “Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc”. (10,34)

Đã bao năm quen với câu “không tìm được chỗ trong nhà trọ”, ắt hẳn là chói tai lắm khi chúng ta nghe cách dịch mới “không có chỗ cho họ trong phòng dành cho khách”. Thế nhưng xét về mặt dùng từ trong tiếng Hy Lạp và khung cảnh xã hội thời đó, cách dịch sau có lẽ chính xác hơn.

Sau cùng, Giuse – một người thuộc dòng tộc Đavít - về lại nguyên quán là “Thành Đavít” cùng với vợ đang gần ngày sinh. Sẽ là điều kỳ cục, khó hiểu, nếu không có ai trong gia đình họ hàng cho đôi vợ chồng này một nơi ở tạm. Lúc đó, nhiều người trong họ cũng trở về Thành để kê khai tên mình theo lệnh của hoàng đế. Cứ thử tưởng tượng nơi một căn nhà ở Bêlem năm đó, có nhiều người họ hàng cùng tá túc ở nơi phòng dành cho khách, xảy ra là Maria đến lúc sinh nở, căn phòng này không còn chỗ cho việc này, vậy nên Maria được đưa đến phòng ở của gia đình chủ để sinh con, phòng này cũng là nơi người chủ đưa gia súc vào nghỉ qua đêm, và có máng ăn sẵn cho chúng.

Theo cách hiểu mới về bản văn Giáng Sinh của Luca, chúng ta thấy ý nghĩa của câu chuyện không phải về thái độ ruồng rãy, không chấp nhận của người đời với hài nhi Giêsu nhưng là về lòng hiếu khách, về việc sinh ra bình thường của hài nhi Giêsu, về tình liên đới giữa người với người. Ý nghĩa của câu chuyện được nhắm đến có lẽ cũng phải là sự nghèo khó. [1]

Tiếp đến là chú giải của cha Michael F. Patella O.S.B cho câu Lc 2,7 trong cuốn “New Collegiville Bible Commentary”, xuất bản năm 2017.

“Từ Hy Lạp phatnē được dịch là “máng cỏ”, nhưng cũng có nghĩa là “chuồng súc vật”. Còn từ Hy Lạp kataluma trong Lc 2, 7 được dịch là “inn – quán trọ”, có nghĩa là “nơi/chỗ trọ” hay “phòng dành cho khách” với nơi ngồi ăn bữa (kataluma cũng được tìm thấy nơi Lc 22,11). Với hai từ phatnē và kataluma, có lẽ thánh sử Luca muốn nói đến một căn nhà phổ biến vào thời đó. Những căn nhà này thường dành cho một gia đình đông người với không gian chính sinh hoạt ở tầng trên và một khu cho súc vật ở tầng dưới. Cả hai Mát-thêu và Luca nhấn mạnh đến gốc gác của Chúa Giê-su thuộc dòng tộc Đavít qua cha nuôi Giuse cũng như qua việc Ngài được sinh ra tại thành Bê-lem, thành của Đavít. Chúng ta có thể kết luận rằng Giuse có gia đình sống ở Bê-lem và thánh cả cùng mẹ Maria đã trú tạm nơi gia đình đó. Có nhiều người ăn uống ngủ nghỉ ở tầng trên kataluma, thì chỗ kín đáo còn lại cho việc sinh đẻ ắt hẳn phải là tầng dưới nơi có phatnē – máng cỏ”. [2]

Sau đây là chú giải của cha Pablo T. Gadenz trong cuốn “The Gospel of Luke” của loạt sách Catholic Commentary on Sacred Scripture, xuất bản năm 2018.

Chúa sinh ra nơi người ta nhốt súc vật vì không có chỗ cho họ trong quán trọ. Từ Hy lạp katalyma, thường được dịch là “inn – quán trọ”, dùng để chỉ nơi tạm trú cho người du hành (Xh 4, 24). Nơi Tin Mừng Luca, từ này được dùng lần thứ hai khi Chúa ăn bữa Tiệc Ly và để diễn tả “phòng dùng cho khách” (Lc 22,11; Mc 14,14). Nên biết rằng thánh Luca dùng từ pahdocheion để chỉ quán trọ trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (Lc.10,34). Thánh Giuse và mẹ Maria có lẽ đã trú ngụ tạm tại một nhà của người có họ với thánh Giuse tại Bê-lem, nhưng vì “phòng cho khách” đã chật cứng không còn chỗ nên mẹ Maria đã sinh con nơi người ta giữ súc vật qua đêm, có thể là bên trong nhà hay một nơi liền kề với ngôi nhà. Có bằng chứng cho thấy những hang động bên dưới Nhà Thờ Giáng Sinh được dùng là nơi giữ súc vật trong thế kỷ thứ nhất, và những căn nhà thường được xây trước những hang động như thế. [3]

Cuối cùng là chú giải từ Kenneth Bailey, một mục sư Anh Giáo và cũng là một học giả và giáo sư dạy Kinh thánh hơn 40 năm tại những học viện ở Ai Cập, Li Băng, Giêrusalem, và Cyprus. Với kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ và văn hóa vùng Trung Đông, ông đã dành 12 trang (25-37) trong cuốn sách nổi tiếng “Jesus Through Middle Eastern Eyes” (Chúa Giêsu dưới mắt người Trung Đông -xuất bản năm 2008) chỉ để chú giải câu chuyện Chúa Giáng Sinh từ Lc 2, 1-20. Những chú giải mới về “quán trọ” từ những sách chú giải Kinh Thánh gần đây nhất của các tác giả Công Giáo có lẽ đã dựa trên những phát hiện mới của Bailey về mặt ngôn ngữ và văn hóa khi chú giải câu Lc 2,7. Thêm vào những phân tích ngữ học từ “kataluma”, ông cũng đưa ra những lý luận đáng quan tâm như sau:

1/ Giuse thuộc dòng dõi Đavít. Ông trở về Bê lem nơi được gọi là “thành Đa vít”, là quê hương của dòng họ ông. Vậy nên việc ông được tiếp đón tử tế là chuyện hợp lý và bình thường.

2/ Ở đâu cũng vậy ai cũng tìm cách giúp đỡ bà mẹ sắp tới ngày sinh. Có lẽ nào dân thành Bêlem lại từ chối giúp đỡ một người mẹ trẻ và cũng là bà con của mình trong hoàn cảnh như thế?

3/ Nhà của chị họ Êlisabeth không xa với Bêlem. Nếu Thánh gia không tìm được nơi trú tạm tại Bê lem, họ có thể đi thêm vài cây số nữa để ở tạm với gia đình chị họ. Từ lâu chúng ta cứ nghĩ là Chúa Giêsu được sinh ra ngay trong đêm khi Thánh gia đến Bê lem và thánh Giuse đã phải vội vã đi tìm nơi trú. Nhưng thực ra Thánh gia đâu có làm thế vì Thánh gia có đủ thời gian để thu xếp chỗ ở vì “khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa” (Lc 2,6).

4/ Thánh gia đi tới Bê lem, họ trú tạm ở một nhà dân trong vùng. Hài nhi sinh ra, bọc trong khăn, đặt trong máng ăn; máng này có thể được tạo ra bằng cách khoét trũng xuống sàn nhà hay có thể làm bằng gỗ để dễ dàng di chuyển vào khu vực gia đình sinh hoạt trong nhà. Có độc giả sẽ hỏi tại sao Thánh gia không được mời vào ở trong phòng dành cho khách? Xin thưa là phòng đó đã có những vị khách khác ở trước rồi. Vì vậy chủ nhà mới mời mẹ Maria và thánh Giuse ở nơi khu sinh hoạt chính của gia đình.

5/ Các mục đồng đã được thiên sứ báo tin Đấng Cứu Thế đã sinh ra và các mục đồng đã đi tìm Chúa theo dấu chỉ để nhận ra Ngài là “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,11). Nếu như Chúa Hài Đồng sinh ra nơi hang đá tăm tối lạnh lẽo dơ dáy thì các mục đồng đã mời Thánh gia dọn tới nhà để ở với họ rồi vì chúng ta biết rằng dân tộc Israel có một truyền thống hiếu khách. Thêm nữa khi các nhà chiêm tinh theo ngôi sao dẫn đường tới nơi Chúa ở, “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a”(Mt 2,11). Xin nhấn mạnh ở đây, các ngài đã đi vào nhà và thấy Hài Nhi Giê-su và mẹ Ngài. [4]

Kết quả từ những nghiên cứu Kinh Thánh làm phong phú thêm những hiểu biết của chúng ta về biến cố Chúa Giáng Sinh và củng cố thêm lòng kính mến của chúng ta với mầu nhiệm Chúa Giáng Thế: Ngài đã tự hạ mình, sinh xuống trần trong máng cỏ giữa đàn chiên bò vây quanh. Chúa giáng sinh dù nơi hang đá lạnh lẽo hay trong nhà của một người họ hàng nào đó cũng là minh chứng cho một tình yêu không bờ bến của Thiên Chúa đối với con người.

[1] Chiu, José Enrique Aguilar  (Editor) and others: The Paulist Biblical Commentary, Paulist Press, New Jersey (2018) trang1041.
[2] Durken, Daniel OSB: New Collegeville Bible Commentary. Liturgical Press, Minnesota (2017), trang 1112.
[3] Gardenz, Pablo T.: The Gospel of Luke, Baker Academic Press, Grand Rapids, Michigan (2018).
[4] Bailey, Kenneth E.: Jesus Through Middle Eastern Eyes, InterVarsity Press, Downers Grove, IL (2008)
---------------------------------------------------
Tham khảo:
https://aleteia.org/2017/12/21/the-real-reason-why-there-was-no-room-at-the-inn/  by Philip Koslosk
https://www.ucg.org/the-good-news/was-there-really-no-room-in-the-inn by Mario SeiglieTom Robinson
https://www.catholicdoors.com/faq/qu666.htm Understanding the Bible Verse “there was no room in the inn” (Lk. 2,7)
https://www.patheos.com/blogs/religionprof/2008/06/review-of-kenneth-e-bailey-jesus-through-middle-eastern-eyes.html

Luke Khổng Quang

Tác giả: Luke Khổng Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ
  • Đang truy cập75
  • Máy chủ tìm kiếm46
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay26,270
  • Tháng hiện tại110,592
  • Tổng lượt truy cập25,707,701

Chúng tôi trên mạng xã hội

Ngày này năm xưa
Tết nguyên đán
Kính Thánh Phanxicô Assidi
  • Nội dung 1

  • Nội dung 2

  • Nội dung 3

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây