ĐỀ TÀI TĨNH TÂM LINH MỤC
THÁNG 10.2024
----------------------
CÁC PHƯƠNG THẾ MỤC VỤ KHẢ THI VÀ CỤ THỂ GIÚP CÁC “THÀNH PHẦN ĐẶC BIỆT” (RỐI HÔN PHỐI, NGHÈO TÚNG, ÍT HỌC, DI DÂN, BỆNH HOẠN, TÂN TÒNG…) THAM GIA VÀO NHỊP SỐNG ĐỨC TIN CỦA CỘNG ĐOÀN
Năm 2024 giáo phận Qui Nhơn chọn chủ đề : “Cùng nhau đi làm vườn nho Chúa”, (Mt 20,1-16), với ước muốn mọi thành phần dân Chúa đều cộng tác với nhau trong đời sống cộng đoàn. Đề tài thuyết trình của tháng 10 này hướng đến việc chăm sóc mục vụ đối với những người thuộc thành phần đặc biệt, giúp họ tham gia vào nhịp sống đức tin của cộng đoàn, cụ thể là tham gia vào các hoạt động trong giáo xứ.
Trong lịch sử Kinh Thánh, chúng ta thấy các thành phần đặc biệt nêu trên đều có từ Cựu Ước đến Tân Ước. Những thành phần này vẫn được Thiên Chúa yêu thương. Tin Mừng thuật lại một số hành động tiêu biểu mà Đức Giêsu đã làm cho những thành phần đặc biệt trong xã hội Israel. Ngài quan tâm đến họ, chăm sóc mục vụ cho họ : Chọn Lêvi, người thu thuế tội lỗi (Mc 2,13-17), cứu người phụ nữ ngoại tình (Ga 8, 1-10), chữa lành người câm điếc (Mc 7,31-37), chữa người bất toại (Mc 2,1-12), chữa người bị quỷ ám (Mt 15,22-28), chữa lành người phong cùi (Lc 17,11-18), người Samaritanô nhân hậu (Lc 10, 29-37)… Không những Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật phần xác cho họ, mà còn chữa lành tâm hồn, mang lại cho họ sự bình an và hòa nhập với cộng đoàn. Như vậy, với chủ đề này, trách nhiệm của người mục tử trong giáo xứ noi gương Chúa Giêsu, cũng phải chăm sóc cho đoàn chiên của mình, cách riêng đối với những thành phần đặc biệt, và giúp cho họ được tham gia vào đời sống đức tin của cộng đoàn.
Ở đây chúng ta nói đến hai trường hợp thành phần đặc biệt : Rối hôn phối và các thành phần còn lại, dựa trên Kinh Thánh và các Giáo huấn của Giáo Hội.
I. RỐI HÔN PHỐI:
Các trường hợp sau đây thường đã xảy ra trong giáo xứ : Ly dị và tái hôn, hôn nhân không bí tích, hôn nhân hỗn hợp và hôn nhân chưa bí tích.
1. Ly dị và tái hôn :
+ Ly dị : là tình trạng của đôi vợ chồng không thể sống chung với nhau, và họ đã ra tòa ly dị. Đó là hậu quả của một tình yêu không trưởng thành và cuộc sống thiếu quan tâm chia sẻ trong đời sống vợ chồng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết : “Có một sự bất ổn và con số càng ngày càng tăng các vụ ly dị, là điều rất đáng lo ngại cho Giáo hội. Do đó, trọng trách mục vụ hàng đầu của người Mục tử đối với các gia đình là củng cố tình yêu và giúp chữa lành các vết thương, để chúng ta có thể ngăn chặn sự lây lan của thảm kịch này trong thời đại của chúng ta. (TH Amoris Laetitia, số 246).
+ Tái hôn : Những người sau khi ly hôn, họ đã kết hôn một lần nữa, hy vọng làm lại cuộc đời. Có những người thành công nhưng cũng không ít người thất bại. Quan điểm và lập trường của Giáo Hội như thế nào ? Theo Tông huấn Familiaris Consortio, số 84 của Thánh Gioan Phaolô II: “Vì là một lỗi lầm trầm trọng vi phạm luật hôn nhân bất khả phân ly của Thiên Chúa, Giáo hội không thể bỏ rơi những đối tượng này. Quả thật, họ là những kẻ đáng thương vẫn cần sự chăm sóc của Giáo hội. Tuy họ không được chịu các bí tích, nhưng Giáo hội vẫn làm sao “để họ không cảm thấy mình bị gạt ra khỏi Giáo hội, và cầu mong để họ nhận được ơn hoán cải và cứu rỗi nơi Thiên Chúa”.
2. Hôn nhân không bí tích : Hôn nhân giữa một người Công giáo và một người chưa được rửa tội. Nếu họ muốn kết hôn thành sự, thì phải được phép chuẩn hôn nhân khác đạo, mới kết hôn thành sự.
3. Hôn nhân hỗn hợp : là một người Công giáo và một người đã được rửa tội, nhưng ở ngoài giáo hội Công giáo. Theo giáo luật hiện hành, hôn phối hỗn hợp chỉ là điều bị cấm (GL 1124), nhưng không còn là một ngăn trở tiêu hôn (làm cho hôn phối bất thành). Muốn kết hôn hợp pháp thì phải xin Đấng Bản quyền sở tại.
Đề xuất phương thế mục vụ :
- Cha xứ cần tiếp đón và gần gũi những gia đình trong các tình trạng nêu trên. Theo tinh thần Tông Huấn Amoris Laetitia, Giáo Hội là bệnh viện dã chiến, việc đầu tiên là đón tiếp họ với tinh thần sẵn sàng và ứng trực 24/24, đón tiếp mọi người với tinh thần yêu thương và phục vụ.
- Đối với những người ly hôn : “phải làm cho họ thấy có thể sống và trưởng thành như những thành viên sống động trong Hội thánh, cảm thấy Hội thánh như một người mẹ luôn luôn đón nhận họ, ân cần trìu mến chăm sóc họ, và khích lệ họ trên hành trình cuộc sống và Tin mừng”. (TH Amoris Laetitia, số 299).
- Cha xứ dành nhiều thời gian để lắng nghe họ và cha mẹ bên không Công giáo. Kinh nghiệm cho thấy thái độ đón tiếp thân tình, tinh thần đối thoại và sự kiên nhẫn giảng giải giúp giải tỏa được rất nhiều ngộ nhận, và đôi khi bên ngoại giáo tự nguyện đón nhận đức tin. Cha xứ tránh áp đặt buộc người bên không Công giáo phải đi học giáo lý, nên hẹn đôi bạn một số giờ để giải thích về hôn nhân, nghĩa vụ vợ chồng và sinh sản giáo dục con cái.
- Cha xứ tôn trọng về việc coi ngày cưới của bên lương, không nên cho họ là mê tín dị đoan, nhưng phải tôn trọng trong chừng mực nào đó, trong tinh thần tự do tín ngưỡng, sao cho việc cử hành hôn nhân diễn ra hợp luật vừa không xúc phạm đến niềm tin của họ.
- Cha xứ khi cử hành hôn phối hôn nhân hỗn hợp phải xem Phép Rửa tội bên không công giáo có được Hội thánh chấp nhận hay không ? Nếu không thì phải trình bày với Đấng Bản Quyền (Đức Giám Mục), để được sự hướng dẫn cụ thể.
- Cha xứ lắng nghe – cảm thông : Vai trò người mục tử là lắng nghe sự lo âu và xao xuyến của họ, để giúp họ sống tốt hơn (TH Amoris Laetitia, số 14).
- Cha xứ đồng hành : Sự đồng hành rất quan trọng, giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt hòa nhập với cộng đoàn. Chúa Thánh Thần sẽ dạy chúng ta biết cởi dép đứng trên đất thiêng liêng của người khác (TH Amoris Laetitia, số 16).
- Giúp chữa lành và khích lệ tăng trưởng trong đời sống ki tô giáo.
- Hội nhập : các cha xứ có những sáng kiến giúp họ, làm sao cho họ thấy mình vẫn thuộc về Giáo Hội. Tránh gương mù, gương xấu cho người khác.
- Cha xứ nên dùng tài năng, nghề nghiệp của những người ở trong tình trạng này, để khuyến khích họ làm các công việc trong giáo xứ mà họ có khả năng (xây dựng, hay công việc của các ngành nghề họ đã làm…), để họ cảm thấy gần gũi, cảm thấy mình có khả năng giúp ích trong cộng đoàn giáo xứ, “để họ không cảm thấy bị gạt ra khỏi Giáo hội, và cầu mong cho họ nhận được ơn hoán cải và cứu rỗi nơi Thiên Chúa” (Tông huấn Familiaris Consortio, số 84).
- Cha xứ biết rõ : “Những người ly dị và tái hôn không bị tách rời khỏi Giáo hội, nhưng không thể rước lễ, hãy khuyên họ sống đời sống Kitô hữu của mình bằng cách giáo dục con cái trong đời sống đức tin. Dù không được rước lễ, nhưng họ nên đi lễ mỗi tuần, vì ơn Chúa ban cho họ bằng nhiều cách (Sách Giáo lý Hội thánh Công Giáo số 1665)
- Trước đây, giáo hạt Phú Yên có dành ngày Chúa Nhật thứ 2 Phục sinh để qui tụ các gia đình đã kết hôn một người Công giáo với một người tân tòng, hoặc một người công giáo với một người không Công giáo (đã được phép chuẩn hôn nhân khác đạo), để gặp gỡ, chia sẻ, nói lên những điều mình mong muốn khi đã theo đạo và cử hành hôn nhân với người Công giáo. Sau đó, tất cả dùng cơm chung với nhau trong tình huynh đệ. Điều này làm cho tinh thần các đôi hôn phối lên tinh thần rất cao, và giúp họ sống đạo tốt hơn.
- Các giáo xứ thường tổ chức kỷ niệm hôn phối cho các gia đình đã thành hôn 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm…Hiện nay, mỗi ngày 15 hàng tháng, giáo xứ Tuy Hòa tổ chức thánh lễ cầu cho các đôi hôn phối có kỷ niệm hôn phối giáp tháng, giúp cho các gia đình Công giáo ổn định cuộc sống hôn nhân, hàn gắn những vết thương bị rạn nứt trong gia đình, và qua đó, được thêm ơn Chúa trong dịp lễ này.
II. NGHÈO TÚNG, ÍT HỌC, DI DÂN, BỆNH HOẠN, TÂN TÒNG…
Các vấn đề này cho ta nhìn thấy những người ở tình trạng trên luôn là những người nghèo trong cuộc sống. Vì nghèo nên ít học, di dân (đi và đến nơi khác), mang bệnh tật trong mình, và những anh chị em tân tòng gặp khó khăn trong đời sống đức tin.
Kinh thánh Cựu ước với chủ đề : “Ưu tiên lựa chọn người nghèo” được truyền đạt cách mạnh mẽ nơi cách ngôn sứ. Trong Tân ước, Tin mừng Matthêu: “Mỗi khi các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40 ).
Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và hy vọng): “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Đức Kitô (GS, số 1).
Về mục vụ giáo lý cho những người có hoàn cảnh đặc biệt, sách “Hướng dẫn đại cương về việc dạy giáo lý” năm 1997, số 189, Bộ Giáo sĩ nói rõ : “ Tuy những anh chị em có hoàn cảnh đặc biệt là những con người tàn tật về thể lý và tinh thần, những người đau khổ, nhưng họ là những người được Thiên Chúa yêu thương đặc biệt, họ có quyền đón nhận một thứ giáo huấn thích hợp. Hơn nữa, tình yêu của Chúa Cha đối với những người con ốm yếu đó, và sự thường hằng của Chúa Giêsu và Thánh Thần của Người, khẳng định rằng mọi người đều có khả năng lớn lên trong sự thánh thiện, cho dẫu có khiếm khuyết bất toàn”.
Thực tế chúng ta nhìn thấy người nghèo luôn là những nạn nhân của sự phân biệt đối xử, kỳ thị và bất công, bị loại ra bên lề xã hội và không còn tiếng nói trong cộng đồng. Năm 2013, khi vừa có kết quả bầu cử Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Claudio Hummes đã ôm hôn chúc mừng và nhắc nhở người bạn chí thân của mình đắc cử : “Đừng quên người nghèo khó nhé”. Từ đó hình ảnh về một “Giáo hội nghèo và cho người nghèo” luôn nằm trong tâm trí con đường mục vụ của ĐGH Phanxicô.
Giáo hội của người nghèo, điều này thể hiện tinh thần đời sống Phúc Âm, theo lời dạy và hình mẫu của Chúa Giêsu Kitô, Người nhấn mạnh việc chăm sóc cho người nghèo và đấu tranh cho công bằng xã hội. Những điều này đã được Tin Mừng diễn tả trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu (Lc 10,30-37). Chúa Giêsu dạy chúng ta nên tỏ lòng thương xót và giúp đỡ những người đang đau khổ, bất kể xuất thân hay địa vị xã hội của họ, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc yêu thương người lân cận như chính mình.
Trong mỗi giáo xứ, chắc chắn không thiếu những thành phần nghèo túng, ít học, di dân, bệnh hoạn, tân tòng v.v…, việc chăm sóc mục vụ, giúp họ hòa nhập vào đời sống đức tin với cộng đoàn không phải là luôn dễ dàng. Tuy vậy, với ơn Chúa và sự khôn ngoan của người mục tử, các cha giúp cho họ tùy hoàn cảnh của họ, để họ tham gia những công việc trong giáo xứ, giúp họ bớt đi những mặc cảm, và cho họ thấy mỗi người là một người con của Thiên Chúa, có trách nhiệm và bổn phận trong giáo xứ.
Đề xuất phương thế mục vụ :
- Họ cần đến tình thương của cha sở đang phục vụ tại giáo xứ : hỏi thăm, ân cần, lắng nghe khi họ gặp được cha sở trong những dịp mà họ có thể gặp được.
- Cho họ có một công việc trong giáo xứ : Với những khả năng, họ có thể giúp được cho giáo xứ : Đóng góp công sức, phát huy những sở trường của họ, để thêm sự phong phú cho giáo xứ.
- Trong những dịp bác ái chia sẻ, nên ưu tiên cho họ trước tiên, vì niềm vui nhận họ được là sự quan tâm của cộng đoàn giáo xứ và cha sở.
- Quan tâm đến những người già cả, bệnh tật giáo xứ: Giải tội, đem Mình thánh Chúa cho họ hàng tuần, hoặc tháng tùy theo hoàn cảnh thuận tiện.
- Tham khảo những sáng kiến của các cha xứ đã và đang làm mục vụ chăm sóc cho những thành phần đặc biệt này trong giáo xứ của mình.
Kết luận :
Trong bài giảng thánh lễ Dầu ngày 17.04.2014, ĐGH Phanxicô đã nói : “Tính sẵn sàng của các linh mục làm cho Hội thánh trở thành một ngôi nhà mở rộng cửa, nơi nương tựa cho các tội nhân, là nơi cư ngụ cho những người sống ở đường phố, là nơi chăm sóc yêu thương cho bệnh nhân, là lều trại cho người trẻ… Linh mục là người biết lắng nghe và cảm nhận mệnh lệnh yêu thương từ Đức Kitô, Đấng đã sai linh mục đến để xoa dịu và đáp ứng những nhu cầu đó với lòng thương xót, hoặc đến để khuyến khích những mong muốn tốt đẹp với đức mến dồi dào trong họ”.
Trong Tuần thường huấn linh mục giáo phận Qui Nhơn cuối tháng 9 vừa qua với chủ đề “Pastores dabo vobis”, Đức giám mục đã nói : “Linh mục trở thành những người luôn vui vẻ đón tiếp mọi người, bằng việc lắng nghe họ và bày tỏ cho họ một mối thiện cảm nào đó, thì nhờ việc đào tạo thiêng liêng, linh mục trở nên như Chúa Giêsu Mục tử, có khả năng giúp họ ngắm nhìn Thiên Chúa và tiến về phía Thiên Chúa” (Thường huấn linh mục gp Qui Nhơn năm 2024, trang 18).
Việc chăm sóc mục vụ đối với thành phần đặc biệt trong giáo xứ không phải lúc nào cũng dễ dàng , nhưng với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, chắc chắn người mục tử sẽ nhận ra hình ảnh của Chúa trong họ, để giúp họ tham gia và hòa nhịp với đời sống cộng đoàn trong giáo xứ.
Gợi ý thảo luận : Với kinh nghiệm mục vụ những năm qua tại giáo xứ, Cha có thể chia sẻ những thực tế và trải nghiệm, để anh em Linh mục có thể làm mục vụ chăm sóc cho những thành phần đặc biệt nêu trên được nhiều kết quả tốt hơn.