Ý nghĩa, thực hành, hiệp thông và cầu nguyện trong ngày lễ Các Thánh
G-Vương, G. Võ Tá Hoàng
2024-10-31T06:11:03-04:00
2024-10-31T06:11:03-04:00
https://gpquinhon.net/suy-niem/y-nghia-thuc-hanh-hiep-thong-va-cau-nguyen-trong-ngay-le-cac-thanh-6359.html
https://gpquinhon.net/uploads/news/2024/1730369441.jpg
Giáo phận Qui Nhơn
https://gpquinhon.net/uploads/banertrongsuot.png
Thứ năm - 31/10/2024 06:07
Lễ Các Thánh được cử hành vào ngày 1 tháng 11 hàng năm là ngày lễ quan trọng trong phụng vụ Kitô giáo. Lễ này nhằm tôn vinh các thánh, những con người của mọi thời đại đã đi qua cuộc đời trần gian bằng những hy sinh trỗi vượt, đang sống trong sự thánh thiện và hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa trên thiên đàng.
1. Sơ lược lịch sử
Thế kỷ thứ 4: Việc kính nhớ các thánh tử đạo bắt đầu từ rất sớm trong lịch sử Kitô giáo, đặc biệt tại Antiôkia nơi các môn đệ đầu tiên được gọi là Kitô hữu (Cv 11,26). Thánh Ephrem người Syria (khoảng 306-373) đã đề cập đến một ngày lễ dành cho tất cả các thánh tử đạo trong một bài giảng của ngài.
Thế kỷ thứ 7: Dưới triều đại của Giáo hoàng Boniface IV (608-615), lễ Các Thánh được tổ chức vào ngày 13 tháng 5 năm 610 khi ngài thánh hiến Đền Pantheon ở Rôma, từ đền thờ ngoại giáo trở thành đền thờ của Kitô giáo, để kính nhớ Đức Maria và tất cả các thánh tử đạo[1].
Thế kỷ thứ 8: Giáo hoàng Gregorio III (731-741) đã dời ngày lễ Các Thánh sang ngày 1 tháng 11 và thánh hiến một nhà nguyện trong đền thờ Thánh Phêrô để kính nhớ tất cả các thánh. Giáo hoàng Gregorio IV (827-844) đã chính thức ấn định ngày 1 tháng 11 là ngày lễ Các Thánh trong toàn Giáo hội Tây phương và tuyên bố đây là lễ buộc[2].
Thế kỷ thứ 9: Lễ Các Thánh đã trở thành một ngày lễ chính thức trong lịch phụng vụ của Giáo hội Công giáo Rôma.
Thế kỷ 15 : Tuần Bát nhật mừng Lễ Các Thánh đã được Đức Giáo hoàng Sixtus IV (1471-1484) thêm vào như một phần của lịch Giáo hội cho đến khi bị bãi bỏ vào năm 1954[3].
Các Giáo hội Đông phương: Trong khi ngày lễ Các Thánh được tổ chức vào ngày 1 tháng 11 trong Giáo hội Công giáo Tây phương, các Giáo hội Chính Thống Đông phương và một số Giáo hội Đông phương khác kỷ niệm lễ này vào Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Ngũ Tuần. Ngày này được gọi là "Chúa Nhật của Các Thánh".
2. Ý Nghĩa và Thực Hành
Các thánh không chỉ là những nhân vật lịch sử xa xưa, họ là những người đã sống như chúng ta, với những thử thách, đau khổ và niềm vui. Các thánh đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa bằng cách sống theo ý Ngài và noi gương Chúa Giêsu. Vì lý do đó, lễ này nhằm mục đích tôn vinh tất cả các thánh đang hưởng vinh quang Thiên Đàng, bao gồm cả những người chưa được biết đến.
Lễ Các Thánh còn nhắc nhở các tín hữu lời mời gọi của Chúa Kitô : “Anh em hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5, 48).
May thay, trên con đường trở nên trọn lành như Cha trên trời, chúng ta có hàng hàng lớp lớp những chứng nhân trỗi vượt về đức tin, lòng nhân ái, và sự thánh thiện làm mẫu gương cho chúng ta:
- Kiên trì trong đức tin: Các thánh luôn có một đức tin mạnh mẽ và vững vàng vào Thiên Chúa. Người Kitô hữu có thể noi gương bằng cách đặt niềm tin vào Thiên Chúa, tin tưởng vào sự hướng dẫn và sự quan phòng của Ngài trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
- Cầu nguyện: Các thánh thường dành nhiều thời gian để cầu nguyện và suy niệm lời Chúa. Người Kitô hữu có thể noi gương bằng cách dành thời gian mỗi ngày để cầu nguyện, đọc Kinh Thánh và suy niệm về những lời dạy của Chúa.
- Sống đức ái: Nhiều thánh đã hiến dâng cuộc đời mình để phục vụ người khác, đặc biệt là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. Người Kitô hữu có thể noi gương bằng cách thực hành lòng bác ái, yêu thương và giúp đỡ người khác, nhất là những người gặp khó khăn.
- Thực hành các nhân đức: Các thánh sống một cuộc đời đầy những nhân đức như khiêm nhường, kiên nhẫn, và tha thứ. Người Kitô hữu có thể noi gương bằng cách cố gắng thực hành các nhân đức này trong cuộc sống hàng ngày, đối xử tốt với mọi người và luôn giữ lòng khiêm nhường.
- Tìm kiếm sự thánh thiện: Mục tiêu của các thánh là đạt được sự thánh thiện và gần gũi với Thiên Chúa. Người Kitô hữu có thể noi gương bằng cách sống một cuộc đời hướng về sự thánh thiện, luôn cố gắng hoàn thiện bản thân và sống theo lời Chúa dạy.
3. Hiệp Thông và Cầu Nguyện
Trong ngày lễ này, chúng ta không chỉ tưởng nhớ các thánh mà còn cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục. Cả hai ngày lễ nhấn mạnh đến sự hiệp thông giữa các Hội thánh vô hình và hữu hình bao gồm: Hội Thánh Khải Hoàn (các thánh trên thiên đàng), Hội Thánh Lữ Hành (các tín hữu đang sống trên trần gian), và Hội Thánh Đau Khổ (các linh hồn trong luyện ngục). Điều này củng cố niềm tin rằng tất cả các tín hữu, dù sống hay đã qua đời, đều liên kết với nhau trong Đức Kitô. Đây là một phần quan trọng trong niềm tin Công giáo của chúng ta.
Bởi vậy, hãy dành thời gian cầu nguyện cho những người đã khuất, đặc biệt là những người thân yêu của chúng ta. Lời cầu nguyện của chúng ta có thể giúp họ nhanh chóng đạt được sự thanh luyện để bước vào đời sống viên mãn với Thiên Chúa.
Như vậy, lễ Các Thánh và lễ Các Đẳng Linh Hồn không chỉ là hai ngày lễ quan trọng trong phụng vụ Công giáo mà còn có mối liên hệ chặt chẽ, tạo nên một thời gian đặc biệt để người tín hữu tưởng nhớ, tôn vinh và cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh trong tình yêu và sự hiệp thông với Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết noi gương các thánh trong đức tin, lòng yêu thương và sự phục vụ. Xin ban cho chúng con niềm hy vọng vào sự sống đời đời và giúp chúng con sống mỗi ngày với mục tiêu đạt được sự thánh thiện. Amen.
G. Võ Tá Hoàng
-----------------------------------
[1]https://www.hungarianconservative.com/articles/culture_society/all-saints-feat_catholic-church_martyrs_saints_veneration_example-to-follow/
[2] https://edition.cnn.com/2021/11/01/world/all-saints-day-2021-trnd/index.html
[3] https://www.simplycatholic.com/all-saints-and-all-souls-days/