Nữ y tá Việt Nam từ bỏ chủ nghĩa vô thần để gia nhập đức tin Công Giáo

Thứ hai - 10/03/2025 20:45

Chị Đậu Kiều Giang, mặc đồ trắng, các dự tòng khác và người hướng dẫn của họ,
Nữ tu Têrêsa Hồ Thị Vinh, chụp ảnh bên ngoài Nhà thờ Cam Lộ, Việt Nam,
ngày 25 tháng 2 năm 2025.

Chị Giang, người đã rửa tội cho một bệnh nhi khi còn là một y tá vô thần và là đảng viên,
hiện đang chuẩn bị được rửa tội trong Lễ Vọng Phục Sinh này tại một giáo xứ ở tỉnh Quảng Trị, Việt Nam.

(Ảnh của OSV News/UCA News)

NỮ Y TÁ VIỆT NAM TỪ BỎ CHỦ NGHĨA VÔ THẦN ĐỂ GIA NHẬP ĐỨC TIN CÔNG GIÁO
UCA News và OSV News
March 8, 2025

(OSV News) — Đậu Kiều Giang, người đã rửa tội cho một đứa trẻ khi chị còn là người vô thần và là đảng viên, hiện đang chuẩn bị chịu phép rửa tội trong Lễ Vọng Phục Sinh này tại một giáo xứ ở Quảng Trị, Việt Nam.

Chị Giang, 43 tuổi, lần đầu biết đến Công giáo vào năm 2021 khi đang là trưởng nhóm y tá gồm 14 thành viên chăm sóc bệnh nhân Covid - 19 tại một bệnh viện công ở tỉnh Quảng Bình.

Trong số bệnh nhân được Giang chăm sóc có một bé trai 5 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch tại khu cách ly, xa người thân.

Chị nhớ lại “Ngày nọ, mẹ đứa bé, một người Công giáo, đã cầu xin tôi rửa tội cho con trai đang bị bệnh nặng của bà”. Lucia Vũ Thanh Nhàn, người mẹ, cũng giải thích cách thực hiện - đổ nước lên trán đứa bé, ghi dấu thánh giá và đọc: “(Tên thánh), Ta rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”

Là đảng viên thực thụ vào thời điểm ấy, chị Giang đã thẳng thừng từ chối làm điều đó. Chị nói với UCA News, một cơ quan tin tức Công giáo độc lập đưa tin về Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á: "Tôi nghĩ đó chỉ là mê tín dị đoan, nhưng lòng tôi chùng xuống khi nhìn cậu bé thở khó khăn. Tôi tưởng tượng cậu bé mơ thấy mẹ ngồi bên, an ủi cậu. Vì vậy, tôi quyết định làm theo yêu cầu của người mẹ, hy vọng sẽ mang lại cho đứa trẻ chút bình an.”

Ngay khi cô đổ nước và ghi dấu thánh giá lên trán cậu bé, người giám thị đã bắt chị quả tang.

Giáo Luật quy định khi một thừa tác viên rửa tội thông thường vắng mặt, thì “một giáo lý viên hoặc một người khác được thẩm quyền địa phương chỉ định cho chức năng này, hoặc trong trường hợp cần thiết, bất kỳ người nào có ý định ngay lành, sẽ ban phép rửa tội một cách hợp pháp”.

Tuy nhiên, ban quản lý bệnh viện “cáo buộc tôi lợi dụng chức vụ để truyền bá mê tín dị đoan tại nơi làm việc”. Chị Giang nói: “Họ từ chối lời giải thích rằng tôi làm vậy để an ủi đứa trẻ và cha mẹ của bé”.

Một hành trình thăng trầm

Sau khi đại dịch Covid-19 dịu xuống vào năm 2022, các quan chức đã điều chuyển chị đến một bệnh xá xa xôi gần biên giới Lào, chị cho biết đó là một hình phạt được ngụy trang dưới dạng điều chuyển công tác.

Công việc mới đầy thử thách vì chị phải lái xe máy qua 60 dặm đường núi dốc, hiểm trở để đến nơi làm việc. Chị cũng bị sốt rét nhiều lần.

Chị nói: “Sau vài tháng, tôi không thể chịu được nữa. Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài bỏ việc”.

Sau khi nghỉ việc y tá, chị làm dịch vụ giặt ủi cho một nhà khách ở Đông Hà. Nhưng sau hai tháng không được trả lương, chị lại phải nghỉ việc.

Chị Giang, người có bố mẹ chiến đấu trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cũng đã rời đảng vào năm 2023. Nhà chị có ba anh chị em.

Sau đó, tại một đám cưới, tình cờ chị gặp gia đình của cậu bé mà chị đã rửa tội.

Chị nói: “Thấy hoàn cảnh khó khăn của tôi, họ đã giúp tôi mở một cửa hàng mỹ phẩm nhỏ để kiếm sống”.

Bà Nhàn, người đang điều hành một doanh nghiệp tại Lào, cho biết bà quyết tâm đền đáp những gì chị Giang đã làm cho con trai mình. Bà nói thêm: “Cô ấy đã trải qua rất nhiều điều – sỉ nhục, khó khăn và thậm chí mất việc - tất cả chỉ vì cô ấy đã giúp rửa tội cho con tôi, đứa trẻ đã vượt qua đại dịch nhờ cô ấy”.

“Chúa làm việc cách nhiệm mầu”

Trước đại dịch, cậu bé và cha mẹ sống ở Lào, nơi những người Kitô hữu phải đối mặt với nhiều hạn chế về mặt xã hội và chính phủ. Họ không thể rửa tội cho cậu bé khi còn là trẻ sơ sinh, gia đình cho biết mà không nêu rõ lý do.

Bà Nhàn và chị Giang nhanh chóng trở thành thân quen. Bà Nhàn bắt đầu giải thích về đức tin Công giáo cũng như sự khác biệt giữa Công giáo và các nhóm Kitô giáo khác và hướng dẫn chị thông qua các nguồn tài liệu tôn giáo trực tuyến và phim ảnh Công giáo.

Chị Giang nói: “Tôi quyết định theo đức tin này và bắt đầu tham gia các lớp giáo lý.

Chị Nhàn cho biết gia đình “sẽ ở bên chị trong hành trình này”.


Chị nói thêm: “Chúa làm việc cách nhiệm mầu - Ngài đã sử dụng biến cố này để giúp Giang trải nghiệm đức tin và tìm đến Giáo Hội”. Vào tháng 12 năm 2024, Giang tham gia khóa học kéo dài 5 tháng do các nữ tu địa phương hướng dẫn. Chị học giáo huấn Công giáo, luân lý và lịch sử cứu độ cùng với bốn người dự tòng khác.

Nữ tu Têrêsa Hồ Thị Vinh cho biết Giang “thuộc nhiều kinh và thực sự khao khát đọc Kinh Thánh”.

Bà cũng chỉ ra rằng chị Giang “luôn vui vẻ, tham gia các buổi cầu nguyện, Chầu Thánh Thể tại nhà thờ và có kỹ năng làm việc với người khác để giúp đỡ những người gặp khó khăn”.

Trải nghiệm sự hiện diện của Chúa

Chị Giang đã chọn bà Nhàn làm mẹ đỡ đầu rửa tội cho mình vào lễ Vọng Phục Sinh Năm Thánh tại Giáo xứ Cam Lộ.

Giang cho biết lòng quảng đại của những người Công giáo, những người đã chào đón chị nồng nhiệt và hỗ trợ chị cả về mặt tài chính lẫn tinh thần, đã “làm chị xúc động”.

 Chị nói: “Họ dạy tôi rằng giúp đỡ người đang gặp khó khăn cũng giống như giúp đỡ Chúa vậy”.

“Tôi đã trải nghiệm đức tin là sự hiện diện của Thiên Chúa trong trái tim tôi. Ngài hướng dẫn tôi thực hành sự tử tế, tha thứ và sống trong hòa bình”.

Chị nói: “Tôi cảm thấy như Chúa đang bước đi bên cạnh tôi. Đó là quyết định tốt nhất của tôi -  sống đức tin theo cách của riêng tôi” .

Chị tự tin nói thêm: “Tôi tin rằng nếu Chúa đã dẫn dắt tôi đến với Giáo Hội của Ngài, Ngài cũng sẽ tìm cách để đưa gia đình tôi đến gần Ngài hơn”.

 

Tác giả: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Nguồn tin: https://www.oursundayvisitor.com

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây