Chương trình mục vụ giáo phận, năm Phụng vụ 2024 - 2025

Thứ ba - 26/11/2024 05:00

HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO PHẬN QUI NHƠN
 

CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ GIÁO PHẬN - NĂM 2024 – 2025
Chủ đề: “ANH EM RA ĐI, SINH ĐƯỢC HOA TRÁI” (x. Ga 15, 16)

 

Kính gởi:

- Cha Tổng đại diện
- quí Cha hạt trưởng
- quí Cha, quí Tu Sĩ nam nữ, Chủng Sinh
- và tất cả Anh Chị Em trong giáo phận

Chương trình mục vụ của giáo phận Qui Nhơn trong năm phụng vụ 2024 – 2025 đặt nền tảng trên năm SỨ VỤ của tiến trình hiệp hành, năm mà mọi thành phần dân Chúa sẽ chú tâm và thực hiện cách cụ thể sứ mạng truyền giáo của mình.

Nguồn sức mạnh của năm SỨ VỤ này sẽ được kín múc từ ân huệ Năm Thánh của Giáo Hội hoàn vũ: “Những người hành hương trong hy vọng”. Chỉ có Chúa mới làm cho công việc truyền giáo của giáo phận sinh được hoa trái. Tuy nhiên Chúa cần sự cộng tác của mỗi Kitô hữu, của từng hội đoàn, từng ủy ban trong giáo phận cho công cuộc của Ngài hầu chúng ta ra đi và sinh được hoa trái.

Trên ý nghĩa đó, cũng như theo hướng dẫn của thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam (20.09.2024), Hội đồng Mục vụ giáo phận đã đề ra chương trình mục vụ cho toàn thể giáo phận qua cuộc họp mặt ngày 19.11.2024.

I. CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ

1. ÂN HUỆ NỀN TẢNG CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO

1.1.Từ lời cầu nguyện

• Để mang tính đồng bộ và thiêng liêng, trong năm này, tất cả các giáo xứ, các giáo họ biệt lập, các cộng đoàn, sau thánh lễ (liền sau bài hát kết lễ) cộng đoàn quỳ xuống đọc một kinh Lạy Cha cầu nguyện cho việc truyền giáo.

• Trong Năm Thánh, các giáo xứ, cộng đoàn dòng tu, chủng viện, tổ chức và thực hiện những cuộc hành hương (cần đi đến những điểm hành hương bên ngoài địa phương của mình và đã được giáo phận ấn định) với mục đích cầu nguyện, vừa nhận lãnh sức mạnh nội tâm, vừa hướng đến việc truyền giáo, theo gương các bậc tiền nhân và các nhà truyền giáo.

• Những nơi hành hương thuộc giáo phận Qui Nhơn trong Năm Thánh:

+ Giáo hạt Quảng Ngãi: Nhà thờ Châu Ổ, nhà thờ Quảng Ngãi; và các điểm: An Chỉ, Bàu Gốc, Long Giang, mộ tử đạo Phú Hoà, mộ tử đạo Thiên Lộc, mộ tử đạo Vạn Lộc (Cù Và), mộ tử đạo Phước Thọ (Cù Và), mộ tử đạo An Hội (Quảng Ngãi).

+ Giáo hạt Bồng Sơn: Nhà thờ Phù Mỹ, nhà thờ Đại Bình và các điểm: mộ tử đạo Gia Hựu, mộ tử đạo Nước Nhỉ, mộ tử đạo Thác Đá Thượng, mộ tử đạo Thác Đá Hạ, mộ tử đạo Đức Long (Gia Chiểu).

+ Giáo hạt Kim Châu: Nhà thờ Kim Châu, nhà thờ Kỳ Bương và mộ tử đạo Cù Lâm.

+ Giáo hạt Gò Thị: Nhà thờ Gò Thị, nhà thờ Vĩnh Thạnh và các điểm: Nước Mặn, Làng Sông, mộ Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông, đài Thánh Stêphanô Thể, mộ tử đạo Xóm Chuối (Hoà Bình), mộ tử đạo Nam Bình.

+ Giáo hạt Qui Nhơn: Nhà thờ Chính Toà, nhà thờ Ngọc Thạnh và các điểm: Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng, núi Xuân Vân (Qui Hoà).

+ Giáo hạt Mằng Lăng: Nhà thờ Mằng Lăng, nhà thờ Đồng Tre và các điểm: mộ tử đạo Trà Kê, mộ tử đạo Bến Buôn (Suối Ré), mộ tử đạo Gò Chung.

+ Giáo hạt Tuy Hoà: Nhà thờ Tuy Hoà, nhà thờ Sông Hinh và các điểm: núi Đức Mẹ Hoà Bình, mộ tử đạo Hóc Gáo, Đức Mẹ Mả Vôi (Tịnh Sơn).

1.2. Từ các Bí Tích và Á Bí tích

• Hoa trái của việc truyền giáo, của tinh thần đại kết, đối thoại liên tôn gắn liền với sự hoán cải nội tâm, nên các Kitô hữu được mời gọi đến với bí tích Hòa giải tại giáo xứ cách thường xuyên hơn, và nhất là tại các điểm hành hương trong Năm Thánh, các linh mục và những người đặc trách việc hành hương tạo điều kiện để các tín hữu lãnh nhận bí tích hòa giải cách sốt sắng và ý nghĩa.

• Việc truyền giáo chỉ có thể được thực hiện và sinh hoa trái nếu các Kitô hữu thường xuyên sống thân tình với Chúa Giêsu Thánh Thể qua việc năng dự Thánh Lễ và rước lễ. Vì chỉ như vậy họ mới nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trong mọi công việc, nhất là việc tông đồ và tìm cách loan truyền sự hiện diện yêu thương đó trong đời sống.

• Trong Năm Thánh, các giáo xứ, các giáo họ biệt lập chọn giờ thích hợp của ngày cố định trong mỗi tháng để cử hành Chầu Thánh Thể, nhằm cầu nguyện cho Năm Thánh và cũng nhằm củng cố lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu, đích điểm của việc truyền giáo.

2. TRUYỀN GIÁO QUA CHỨNG TÁ ĐỨC TIN TRONG ĐỜI SỐNG

2.1. Chứng tá trong gia đình, cộng đoàn

2.1.1. Trong gia đình

• Trong gia đình, các thành viên sống yêu thương, hòa thuận và quan tâm nhau là dấu chỉ và phương thế để giới thiệu nét đẹp đời sống Kitô hữu cho người khác; là lời rao giảng mạnh mẽ về đức tin của mình.

• Việc truyền giáo khởi đi từ những liên hệ trong đời thường, từ những giá trị nhân bản, nhân văn trong cuộc sống. Vì vậy trong tương quan với những anh chị em thuộc các tôn giáo khác, bằng sự tôn trọng, các Kitô hữu sống thân thiện, thể hiện tình tương thân tương ái, tinh thần đối thoại và giúp nhau cùng phát triển.

2.1.2. Trong cộng đoàn

• Các hội đoàn như Legio Mariae, Hiền Mẫu, Hiền Phụ… trong giáo xứ nỗ lực hơn nữa trong việc truyền giáo và tái truyền giáo qua việc thăm viếng, an ủi những người già yếu, neo đơn, bệnh tật không phân biệt lương hay giáo; bên cạnh đó tìm cách gặp gỡ và khuyên nhủ những Kitô hữu nguội lạnh, những người ở trong tình trạng rối hôn nhân hoặc hôn nhân khác đạo để giúp họ dần hòa nhập với đời sống đạo trong cộng đoàn.

• Các đoàn thể trong giáo xứ cần cộng tác với nhau bằng sự khiêm nhường và tôn trọng để hỗ trợ lẫn nhau trong việc phục vụ anh chị em, phục vụ giáo xứ; tránh những ganh tị, những chia rẽ, những gương mù gương xấu ảnh hưởng tiêu cực đến việc truyền giáo trong giáo xứ.

• Vai trò của các Cha sở ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của giáo xứ và thành quả việc truyền giáo. Các ngài là chỗ dựa, là động lực để các kitô hữu, các hội đoàn hiệp nhất và phối hợp nhịp nhàng, năng động trong việc thực thi sứ mạng của mình, trên tinh thần phục vụ hy sinh.

• Giúp đỡ vật chất trong đời sống (việc từ thiện, chương trình Caritas…) cũng là những phương thế để gần gũi và chia sẻ niềm vui Tin mừng cho anh chị em chưa nhận biết Chúa. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm trong những hoạt động này (các linh mục chính xứ, các linh mục các ban liên quan, các Kitô hữu) cần liên hệ với nhau để dễ dàng thực hiện, nhất là để cho những người được giúp đỡ ý thức và nhận ra ân ban của Thiên Chúa qua những quà tặng đó.

2.2. Chứng tá trong môi trường làm việc

• Truyền giáo qua cách sống gương mẫu trong môi trường làm việc cũng là một phương thế mà Giáo hội muốn con cái mình ý thức và cụ thể hóa trong thời đại hôm nay. Vì thế, những Kitô hữu đảm trách những công việc mang tính đặc thù trong ngành y, ngành giáo dục…biết mạnh dạn, cởi mở và khéo léo trong việc thể hiện niềm tin Công giáo, trình bày các giá trị luân lý Kitô giáo.

• Cần những ngày họp mặt, tĩnh tâm cho những người làm việc trong ngành y, ngành giáo dục, để họ thấm nhuần, hun đúc niềm tin và lòng nhiệt thành trong việc sống đạo và việc truyền giáo khi phải sống trong môi trường đầy những cám dỗ, cạm bẫy của xã hội hôm nay.

3. TRUYỀN GIÁO QUA VIỆC GIẢNG DẠY, ĐỒNG HÀNH

3.1. Cho các học sinh giáo lý

• Giới trẻ là tương lai của Giáo hội và xã hội, là thành phần nòng cốt tiếp nối dòng chảy đức tin và sứ mạng truyền giáo, nên việc giáo dục đức tin cho con em phải được quan tâm và ưu tiên hàng đầu tại các giáo xứ.

+ Việc giáo dục đức tin không chỉ dừng lại ở kiến thức giáo lý, nhưng còn hướng đến những thực hành giúp các em sống bác ái, có tinh thần phục vụ và tham gia phụng vụ cách ý thức để các em trở thành những Kitô hữu trưởng thành, đảm trách được bổn phận của mình trong thế giới hôm nay.

+ Cần sự cảm thông, sự liên lạc chặt chẽ giữa giáo xứ và gia đình, giữa giáo lý viên và phụ huynh để đôn đốc, khuyến khích và có những biện pháp hợp lý giúp các em ý thức được tầm quan trọng của việc học giáo lý.

3.2. Cho các Giáo lý viên

• Tại các giáo xứ, cần đào tạo một đội ngũ giáo lý viên tương đối tốt về chất lượng và số lượng phù hợp với hoàn cảnh mỗi giáo xứ, để cộng tác cách đắc lực trong việc truyền giáo qua việc giảng dạy giáo lý của mình.

• Các giáo lý viên của các giáo xứ sẵn sàng tham gia những khóa đào tạo tại các giáo hạt, hoặc một nhóm các giáo xứ lân cận do các ủy ban liên quan tổ chức, để giúp các anh chị về phương pháp sư phạm giáo lý, những kiến thức về Kinh Thánh, tín lý, sinh hoạt…

• Các Cha sở cũng tìm thời gian thích hợp tại giáo xứ của mình để tổ chức những khóa học dài hạn nhằm bồi dưỡng những kiến thức cần thiết cho các giáo lý viên.

3.3. Cho các dự tòng và tân tòng

• Việc dạy giáo lý dự tòng để tiến tới bí tích hôn nhân là một hoạt động thiết thực và rõ ràng của việc truyền giáo qua việc hướng dẫn, giảng giải niềm tin cho các dự tòng với mọi trình độ khác nhau, đôi khi là những người có trình độ học vấn cao. Vì vậy, việc dạy giáo lý dự tòng cần được đảm trách bởi những người có khả năng, có kiến thức.

• Vai trò của những người tân tòng trong việc truyền giáo cần được đề cao, bởi lẽ họ là những chứng nhân rất mạnh trong việc nhận biết và tin Chúa. Vì vậy việc đồng hành với các anh chị em tân tòng rất cần thiết. Sự quan tâm, những thăm viếng mục vụ của các cha sở, các hội đoàn, vừa giúp củng cố đức tin cho anh chị em tân tòng, và vừa giúp họ trở thành những khí cụ thực tế và hữu hiệu trong việc giới thiệu Chúa cho người khác.

• Nhằm nâng đỡ đời sống đức tin cho các gia trình trẻ và giúp họ ý thức hơn bổn phận và trách nhiệm trong hôn nhân công giáo, các giáo xứ tổ chức những ngày họp mặt, những ngày lễ qui tụ các anh chị em tân tòng, các cặp vợ chồng trẻ, hoặc tổ chức những thánh lễ kỷ niệm hôn phối.

3.4. Cho giáo dân

• Trong năm Sứ Vụ và Năm Thánh này, các Cha sở và các cha quản nhiệm các giáo họ biệt lập tìm cách để tất cả anh chị em giáo dân của mình có cơ hội học hỏi và trau dồi những kiến thức về Năm Thánh, Thánh Kinh, Phụng vụ, Giáo hội… (khoảng 5 - 7 phút trước mỗi thánh lễ Chúa nhật, với những nội dung tự soạn hoặc tham khảo) để anh chị em vững vàng hơn trong việc đối thoại với người chưa có niềm tin vào Chúa và mạnh mẽ hơn trong việc tuyên xưng và giới thiệu niềm tin của mình.

3.5. Học hỏi về Á thánh Anrê Phú Yên, Người Chứng Thứ Nhất

• Năm 2025 là năm kỉ niệm lần thứ 400, năm sinh của Á thánh Anrê Phú Yên, người chứng thứ nhất, là thầy giảng mẫu mực, bổn mạng của các giáo lý viên. Vì thế, học biết Á thánh Anrê Phú Yên, qua những giờ giáo lý, qua những lần tổ chức hội trại, cũng là phương thế để khơi dậy lòng nhiệt thành truyền giáo không chỉ cho các học sinh giáo lý mà cho chính những người giảng dạy, những người tổ chức các chương trình về Á thánh Anrê Phú Yên.

4. LOAN BÁO TIN MỪNG QUA LĨNH VỰC VĂN HÓA – NGHỆ THUẬT

Giáo phận Qui Nhơn là nơi “kế thừa trực hệ” của Địa phận Tông Tòa Đàng Trong, vùng đất khắc ghi những dấu ấn truyền giáo qua con đường văn hóa tại Việt Nam thuở ban đầu với các địa danh: Nước Mặn - cư sở đầu tiên của các thừa sai dòng Tên tại Việt Nam và là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ; Nhà In Làng Sông - một trong ba nhà in Công Giáo đầu tiên tại Việt Nam và là nơi phát triển chữ Quốc ngữ…

Giáo phận Qui Nhơn hôm nay hay Địa phận Tông Tòa Đàng Trong xưa kia có nhiều nhà văn hóa lớn đã góp phần không nhỏ trong công cuộc loan báo Tin Mừng qua việc “Hội nhập văn hóa”: Linh mục Lữ Y Đoan với Sấm Truyền Ca; Linh mục Đặng Đức Tuấn với nhiều tác phẩm và các bản điều trần ảnh hưởng tích cực trong công cuộc truyền giáo và sống đạo. Kế thừa di sản của các tiền nhân, giáo phận Qui Nhơn còn có nhiều bậc trưởng bối trong “trường văn trận bút” như cố thi sĩ Hàn Mạc Tử, một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam; linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Xuân Văn với tác phẩm trường thi lục bát Sứ Điệp Tình Thương.

Tiếp nối tinh thần đó, trong năm “Sứ Vụ” và “Năm Thánh 2025”, Giáo phận định hướng nhiều chương trình và sinh hoạt về văn hóa-nghệ thuật để góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng:

• Tổ chức các cuộc thi:

+ Cuộc thi trong giáo phận: “Anh Em Ra Đi, Sinh Được Hoa Trái”: dành cho người sống đời thánh hiến và giới trẻ trong giáo phận; nhằm sáng tác những tác phẩm: văn, thơ, nhạc, họa, liên quan đến chủ đề sống của giáo phận.

+ Cuộc thi trong và ngoài giáo phận: “400 Năm Người Chứng Thứ Nhất”: Dành cho các bạn trẻ (dưới 40 tuổi); nhằm sáng tác những tác phẩm: văn, thơ, nhạc, truyện tranh, liên quan đến cuộc đời, di sản tinh thần của Chân phước Anrê Phú Yên được lưu truyền cho hậu thế.

• Xuất bản 4 số Mục Đồng: Trong năm 2025, các chủ đề của tuyển tập Mục Đồng sẽ được xuất bản với nội dung hướng đến Chân phước Anrê Phú Yên: Tuổi Xuân Dâng Hiến, Dấu Chân Thập Tự, Người Chứng Thứ Nhất, Tình Yêu Đáp Lại Tình Yêu.

• Tổ chức cuộc tọa đàm về cha Đắc Lộ và thầy giảng Anrê Phú Yên: Đây là dịp để mời gọi các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu và đóng góp những bài viết mới để làm nổi bật vai trò của cha Đắc Lộ đối với chữ Quốc ngữ và di sản tinh thần của Chân phước Anrê Phú Yên đối với niềm tin dân Việt. Đồng thời, những cuộc tọa đàm này là cơ hội để mọi thành phần dân Chúa cùng nhau nhìn lại những hoa trái thiêng liêng mà hai vị đã để lại cho thế hệ chúng ta: về gương sáng chứng nhân đức tin, tinh thần truyền giáo và di sản văn hóa.

5. LOAN BÁO TIN MỪNG QUA CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG

• Khuyến khích các bạn trẻ trong giáo phận đăng những nội dung có giá trị mang tính nhân văn và truyền giáo trên các trang mạng chính thống vốn có của giáo phận: website, youtube, facebook (với hình thức hấp dẫn, đa dạng và dưới sự điều hành của người có trách nhiệm cấp giáo phận).

• Lập văn phòng truyền thông của giáo phận với những trang thiết bị tốt và những nhân sự có khả năng (qua những khóa đào tạo, huấn luyện và những cuộc thi) nhằm giới thiệu đời sống đức tin cách rộng rãi và phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của con người thời nay.

• Với những sự kiện lớn tại các giáo xứ, truyền thông của giáo xứ (nếu cần, liên hệ để được hỗ trợ giúp đỡ từ ban truyền thông của giáo phận) gởi bài viết, hình ảnh, video về văn phòng truyền thông để được đăng tải sớm nhất.

• Trong thời đại công nghệ, hình ảnh, video chiếm một vai trò rất lớn trong việc truyền đạt những thông tin, phổ biến những kiến thức. Ban Truyền thông cần đến sự trợ giúp của những ủy ban khác để ghi hình sự kiện với nhiều chủ đề và trong nhiều lĩnh vực khác nhau: Lịch sử, Văn hoá, Giáo dục, Giáo lý, Thánh nhạc, Gia đình, Giới trẻ, Giáo dân, Di dân và Ơn gọi…6

6. TRUYỀN GIÁO QUA VIỆC PHỤC VỤ ANH CHỊ EM DI DÂN

• Cuộc họp mặt hàng tháng (dưới sự giúp đỡ của quý cha đặc trách Di dân cấp giáo hạt và giáo phận) của anh chị em di dân ở Sài Gòn, không đơn thuần là những cuộc gặp gỡ của những người đồng hương, nhưng còn mang giá trị truyền giáo, khi thể hiện niềm tin, tình hiệp nhất của những người con của giáo phận, và là những người con của Chúa.

• Ban Di dân, kết hợp với một số ban như ban Gia đình và ban Giáo dục, thực hiện chương trình mục vụ đặc thù cho các sinh viên, cho các gia đình di dân (xen kẽ với những cuộc họp mặt chung hàng tháng) để giúp họ mạnh mẽ và nhiệt thành hơn trong việc sống đạo trong hoàn cảnh của mình.

• Việc tổ chức dạy các khóa giáo lý hôn nhân và dự tòng cho các bạn trẻ di dân ở Sài Gòn (không chỉ riêng cho con cái của giáo phận mà cả những bạn trẻ có nhu cầu học) sẽ là điều kiện rất tốt để các bạn dù ở xa nhưng vẫn có thể hoàn tất chương trình giáo lý, cũng như các thủ tục cần thiết tiến tới hôn nhân.

• Để những sinh hoạt của anh chị em di dân được tốt đẹp, cũng như nhằm cộng tác và tạo điều kiện thuận lợi trong việc mục vụ của ban Di dân, các giáo xứ, trong khả năng của mình, dấn thân và hy sinh nhiều hơn để trở thành cầu nối giữa những người đặc trách di dân với những anh chị em thuộc giáo xứ của mình đang sống, làm việc, học hành tại Sài Gòn.

II. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TRONG TOÀN GIÁO PHẬN

Chương trình mục vụ năm 2024-2025 bắt đầu áp dụng tại các giáo xứ và các giáo họ biệt lập trong toàn giáo phận từ Chúa nhật I mùa Vọng, năm Phụng vụ 2024-2025. Xin quí Cha tạo điều kiện và cổ võ cho mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ, trong giáo họ của mình thực hiện chương trình này cách ý thức và hiệu quả. Các cộng đoàn dòng tu đang phục vụ tại giáo phận cũng đón nhận chương trình mục vụ để hiệp thông và tích cực cộng tác.

Dù biết rằng, tại mỗi giáo xứ, mỗi giáo họ biệt lập, luôn có những khó khăn khách quan và chủ quan, từ hoàn cảnh thực tế, từ việc thiếu vắng nhân sự, nhưng chúng ta vẫn luôn hy vọng rằng, trong năm Sứ Vụ của tiến trình hiệp hành và nhất là trong năm Thánh thường lệ 2025, ơn Chúa vẫn luôn đủ cho chúng ta. Chính tình yêu và sự quan phòng của Chúa sẽ bù đắp cho những nỗ lực, lòng nhiệt thành của tất cả để chúng ta thực thi sứ mạng truyền giáo mà Chúa đã giao phó. Nguyện xin Thiên Chúa, qua lời cầu bàu của Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và các Thánh Tử Đạo của giáo phận Qui Nhơn, chúc lành cho chương trình mục vụ và những nỗ lực của tất cả chúng ta.

 

   Qui Nhơn, ngày 23.11.2024
Tm. Hội đồng Mục vụ Giáo phận
        Trưởng Ban Điều Phối

Screenshot 2024 11 26 at 17 17 49

   Lm. Gioakim Nguyễn Tấn Đạt

           PHÊ CHUẨN ĐỂ THI HÀNH
Tòa Giám Mục Qui Nhơn, ngày 25.11.2024

Screenshot 2024 11 26 at 17 16 51

+ Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn

 

Tác giả: Hội đồng Mục vụ Giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây