Dùng nhạc ghi âm trong giờ Chầu Thánh Thể được không?
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
2024-10-05T03:59:36-04:00
2024-10-05T03:59:36-04:00
https://gpquinhon.net/thanh-nhac/dung-nhac-ghi-am-trong-gio-chau-thanh-the-duoc-khong-6268.html
https://gpquinhon.net/uploads/news/2024/1728115149.webp
Giáo phận Qui Nhơn
https://gpquinhon.net/uploads/banertrongsuot.png
Thứ năm - 19/09/2024 03:57
Câu hỏi: Trong Giờ Chầu không có linh mục và không có người chỉ huy ca hát, có thể sử dụng nhạc ghi âm bài Tantum Ergo và O Salutaris Hostia để giúp cộng đoàn hát không? Đây có thể là ngoại lệ đối với quy tắc không? -- RC, Hayesville, Bắc Carolina
Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư phụng vụ và thần học bí tích trả lời:
Trả lời: Tôi nghĩ độc giả của chúng ta đề cập đến việc cấm sử dụng nhạc ghi âm trong phụng vụ. Chúng tôi đã viết về vấn đề này nhiều lần, gần đây nhất là vào tháng 10 năm 2022.
Chúng tôi chỉ có thể nhắc lại một hoặc hai tài liệu liên quan:
Tài liệu năm 2007 của hội đồng giám mục Hoa Kỳ có tên “Hát lên mừng Chúa” có đoạn:
“93. Nhạc ghi âm thiếu đi tính xác thực mà chỉ cộng đoàn phụng vụ sống động quy tụ lại để cử hành phụng vụ thánh mới có thể đem lại được. Nhạc ghi âm rất ích lợi khi được sử dụng ngoài phụng vụ để giúp học hỏi những bản nhạc mới, còn theo nguyên tắc chung, không được phép sử dụng nhạc ghi âm trong phụng vụ.
“94. Cần ghi nhận một số trường hợp ngoại lệ về việc sử dụng nhạc ghi âm. Nhạc ghi âm có thể được phép sử dụng để đệm theo tiếng hát của cộng đoàn khi đang đi rước ngoài Thánh lễ, và được dùng một cách cẩn trọng khi cử hành Thánh lễ dành cho trẻ em. Đôi lúc, được dùng để giúp cầu nguyện, thí dụ: trong thời gian thinh lặng dài khi cử hành bí tích Hòa giải chung. Tuy nhiên, nhạc ghi âm không khi nào được thay thế việc ca hát của cộng đoàn”.
Một tài liệu tương tự của Hội đồng Giám mục Canada đã được ban hành năm 2015, nêu rõ:
“33. Giọng hát con người. Giọng hát con người phải luôn giữ một vị trí chính trong việc tạo ra âm nhạc của Hội Thánh. Vì lý do này, nhạc ghi âm sẵn không bao giờ được thay thế cho tiếng hát của cộng đoàn, và cũng không thay thế chức năng của các nhạc công khác. Chỉ trong những trường hợp cấp thiết, nhạc ghi âm sẵn mới có thể được sử dụng trong phụng vụ cho mục đích hỗ trợ tiếng hát của cộng đoàn”.
Như chúng ta thấy ở trên, trong khi nêu lại các luật lệ và nguyên tắc cơ bản, “Hát lên mừng Chúa” sẽ cho phép một số ngoại lệ.
Điều đáng chú ý là các trường hợp ngoại lệ được đề cập ở đây nói đến những tình huống hỗn hợp, trong đó buổi cử hành phụng vụ thực sự được xen kẽ với các yếu tố đạo đức bình dân như các cuộc rước kiệu hoặc các buổi sám hối chung.
Trong ví dụ tiếp sau, khía cạnh phụng vụ của Bí tích Hòa giải được kết hợp với những yếu tố ít được quy định hơn, chẳng hạn như cách dẫn dắt nghi thức sám hối cộng đồng để chuẩn bị cho người tín hữu hòa giải và khuyến khích họ cầu nguyện trong khi chờ đến lượt mình xưng tội.
Mọi tài liệu đều khẳng định rằng nhạc thu âm không thể thay thế được ca hát.
Vì việc tôn thờ Thánh Thể có thể được phân loại trong số các cử hành kết hợp chặt chẻ các yếu tố phụng vụ như Chầu Mình Thánh và ban Phép lành cùng với các yếu tố ít được kiểm soát hơn như bài hát, suy niệm chung và thời gian im lặng trong lúc chầu Thánh Thể, tôi tin rằng có thể sử dụng nhạc thu âm để hỗ trợ cho việc hát của cộng đồng.
Tuy nhiên, điều đó nói rằng, tôi sẽ thận trọng khi sử dụng các bản thánh ca ghi âm như Tantum Ergo, là các tác phẩm phụng vụ theo truyền thống gắn liền với Phép lành. Vì chúng ta đang nói về Giờ Thánh khi không có linh mục, nên nghi thức này sẽ không có.
Tôi nghĩ không khó khăn gì khi đi cùng với thừa tác viên giáo dân trong khi đặt Thánh Thể bằng một bài thánh ca truyền thống như O Salutaris Hostia, nhưng không sử dụng nhạc thu âm. Điều này cũng áp dụng cho việc lưu giữ Mình Thánh Chúa, mặc dù lúc này bài hát ít cần thiết hơn.
Việc sử dụng nhạc ghi âm để hỗ trợ ca hát có thể diễn ra vào những thời điểm khác nhau trong Giờ Thánh. Có rất nhiều bài thánh ca bằng tiếng Latin và tiếng bản xứ có thể được hát để khơi dậy lòng sốt sắng và lòng tôn sùng Thánh Thể.
G. Võ Tá Hoàng