Linh mục với đời sống trí thức

Thứ bảy - 19/10/2024 19:53
thuonghuan

Khóa Thường Huấn Linh Mục
Giáo phận Qui Nhơn
(Ngày 23-25/9/2024)
 
 
LINH MỤC
VỚI ĐỜI SỐNG TRÍ THỨC

Lm. Phaolô Võ Đình Hoài






DẪN NHẬP

Tri thức luôn đóng vai trò quan trọng trong mọi thời kỳ phát triển của xã hội. Thực tế đã chứng minh cho thấy: sự phát triển của tri thức nhân loại đã góp phần giải thoát con người khỏi những chủ thuyết mê muội sai lầm; sự bùng nổ của các ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật giúp con người thoát khỏi những gánh nặng lao động mệt nhọc của chân tay, gia tăng năng suất lao động và phục vụ cho đời sống con người một cách toàn diện hơn. Tuy nhiên, tri thức của con người không phải là cái tự nhiên mà có. Đúng hơn, tri thức là kết quả của quá trình tích lũy những kinh nghiệm trong cuộc sống, là những điều được được học hỏi và truyền thụ từ người này sang người khác. 

Chính vì thế, bất cứ quốc gia nào cũng coi trọng ngành giáo dục. Những nước càng phát triển, người ta càng phải quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho giáo dục để nhờ đó họ có thể gặt hái được những hoa trái ngọt ngào từ việc phát triển tri thức và đời sống xã hội. Đối lại, về phương diện cá nhân, con người nếu không muốn mình bị bỏ lại đàng sau và tụt hậu so với xã hội, phải nổ lực mỗi ngày để tiếp cận và gia tăng đời sống tri thức mỗi ngày.

Được đặt để trong một môi trường xã hội như thế, việc trang bị một đời sống trí thức cho các linh mục cũng là điều quan trọng mà Giáo Hội lưu tâm. Bên cạnh những mặt tích cực của đời sống xã hội do sự phát triển của trí thức mang lại, những vấn nạn đức tin, những trào lưu đi ngược lại với đời sống của Giáo Hội cũng là những thách đố mà người linh mục thời đại cần phải đối diện. Nếu các linh mục không trang bị cho mình những vốn tri thức vững vàng cả về phương diện đức tin, luân lý và xã hội, sẽ dễ dàng bị lung lay bởi những chủ thuyết sai lạc so với đường hướng của Giáo Hội.

Nhận thức được tầm quan trọng này, đã từ rất lâu, Giáo Hội luôn quan tâm đến việc huấn luyện các linh mục một cách toàn diện, trong đó, có việc huấn luyện tri thức[1]. Công Đồng Vaticanô II đã “đưa lên hàng đầu mối quan tâm về việc đào tạo các linh mục tương lai [...] Giáo Hội muốn nghiên cứu lại lãnh vực này và canh tân phương pháp để việc chuẩn bị các linh mục được hữu hiệu hơn” [2].

Có hai bản văn quan trọng trong Công Đồng Vaticanô II nói về việc đào tạo các linh mục: “ Sắc lệnh về đào tạo linh mụcOptatam Totius” và “ Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mụcPresbyterorum Ordinis ”. Nếu sắc lệnh Optatam Totius tập trung vào việc đào tạo các ứng sinh linh mục khi còn ở chủng viện, thì sắc lệnh Presbyterorum Ordinis tập trung vào việc huấn luyện đời sống của linh mục sau khi đã lãnh nhận chức thánh. Khởi đi từ hai sắc lệnh này, như một cách để đào sâu hơn nữa việc đào tạo các ứng sinh linh mục, cũng như mong ước những người được Thiên Chúa tuyển chọn có một đời sống hoàn thiện theo mẫu gương của Chúa Giêsu, một lần nữa đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phát hành Tông huấn Pastores Dabo Vobis ( đào tạo linh mục trong hoàn cảnh ngày nay) vào ngày 25 tháng 3 năm 1992.
 
 
Tông huấn này gồm có sáu chương, trong đó đức thánh Giáo hoàng đã dành ra hai chương để nói về việc đào tạo các ứng sinh linh mục (chương V) và đào tạo thường xuyên trong đời sống các linh mục (chương VI). Dĩ nhiên, trong viêc đào tạo này, gia tăng tri thức của sự hiểu biết là chiều kích không thể thiếu để các linh mục gia tăng đức tin cho chính mình và để thực hiện công việc mục vụ cho cộng đoàn. Trong phạm vi của đề tài này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những lý do, nội dung và cách thức mà đức thánh Giáo hoàng đã đưa ra trong Tông huấn, để đào tạo và trang bị tri thức cho các linh mục như thế nào. 

I. LÝ DO CỦA VIỆC ĐÀO TẠO TRÍ THỨC TRONG ĐỜI SỐNG LINH MỤC.

1. Tăng cường sự hiểu biết cho đức tin.

Mở đầu cho lý do của việc đào tạo tri thức cho các linh mục, Tông huấn đã nêu rõ:

Mặc dầu bao gồm những đòi hỏi loại biệt, đào tạo trí thức mật thiết gắn liền với đào tạo nhân bản và thiêng liêng, đến độ tạo thành một chiều kích cần thiết cho nền đào tạo ấy: thật ra đào tạo trí thức là một đòi hỏi của lý trí nhờ đó con người “dự phần vào ánh sáng thông hiểu của Thiên Chúa” và tìm cách đạt tới sự khôn ngoan để rồi sự khôn ngoan, đến lượt nó, lại giúp hiểu biết Thiên Chúa và gắn bó với Ngài[3].

Như thế theo Tông huấn này, lý do trước hết để các ứng sinh linh mục và các linh mục trang bị cho mình một đời sống tri thức là để hiểu biết về Thiên Chúa và gắn bó với Ngài. Đây phải là bước khởi đầu để củng cố, gia tăng đức tin nơi chính bản thân mình trước khi rao giảng và chia sẻ đức tin về Thiên Chúa cho người khác. Thực tế cho thấy mỗi khi đứng trước kho tàng mạc khải của Thiên Chúa, đứng trước những chân lý đức tin mà Giáo Hội đã dùng huấn quyền của mình để công bố, lý trí tự nhiên của con người phải đối diện với biết bao nhiêu những vấn nạn cần phải trả lời. Dù biết rằng những “mầu nhiệm” trong niềm tin của Giáo Hội là những sự thật siêu nhiên, điều vượt quá trí khôn của con người, tuy nhiên việc “nhìn nhận có những “mầu nhiệm” cũng không phải là phủ nhận trí khôn của chúng ta; trái lại chúng ta chỉ nhìn nhận cương giới [biên giới] tự nhiên của trí khôn chúng ta và trí thông minh của Chúa vượt hẳn khả năng hiểu biết của chúng ta [...] Mầu nhiệm không phải là một thứ vách tường chận đứng trí óc của chúng ta, mà là biển cả trong đó trí óc chìm đắm”[4].

Chính ở điểm này mà ngay trong những trang đầu tiên, khi bàn về những phương thế để gia tăng sự hiểu biết đức tin, sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo đã viết: “nhờ Thánh Thần trợ giúp, sự hiểu biết về các thực tại và các lời thuộc kho tàng đức tin có thể tăng trưởng trong đời sống Hội Thánh: nhờ suy niệm và học hỏi của những tín hữu hằng gẫm suy trong lòng những thực tại và lời nói ấy; đặc biệt “việc nghiên cứu thần học giúp đào sâu hiểu biết về chân lý mặc khải”[5].

Dĩ nhiên, khi dùng tri thức để tìm hiểu về các mầu nhiệm, “chúng ta không chủ trương thông hiểu hoàn toàn các mầu nhiệm nhưng chúng ta có thể tìm kiếm những bằng chứng để biết rằng chính Thiên Chúa đã nói với con người trong lịch sử nhân loại, học hỏi Lời Chúa để biết rõ ý nghĩa và tìm hiểu những Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn đời chúng ta thế nào”[6]. Phận vụ của việc “tìm kiếm những bằng chứng” và “học hỏi Lời Chúa” được nhắc tới ở đây chính là vai trò của tri thức. Nhờ việc vận dụng tri thức mà con người có thể để đào sâu, suy tư và tìm hiểu các mầu nhiệm một cách dễ dàng hơn và cũng nhờ đó mà đời sống đức tin được củng cố.

Vì tri thức chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống đức tin của người Kitô hữu như vậy, cho nên Tông huấn Pastores Dabo Vobis đã xem việc huấn luyện tri thức cho các ứng sinh linh mục là công việc thường xuyên và chính yếu. Đức thánh Giáo Hoàng đã viết: “việc học chiếm một phần lớn  cuộc đời của ứng sinh linh mục, việc học bắt buộc ấy không phải là một yếu tố bên ngoài hoặc phụ thuộc đối với sự phát triển ơn gọi của ứng sinh hoặc phụ thuộc đối với sự phát triển ơn gọi của ứng sinh về phương diện nhân bản, Kitô giáo và thiêng liêng”[7].

2. Tăng cường kinh nghiệm tự thân về Thiên Chúa và đời sống thiêng liêng.

Thật ra, việc đào tạo tri thức cho các ứng sinh linh mục và các linh mục không phải là trang bị cho họ một mớ kiến thức về Thiên Chúa, về Đức Tin, về văn hóa, xã hội... Đúng hơn, công việc đào tạo tri thức phải dẫn đưa người nhận tới một kinh nghiệm sâu xa hơn trong mối tương quan cá vị với Thiên Chúa.

Ngày xưa, trước khi sai các môn đệ ra đi rao giảng, Chúa Giêsu cũng qui tụ các môn đệ lại xung quanh Người để họ ở với Chúa, nghe lời Chúa giảng dạy và tích lũy kinh nghiệm trong mối tương quan thân tình với Người (Mc 3, 13). Ngày nay, công việc huấn luyện tri thức cho những người linh mục của Chúa cũng đòi hỏi phải dẫn đưa họ vào kinh nghiệm cá nhân với Thiên Chúa trong đời sống thiêng liêng. Tông huấn nêu rõ:

Để có thể gia tăng hiệu năng mục vụ của việc đào tạo trí thức, cần phải đem lồng việc đào tạo ấy vào trong một lộ trình thiêng liêng được đánh dấu bới kinh nghiệm tự thân về Thiên Chúa, và bởi đó phải vượt qua một bộ môn  khoa học thuần túy khái niệm và phải đạt tới sự hiểu biết của con tim để trước hết có thể “xem thấy” và sau đó có thể chuyển đạt mầu nhiệm Thiên Chúa cho anh em[8].  
  

Như thế, công việc trang bị tri thức cho các linh mục không phải là một tiến trình độc lập và tách rời ra khỏi đời sống thiêng liêng. Chính tri thức làm sáng tỏ cho đức tin và nhờ có một đức tin vững vàng, người linh mục sống mật thiết hơn với Thiên Chúa.    

3. Những đòi hỏi trong sứ vụ mục tử.

Được tuyển chọn và kêu gọi từ giữa thế gian, linh mục “nhờ vào sự thánh hiến đã lãnh nhận qua bí tích truyền chức thánh, được sai đi bởi Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô, và một cách đặc biệt được nên đồng hình đồng dạng với Ngài”[9], do đó “ân huệ thiêng liêng mà các linh mục đã lãnh nhận ngày thụ phong chuẩn bị cho các linh mục không phải đi vào một sứ vụ hạn hẹp và gò bó, nhưng đi vào một số vụ cứu độ có tầm cỡ phổ quát: cho đến tận cùng bờ cõi trái đất”[10]. Như thế, trong sứ vụ mục tử của mình, các linh mục không thể nào không đối diện với những vấn đề của Giáo Hội và xã hội, nơi mình đang phục vụ.

Khi nhận định về thời đại mới này, bên cạnh những mặt tích cực và thuận lợi cho công cuộc rao giảng Tin Mừng, Tông huấn cũng nêu rõ những khó khăn và thách đố cho sứ vụ của người mục tử như sau[11]:

Khó khăn trước hết là “chủ nghĩa duy lý”, nhân danh một quan niệm giản lược hoá của “khoa học”, chủ nghĩa này khép chặt lý trí con người lại, không nhường chỗ cho sự gặp gỡ mặc khải và không công nhận tính siêu việt của Thiên Chúa.

Tiếp theo là “chủ nghĩa chủ thể” của ngôi vị, chủ nghĩa này có khuynh hướng vây kín ngôi vị trong cá nhân chủ nghĩa, để rồi không thể có được những tương quan đích thực giữa người với người. Bởi đó họ đương nhiên trở thành vô tâm và như thể bại liệt trước lời mời gọi bước vào một kế hoạch sống đòi phải có chiều kích thiêng liêng và tôn giáo hoặc phải có sự dấn thân trong tình liên đới.

Ngoài ra, có một thứ “chủ nghĩa vô thần thực hành và hiện sinh” vẫn được truyền lan, chủ nghĩa này ăn khớp với một nhãn giới trần tục hoá về đời sống và về vận mệnh con người. Họ không còn cần phải đấu tranh với Thiên Chúa, họ chỉ đơn giản coi Ngài như không có.

Cũng cần phải ghi nhận thực trạng các gia đình đang bị thoái hoá, ý nghĩa đích thực của tính dục con người bị lu mờ hoặc bóp méo; đây là những hiện tượng có tầm ảnh hưởng rất tiêu cực trên việc giáo dục những người trẻ. 

Trong môi trường Giáo Hội, người ta cũng ghi nhận những hiện tượng tiêu cực đáng lo ngại ảnh hưởng đến đời sống và thừa tác vụ của các linh mục: chẳng hạn như sự ngu dốt, sự thiếu hiểu biết về tôn giáo vẫn đang dai dẳng nơi nhiều tín hữu; Ảnh hưởng của huấn giáo bị lấn át bởi những sứ điệp của những cơ quan truyền thông xã hội; Sự đa nguyên trong lãnh vực thần học, văn hoá và mục vụ bị hiểu lệch lạc và rốt cuộc làm cho đối thoại đại kết trở nên khó khăn; Sự tồn tại lâu dài của một thái độ nghi kỵ và hầu như bất khoan nhượng đối với huấn quyền của phẩm trật.

Hơn nữa, những khó khăn còn được thể hiện bởi tình trạng đa sắc tộc, đa tôn giáo trên cùng một lãnh thổ. Hiện tượng này có thể trở nên nguồn phát sinh sự xáo trộn và chủ nghĩa tương đối, nhất là nơi những cá nhân và tập thể không mấy vững chắc về đức tin.

Ngoài những yếu tố trên, còn có thể kể thêm “chủ nghĩa duy chủ thể về đức tin”. Nơi một số Kitô hữu, người ta ghi nhận có sự sút kém trong việc gắn bó với nội dung khách quan của giáo thuyết đức tin; người ta gắn bó một cách chủ quan vào những gì để ưa, vào những gì tương hợp với kinh nghiệm riêng rẽ của mình, vào những gì không gây xáo trộn cho những thói quen riêng tư của mình. Từ đó dẫn đến hiện tượng càng ngày người ta càng thuộc về Giáo Hội một cách không trọn vẹn và có điều kiện.

Khi thi hành sứ vụ mục tử của mình, với tư cách là thầy dạy Lời Chúa, là thừa tác viên các bí tích, là người lãnh đạo cộng đoàn, người linh mục phải giải quyết làm sao khi phải đối diện với những khó khăn và thách đố này? Nếu không được đào tạo và trang bị cho mình một hành trang tri thức cần thiết, linh mục sẽ không thể nào có thể đối thoại, nhận định vấn đề một cách đúng đắn và hướng dẫn đoàn chiên của mình đi theo đường lối của Thiên Chúa và Giáo Hội được. 

II. NHỮNG YẾU TỐ CẦN THIẾT CHO ĐỜI SỐNG TRI THỨC CỦA CÁC LINH MỤC.

1. Triết học. 

Trong việc đào tạo các ứng sinh linh mục, Tông huấn đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết của bộ môn triết học:

Việc học triết học được coi là tối cấp thiết, trước hết vì lý do có mối liên hệ giữa những vấn đề triết học với các mầu nhiệm cứu độ được nghiên cứu trong thần học dưới ánh sáng đức tin, sau nữa vì lý do tình trạng văn hoá hiện nay quá hỗn độn, với sự kiện chủ nghĩa duy chủ thể được đề cao và được coi như thước đo và tiêu chuẩn của chân lý. Trong những điều kiện như thế, chỉ có một nền triết học lành mạnh mới có thể giúp cho các ứng sinh linh mục phát triển ý thức và tư duy về mối quan hệ thiết định giữa trí óc của con người với chân lý, một chân lý được mạc khải trọn vẹn cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô[12].

Như thế, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa triết học và thần học. Nói cách khác, triết học là bước đi đầu tiên để có thể tiếp cận đến thần học. Việc suy tư triết học giúp hiểu và cắt nghĩa sâu xa về sự hiện hữu của con người, về những tương quan giữa con người với thế giới và với Thiên Chúa. Trong khi liên tục đặt ra những vấn nạn về vận mệnh con người và thế giới, triết học sẽ khơi lên nỗi khát vọng đạt tới sự chắc chắn của chân lý và của giá trị tuyệt đối[13].

Ngoài khả năng dẫn đưa lý trí con người đến việc nhìn nhận chân lý tuyệt đối là Thiên Chúa, triết học còn giúp cho người mục tử “nhập thể tối đa” khi thi hành thừa tác vụ của mình trong các môi trường xã hội. Các môn “khoa học về con người” (theo như cách gọi của Tông huấn[14]) như xã hội học, tâm lý học, sư phạm, các khoa học kinh tế và chính trị, các khoa học truyền thông xã hội, đều là những môn học cần thiết để trang bị cho người mục tử có khả năng nhận định và nối dài hoạt động của Đức Kitô.

2. Thần học.    

Cùng với triết học, thần học là bộ môn nền tảng trong việc đào tạo trí thức cho người linh mục. Theo định nghĩa cổ điển về thần học của thánh Anselm, một thần học gia thời trung cổ: “thần học là đức tin đi tìm sự hiểu biết”. Như vậy, điểm khởi đầu cho thần học và cho những ai làm thần học chính là đức tin. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis về bộ môn thần học như sau: “Thần học chân chính là thần học phát xuất từ đức tin và nhắm mục đích dẫn tới đức tin [...] Như thế, thần học gia trước hết là một tín hữu, một con người đức tin. Nhưng đó là một tín hữu thắc mắc về chính đức tin của mình, thắc mắc để có thể đạt đến một sự hiểu biết thấu đáo hơn về đức tin của mình”[15].

Lời khẳng định trên đây đã cho chúng ta thấy có một sự liên kết hết sức chặt chẽ giữa đức tin và lý trong môn thần học. Đức Gioan Phaolô II một lần nữa nhắc lại hai chiều kích của việc tin và hiểu: “Tôi tin để hiểu” (Credo ut Tellegam) và “tôi hiểu để tin” (Intellegeo ut Credam); “Đức tin đòi hỏi đối tượng của nó phải được hiểu nhờ sự trợ giúp của lý trí, còn lý trí sau khi đã tận lực tìm tòi nghiên cứu, phải thừa nhận rằng mình sẽ không làm được gì nếu không đếm kể tới những điều mà đức tin phô trình, nghĩa là thừa nhận chúng là những dữ kiện thiết yếu cho sự nghiên cứu”[16]. Do đó, công việc của thần học không phải chỉ là chấp nhận những chân lý mặc khải và định tín đức tin một cách thụ động, nhưng bên cạnh đó phải dùng lý trí để hiểu và đào sâu đức tin của mình.

Ngoài việc phục vụ cho đức tin, việc đào tạo thần học còn  giúp cho các linh mục tương lai có “một lòng yêu mến lớn lao và mãnh liệt đới với Đức Giêsu Kitô và đối với Giáo Hội. Lòng yêu mến ấy vừa nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của các ứng sinh vừa qui hướng họ đến sự quảng đại chu toàn thừa tác vụ của mình”[17]
Trong việc đào tạo thần học, đức thánh Giáo hoàng đã phân chia việc tư duy thần học thành hai hướng khác nhau[18]:

Hướng thứ nhất: đó là các môn thần học cơ bản có đối tượng là sự kiện mạc khải Kitô giáo và việc chuyển đạt mạc khải trong Giáo Hội. Trong đó, phải ưu tiên cho việc học hỏi Thánh Kinh, được coi như là linh hồn của toàn bộ thần học. Sau nữa là học hỏi các thánh Giáo phụ thuộc về Giáo Hội, các môn tín lý, phụng vụ, lịch sử Giáo Hội và các tuyên ngôn của Huấn Quyền. 

Hướng thứ hai: đó là những bộ môn đã và đang được phát triển một cách mạnh mẽ hơn, như để đáp lại những vấn đề xã hội và thế giới ngày nay. Đó là các môn về lý thuyết xã hội học của Giáo Hội, Thần học luân lý, thần học mục vụ, các môn về sứ vụ truyền giáo, về đại kết, về Do thái giáo, về Hồi giáo và về các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo...
2. Mục vụ[19]   

Toàn bộ nền đào tạo dành cho các ứng sinh linh mục đều nhắm đến việc tạo điều kiện một cách đặc biệt cho các ứng sinh hiệp thông vào đức ái của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành thông qua công việc mục vụ. Như thế, họ phải được luyện tập để thi hành thừa tác vụ Lời Chúa, sao cho ngày càng hiểu thấu đáo hơn lời mạc khải của Thiên Chúa, sao cho họ nắm giữ lời ấy bằng việc suy niệm và diễn đạt lời ấy bằng môi miệng và bằng đời sống của họ; họ phải được luyện tập để thi hành thừa tác vụ phượng tự và thánh hoá, làm sao để dấn mình vào việc cầu nguyện và vào những cử hành phụng vụ, họ thực thi công cuộc cứu độ bằng hiến lễ tạ ơn và các bí tích; họ phải được luyện tập để thi hành thừa tác vụ mục tử, sao cho họ biết làm cho Đức Kitô hiện diện với con người.

Cũng như bất cứ nền đào tạo nào khác, nền đào tạo mục vụ phải được thể hiện bằng một tiến trình suy tư chín chắn và bằng những việc thực tập. Vì thế, đây là một bộ môn thần học thực thụ và cần thiết: thần học mục vụ hay thần học thực hành. Mục vụ không chỉ là một nghệ thuật, một tập hợp những lời khuyên bảo, những kinh nghiệm, những chỉ dẫn; mục vụ đúng hơn là một môn thần học trọn vẹn bởi vì nó lãnh nhận từ nơi đức tin những nguyên tắc cho mọi hoạt động: sự hiệp thông ngày càng sâu đậm hơn vào đức ái mục vụ của Chúa Giêsu.

Hiểu như thế, việc đào tạo mục vụ dĩ nhiên không thể bị giản lược vào một công việc thực tập đơn thuần với mục đích làm quen với những kỹ thuật mục vụ. Phương án giáo dục của chủng viện phải dạy cho các ứng sinh đạt được một cảm thức bén nhạy về mục vụ, đảm nhận một cách ý thức và trưởng thành những trách nhiệm thuộc về mình, tự tập luyện con người nội tâm để đánh giá các tình huống, thiết lập những lựa chọn ưu tiên và tìm phương thế để thực hiện những lựa chọn ấy. Tất cả những thực hành này đều được đặt dưới ánh sáng đức tin và thể theo những đòi buộc thần học của chính công việc mục vụ.

KẾT LUẬN

 “Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử như lòng Ta mong ước” (Gr 3,15); lời tuyên sấm này của tiên tri Giêrêmia đã được đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đặt một cách long trọng ngay ở dòng đầu tiên của tông huấn Pastores Dabo Vobis và một lần nữa nó cũng được lặp lại ngay ở dòng đầu tiên của phần kết luận. Điều này cho thấy niềm tin tưởng và mong ước lớn lao của đức thánh Giáo hoàng nơi các linh mục, những con người được thánh hiến, sẽ họa lại lối sống của Đức Giêsu, vị mục tử nhân lành.

Thực tế cho thấy trong Giáo Hội, từ xưa đến nay, có nhiều vị mục tử, nhưng không phải mục tử nào cũng được “như lòng Chúa mong ước”. Được Thiên Chúa tuyển chọn và kêu gọi qua thiên chức linh mục, nhưng chính bản thân các linh mục phải đáp trả lại lời kêu gọi ấy bằng việc nổ lực hoàn thiện chính mình qua việc rèn luyện đời sống nhân bản, tâm linh, tri thức và mục vụ. Cả bốn phương diện này đều quan trọng trong việc đào tạo các ứng sinh linh mục và ngay cả trong đời sống của các linh mục. Tuy nhiên, trong một môi trường xã hội với sự phát triển không ngừng của các ngành khoa học kỹ thuật cùng với sự ra đời của nhiều chủ thuyết xã hội và tôn giáo khác nhau, các ứng sinh linh mục và các linh mục cần phải trang bị và làm giàu cho mình những vốn tri thức cần thiết để có thể giữ vững đức tin của mình, đồng thời thực thi sứ vụ đối thoại và rao giảng Tin Mừng trong hoàn cảnh mới.

Đối với các linh mục, chắc hẳn chúng ta thường có xu hướng cho rằng: những kiến thức về triết học, thần học và mục vụ thì tôi đã được đào tạo từ khi tôi còn ở chủng viện rồi, như thế là quá đủ và tôi yên tâm thực thi sứ vụ mục tử của mình. Thực ra kho tàng tri thức trong lòng Giáo Hội và xã hội là vô tận; và một khi thực tâm tìm kiếm để học hỏi, chúng ta mới nhận ra rằng những gì mà mình biết chỉ là giọt nước giữa biển khơi. Ngoài ra, với sự đổi thay không ngừng của hoàn cảnh xã hội trong thời đại mới, việc cập nhật những kiến thức về thần học mục vụ cho phù hợp với môi trường mục vụ là điều không thể tránh khỏi. Do đó, việc học hỏi, trau dồi tri thức mục vụ trong đời sống linh mục phải là công việc thường xuyên và liên tục. 

Nói về vấn đề này, Tông huấn đã dành nguyên một chương, từ số 70 cho đến 81, để nói về việc đào tạo trường kỳ dành cho các linh mục triều hay dòng. Trong đó Tông huấn kêu gọi tổ chức những khóa huấn luyện trường kỳ dành cho các linh mục ở mọi lứa tuổi, nhất là các linh mục trẻ[20]. Chính bản thân từng linh mục phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm về việc đào tạo trường kỳ của mình trong Giáo Hội[21]. Tiếp theo, giám mục là người chịu trách nhiệm trong nền đào tạo trường kỳ ấy[22]. Ngài cùng với linh mục đoàn có thể yêu cầu sự đóng góp từ phía các phân khoa và các học viện thần học và mục vụ, các chủng viện, các cơ quan và hiệp hội cùng nhau tham gia vào công việc đào tạo các linh mục.

Hình thức của việc đào tạo này có thể diễn ra trong những buổi gặp gỡ giữa giám mục với linh mục đoàn, hoặc trong bầu khí phụng vụ, hoặc trong bầu khí mục vụ, văn hóa. Ngoài ra, linh mục đoàn có thể thực hiện việc đào tạo trường kỳ bằng việc gặp gỡ, suy tư, chia sẻ những kinh nghiệm cho nhau... tất cả những phương thế này đều rất hữu ích cho việc trau dồi đời sống tri thức của các ngài.   

Dù biết rằng, việc học tập và rèn luyện tri thức trong đời sống của các linh mục không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng do bản chất đời sống thánh hiến và sứ vụ của mình, chúng ta, những linh mục của Chúa, cần phải tận dụng mọi thời gian và hoàn cảnh để huấn luyện mình trở thành những mục tử như lòng Chúa mong ước. Tất cả những nổ lực này, chúng ta tin tưởng có ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần như lời của Đức thánh giáo hoàng đã nói trong tông huấn: “Anh em linh mục rất thân mến, sở dĩ anh em xả thân như vậy là bởi vì chính Chúa, với sức mạnh của Thần Khí Ngài, đã mời gọi anh em làm cho kho tàng vô giá là tình yêu của Vị Mục Tử Nhân Lành được hiện diện trong những chiếc bình sành là cuộc đời khiêm tốn của anh em”[23].
 
[1] X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về đào tạo linh mục - Optatam Totius : Quá trình lịch sử về việc đào tạo linh mục.  
[2] ibid.
[3] Pastores Dabo Vobis, số 51.
[4] Jean Deveaux, Đức Tin Của Người Công Giáo, Tủ sách ĐẠI KẾT, 1992, tr. 13 (bản dịch của Lm. Duy Ân Mai, ofm).
[5] Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, số 94.
[6] Jean Deveaux, op. cit, tr 16.
[7] Pastores Dabo Vobis, số 51.
[8] Ibid.
[9] Ibid, số 12.
[10] Ibid, số 18.
[11] X. Pastores Dabo Vobis, số 7.
[12] Ibid, số 52.
[13] X. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Đức tin và lý trí, 2002, số 25.
[14] X. Pastores Dabo Vobis, số 52.
[15] Ibid, số 53.
[16] Ibid, số 42.
[17] Pastores Dabo Vobis, số 53.
[18] Ibid.
[19] X. Pastores Dabo Vobis, số 57-59.
[20] X. Pastores Dabo Vobis, số 76.
[21] X. Pastores Dabo Vobis, số 79.
[22] Ibid.
[23] Pastores Dabo Vobis, số 82.
 
 

 

Tác giả: Lm. Phaolô Võ Đình Hoài

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây