Lược sử Giáo xứ Phú Long
Chủ bút, Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi – Lm. Phêrô Hà Đức Ngọc
2025-02-27T21:22:36-05:00
2025-02-27T21:22:36-05:00
https://gpquinhon.net/lich-su-giao-phan-giao-xu/luoc-su-giao-xu-phu-long-6647.html
https://gpquinhon.net/uploads/news/2025/snapedit_1740656152560_resize.png
Giáo phận Qui Nhơn
https://gpquinhon.net/uploads/banertrongsuot.png
Thứ năm - 27/02/2025 06:11
GIÁO XỨ PHÚ LONG
Bổn mạng : Tổng lãnh thiên thần Micae, ngày 29.9
I. VỊ TRÍ – ĐỊA LÝ
Giáo xứ Phú Long bao gồm địa bàn thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây, Tp. Quảng Ngãi, thôn Hà Nhai Bắc xã Tịnh Hà và các xã Tịnh Thọ và Tịnh Phong thuộc huyện Sơn Tịnh. Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Phú Long, tọa lạc tại đội 11, thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi.
Đây là khu vực đồng bằng của huyện Sơn Tịnh nằm trên tả ngạn sông Trà Khúc, giáp giới với huyện Bình Sơn ở phía Bắc. Qua một số hiện vật khảo cổ, người ta biết xưa kia ở địa hạt này từng có các cộng đồng cư dân cổ, chủ nhân của thời kỳ đồ đá cũ tại khu vực Gò Trá (nay thuộc xã Tịnh Thọ), chủ nhân của nền văn hóa Tiền Sa Huỳnh ở Núi Sứa (nay thuộc xã Tịnh Ấn Tây). Tiếp sau là cư dân Chăm sống rải rác ở nhiều nơi. Năm 1402 tướng nhà Hồ là Đỗ Mãn đem quân sang đánh Chiêm Thành. Vua nước ấy là Ba Đích Lại yếu thế phải dâng đất Chiêm Động và Cổ Lũy (tức Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay) để cầu hòa. Nhà Hồ đã phân đất Cổ Lũy thành châu Tư và châu Nghĩa.[1] Từ lúc ấy người Việt từ phía Bắc đã di cư vào sinh sống tại vùng đất này thế chỗ người Chăm.
Vì là vùng châu thổ sông Trà Khúc, nên địa bàn giáo xứ Phú Long được phù sa bồi đắp, đất đai màu mỡ, phì nhiêu, tạo nên những cánh đồng lúa, mía, ngô, dâu tằm, rau quả với sản lượng cao, phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân và sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Trên địa bàn giáo xứ có xã Tịnh Thọ và xã Tịnh Phong là 2 trong số 5 xã của huyện Sơn Tịnh đạt bình quân lương thực đầu người từ 500kg trở lên. Cùng với việc sản xuất nông nghiệp, người dân còn sống bằng nghề chăn nuôi trâu (nhiều nhất ở xã Tịnh Phong), bò (nhiều nhất ở xã Tịnh Thọ) và heo (nhiều nhất ở xã Tịnh Hà) và các loại gia cầm. Ngoài ra, còn có nghề khai thác đá xây dựng, nổi tiếng như các mỏ đá ở xã Tịnh Thọ.
Đặc biệt, trên địa bàn giáo xứ Phú Long có quốc lộ 1A, đường sắt và đường cao tốc 1 chạy ngang qua từ Bắc xuống Nam. Đây cũng là một yếu tố quan trọng góp phần thay đổi nhanh đời sống kinh tế của người dân. Thật vậy, nhờ hệ thống đường sá hiện đại, từ một vùng đất nông nghiệp và chăn nuôi, trong những năm gần đây, địa bàn này đã chuyển đổi thành vùng kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Nhiều nhà máy, xí nghiệp được hình thành trên cụm công nghiệp làng nghề xã Tịnh Ấn Tây, đã tạo ra cho nhân dân trong vùng có cơ hội được tìm kiếm công việc ổn đinh, trang trải cuộc sống gia đình, phát triểm kinh tế.
Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn 2 xã Tịnh Phong và Tịnh Thọ có Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, diện tích 660ha với thời hạn vận hành 70 năm (2012-2082), tỷ lệ lấp đầy: 100%. Nằm trong Khu kinh tế Dung Quất, Khu công nghiệp VSIP này cung cấp hạ tầng sản xuất cho 33 nhà đầu tư từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, giải quyết việc làm cho hơn 28.000 lao động, với các ngành nghề đầu tư: dệt may, da giày, thực phẩm, nước giải khát, các mặt hàng tiêu dùng nhanh, lắp ráp linh kiện điện tử và các ngành công nghiệp phụ trợ.
Bên cạnh Khu công nghiệp VSIP, còn có Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Tịnh Phong đang được tiến hành xây dựng, trong đó 13 dự án đã đi vào sản xuất. Các nhà máy gạch tuynen, xi măng, bê tông, tinh bột mì, sản xuất trụ điện ly tâm, đá granit xuất khẩu, xí nghiệp hàng may mặc xuất khẩu, chế biến lâm sản xuất khẩu… đã và đang sản xuất có hiệu quả. Dự kiến đến năm 2030 Tịnh Phong sẽ trở thành thị trấn của huyện Sơn Tịnh.
II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
1. Giáo họ thuộc giáo xứ Phú Hòa
Nguồn gốc của giáo xứ Phú Long ngày nay là họ đạo Hà Nhai (còn gọi là xóm đạo Ông Tạ, tức ông Tôma Nguyễn Tạ), thuộc giáo xứ Phú Hoà, đã có từ lâu. Tại đây có một ngôi nhà nguyện bằng tranh tọa lạc tại thôn Hà Nhai (trước kia thuộc xã Tịnh Trung, sau này là xã Sơn Trung huyện Sơn Tịnh; nay là thôn Hà Nhai Bắc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) và có lễ Bổn mạng là lễ Chúa Ba Ngôi.
Sau đó, ông Micae Văn Gia (còn gọi là ông xã Gia, cháu ông Văn Lễ người gốc Bắc di cư vào Nam trong cuộc Nam tiến thời chúa Nguyễn Hoàng) là người đạo theo nhưng có lòng vì Chúa và Giáo hội, nên đã hiến miếng đất vườn của mình và dời ngôi nhà nguyện bằng tranh từ Hà Nhai về đây. Miếng đất này ở trước vườn ông Philipphê Văn Xứ tại ấp Đa Ngân xã Sơn Long (nay là xóm 11 thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây).
Nhân dịp nhà thờ Chợ Mới (Thiên Lộc) chuẩn bị xây mới, con ông Văn Gia là ông Giuse Văn Mai (còn gọi là Văn Chai), làm biện việc, đã xin dàn kèo gỗ mang về Phú Long. Chính ông Văn Mai lại dời nhà nguyện về Vườn Đua cách đó khoảng 200m (bãi đất để đua ngựa, nay là vườn ông Văn Vịnh). Tại đây, ngôi nhà mới này tuy vẫn là nhà tranh, vách đất quét vôi nhưng có gian dâng lễ, chỗ dạy giáo lý, nhà vệ sinh, buồng tắm. Trong thời gian này, hằng năm, các cha về dâng lễ Bổn mạng và làm phước lệ (cho xưng tội và rước lễ).
Đến năm 1963, nhờ may mắn có một số tiền lớn, cha Phêrô Khổng Văn Giám xây dựng ngôi nhà thờ mới bằng gạch, đá, xi măng, lợp ngói trên miếng đất 900m² (là miếng đất vườn nhà thờ hiện tại) mà ông Philipphê Văn Toà (còn gọi là ông Ga) hiến cho giáo họ, đồng thời đổi tên giáo họ Hà Nhai thành giáo họ Phú Long (ghép chữ Phú lấy từ giáo xứ Phú Hoà và chữ Long lấy từ xã Sơn Long). Cha Giám cũng đổi lễ Bổn mạng của giáo họ: từ lễ Chúa Ba Ngôi thành lễ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae (lấy theo tên thánh ông câu Micae Văn Viết Quỳnh, còn gọi là ông Thông, tức ông nội của cha Grêgôriô Văn Ngọc Anh). Như vậy, cha Giám đã xây dựng giáo họ Phú Long ổn định với nhà thờ mới, tên gọi mới và Bổn mạng mới. Giáo dân sống chung quanh nhà thờ phần lớn đều mang họ Văn, bà con với cha Grêgôriô Văn Ngọc Anh.
Thời gian chiến tranh loạn lạc trong 2 thập niên 60-70, giáo dân xiêu tán, nhà thờ hoang phế. Ông Tôma Văn Chí làm biện họ Phú Long từ năm 1972. Sau biến cố năm 1975, giáo dân chỉ còn lại một “số sót” ít ỏi với ngôi nhà thờ xuống cấp trầm trọng. Ông Philipphê Văn Xứ và bà con giáo dân phải dùng những cây tre để chống đỡ ngôi nhà thờ khỏi sụp đổ!
Năm 2001 cha sở Gioan Baotixita Đỗ Trung Thanh bị bệnh nặng, đi chữa bệnh tại Sài gòn, cha giao cho cha phó là cha Tadêô Lê Văn Ý tiến hành sửa chữa nhà thờ. Khi tiến hành sửa chữa nhỏ để giữ lại xác nhà thờ thì bị ngăn cản. Tuy vậy giáo dân tại giáo họ vẫn quyết tâm, mỗi ngày một ít, kiên trì bảo vệ và sửa sang, làm việc không rầm rộ, bắt đầu từ bên trong lòng nhà thờ rồi dần dần đến bên ngoài. Bà con giáo dân nghĩ rằng, tuy không được sửa chữa, nhưng phải cố gắng giữ cho ngôi nhà thờ khỏi sập, vì khi sập xuống thì khó mà xây dựng lại, và vì thế sẽ có thêm nhiều khó khăn mới xuất hiện.
Vào năm 2004 cha Gioan Baotixita Đỗ Trung Thanh tiến hành thủ tục làm Sổ Đỏ cho nhà thờ Phú Long. Cha Thanh cũng đã gởi thư xin bà bà Isave Trần Thị Ngùy, quả phụ ông Philipphê Văn Toà, xác nhận hiến đất để tiến hành làm Sổ Đỏ. Ngày 12 tháng 9 năm 2005, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất cho vườn nhà thờ Phú Long với diện tích 900m².
Cơn bão số 9 năm 2009 đã làm cho nhà thêm hư hại nặng. Ngày 10 tháng 9 năm 2009 Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn chính thức bổ nhiệm cha Ý làm cha sở giáo xứ Phú Hòa thay thế cha Thanh về Tòa Giám mục nghỉ hưu. Dựa vào Sổ Đỏ đã có, từ tháng 10 năm 2009, nhờ sự giúp đỡ tài chánh của nhiều người, cha Ý mua vật liệu xây dựng tiến hành gia cố nền móng và cột trụ bên trong nhà thờ, từ đó giáo dân có thể yên tâm đọc kinh trong nhà thờ. Lễ Phục sinh năm 2010, cha sở đến dâng lễ tại đây, những người già yếu vui mừng vì khỏi phải đi xa.
Ngày 29 tháng 9 năm 2010, lễ kính Tổng lãnh Thiên thần Micae, bổn mạng của giáo họ, lần đầu tiên kể từ sau năm 1975 giáo họ Phú Long mừng lễ bổn mạng giáo họ tại nhà thờ của mình, do cha sở chủ sự và cha Grêgôriô Văn Ngọc Anh, cha sở Bàu Gốc đồng tế, với sự tham dự của khoảng 100 giáo dân trong giáo họ và đại diện giáo xứ Phú Hòa, cùng với các nữ dòng Mến Thánh Giá thuộc cộng đoàn Cô nhi viện Phú Hòa. Đây cũng là lần đầu tiên cha Grêgôriô Văn Ngọc Anh được dâng thánh lễ tại quê nội. Sau đó, cha Ý tiếp tục xây phòng lễ phục, đóng bàn ghế cho giáo dân, đặt nhà tạm Thánh Thể. Ngày 12 tháng 7 năm 2011, nhà thờ được Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi làm phép để có thể dâng lễ hàng tuần vào mỗi Chúa nhật.
Vì mặt tiền nhà thờ còn bị nghiêng, nên tháng 4 năm 2013 công việc trùng tu lại tiếp tục. Tuy nhiên, vừa gia cố được khung sườn để giữ khỏi đổ xuống, thì bị ngăn cản. Ngày 12 tháng 6 năm 2014 việc trùng tu lại tiếp tục và toàn bộ nhà thờ được hoàn toàn đổi mới, được cha Hạt trưởng Quảng Ngãi lúc bấy giờ Giuse Trương Đình Hiền làm phép khánh thánh vào ngày 29 tháng 9 năm 2015, Lễ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, cũng là ngày bổn mạng giáo họ Phú Long.
Năm 2016, cha Phêrô Maria Hà Đức Ngọc, cha sở Phú Hòa, tận dụng thời điểm Nhà Nước đo đạc lại đất làm Sổ Hồng, đã mở rộng thêm vườn nhà thờ và ngày 28 tháng 6 năm 2019 đã được cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất cho vườn nhà thờ Phú Long với diện tích 1.120,8m².
Được sự đồng ý của Đức cha Mátthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục giáo phận, ngày 21 tháng 02 năm 2023, cha Phêrô Maria Hà Đức Ngọc khởi công xây dựng nhà xứ, nhà xe, nhà kho..., tường rào cổng ngõ và tháp chuông tại vườn nhà thờ Phú Long. Cha Ngọc cũng mua miếng đất phía trước nhà thờ với diện tích 596m² và đã cải tạo lại đất, trồng cau.
2. Thành lập giáo xứ Phú Long
Ngày 19 tháng 2 năm 2025, Đức cha Matthêô ký văn thư thành lập giáo xứ Phú Long và văn thư bổ nhiệm cha Phêrô Hà Đức Ngọc làm tân chánh xứ. Ngày 25 tháng 2 năm 2025, tại nhà thờ Phú Long, Đức cha Mátthêô chủ sự nghi thức làm phép tháp chuông, nhà xứ, tượng đài Đức Mẹ và Thánh Giuse, công bố các văn thư trên, chủ sự thánh lễ tạ ơn và nghi thức nhậm chức của cha tân chánh xứ. Đây là giáo xứ thứ 2 tách ra từ giáo xứ Phú Hòa và là giáo xứ thứ 11 của giáo hạt Quảng Ngãi.
Hiện nay giáo xứ Phú Long có 76 gia đình, với 231 giáo dân.
[1] Xem TRẦN TRỌNG KIM, Việt Nam sử lược, quyển 1, Bộ Giáo dục – Trung tâm Học liệu xuất bản, 1971, tr. 191.
Tác giả: Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi – Lm. Phêrô Hà Đức Ngọc