Linh mục -người là ai ?

Thứ bảy - 09/11/2024 08:41
linhmuc
 
Linh mục-Người là ai? Linh mục thưa trong tiếng lòng chân thành: Là người của lòng thương xót. Tại sao vậy? Vì Chúa Giêsu là linh mục đời đời, là lòng thương xót nên Ngài muốn những linh mục của Ngài cũng là người của lòng thương xót. Vậy linh mục vừa là người loan truyền cho toàn thế giới sứ điệp Lòng Thương Xót của Chúa vừa là hiện thân của lòng thương xót ấy.
 
Linh mục, người loan truyền lòng thương xót.
 
Tôi chuẩn bị mừng hồng ân ngân khánh linh mục, ít nhiều cũng thấm ba chữ lòng thương xót. Gọi ít nhiều, vì ba chữ ấy tôi sống chưa trọn vẹn, lắm lúc rơi vào kiểu: “được chăng hay chớ” nghĩa là nói nhiều, nói hùng hồn về lòng thương xót nhưng làm thì thiếu trách nhiệm, thiếu cố gắng, kết quả sao cũng được. Nhớ lại bài giảng của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thánh lễ phong thánh cho sơ Faustina Kowalska, nữ tu dòng Đức Mẹ Nhân Lành vào năm 2000: “Chúng ta sẽ đem đến điều gì cho những năm sắp tới? Chúng ta không biết tương lai của nhân loại sẽ đi về đâu. Ngày nay, bên cạnh những tiến bộ mới; bất hạnh thay, lại không thiếu những kinh nghiệm đau thương. Nhưng ánh sáng của lòng Chúa thương xót mà Người đã trao cho thế giới qua sơ Faustina sẽ soi chiếu cho con đường của nhân loại trong ngàn năm thứ ba này”.
 
'Chúng ta không biết tương lai của nhân loại sẽ đi về đâu'. Nhưng linh mục biết mình sẽ đi về đâu; biết mình đang đi trên đường về với Chúa. Linh mục không về với Chúa một mình mà với anh chị em của mình. Từng ngày, từng ngày để cùng đi với họ, linh mục cùng với thánh Faustina Kowalska đón nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu để làm người loan truyền cho toàn thế giới sứ điệp Lòng Thương Xót: “Mỗi khi nghe đồng hồ điểm 3 giờ, con hãy dìm mình hoàn toàn vào trong lòng thương xót của Cha để thờ lạy và tôn vinh. Con hãy kêu nài quyền năng lòng thương xót Cha cho toàn thế giới, nhất là các tội nhân đáng thương, vì vào giờ phút ấy, lượng tình thương được mở ra cho mọi linh hồn” (NK 1572). Kinh nghiệm dìm mình hoàn toàn vào lòng thương xót của Chúa sẽ giúp mục tử biết thương xót từng con chiên. Đó là những kinh nghiệm: lắng nghe, cảm thông, bao dung, an ủi, hòa giải và chữa lành. Những kinh nghiệm này sẽ giúp mục tử hóa giải chia rẽ, cô đơn, bất hạnh, nghèo khổ, thất vọng, tan vỡ mà tạo sự hiệp nhất. Lòng mục tử không còn dửng dưng, ích kỷ, tranh giành, ghen tức, nói hành, nói xấu cách hữu ý hay vô tình. Mục tử trở nên người dễ gần, dễ thương và anh chị em dễ thổ lộ tâm tình. Đây chính là cách loan truyền lòng thương xót của Chúa.
 
Ánh sáng của lòng Chúa thương xót giúp mục tử không quên mình là linh mục của Đức Kitô, người: “Có bổn phận gìn giữ sứ điệp này luôn sống động, trong lời rao giảng cũng như trong lối sống; trong các biểu hiện cũng như trong các chọn lựa mục vụ. Ví dụ, chọn lựa ưu tiên cho bí tích hoà giải và các công việc của lòng thương xót”[1].
 
'Có bổn phận gìn giữ sứ điệp này luôn sống động' là như Chúa Giêsu chạnh lòng thương khi thấy đám đông dân chúng lầm than, vất vưởng như đàn chiên không người chăn dắt[2]; hay vội vã đi tìm con chiên lạc[3]… Như Chúa Giêsu, linh mục còn biểu lộ lòng thương xót trong bí tích hoà giải từ cách: cư xử, đón tiếp, khuyên bảo và đọc lời tha tội sao cho anh chị em ra về trong an bình.
 
Để được điều đó linh mục phải sống bí tích này khi thực sự cảm nhận lòng thương xót của Chúa đã dành cho mình: thật sự khóc cho những thiếu sót yếu đuối của mình, xúc động thổn thức về cách cư xử đại lượng của Chúa, những cơ hội Chúa tạo ra để xét mình, để hối lỗi, ăn năn và đổi mới đời sống.
 
Lòng đã đầy thì miệng phải nói ra. Linh mục nói cho ai nghe nếu không ra đi gặp gỡ người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, người sạch sẽ đẹp đẽ cũng như người dơ dáy xấu xí, người lành cũng như kẻ dữ, người giàu cũng như người nghèo, những người bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội, bị khinh khi… để làm cho người vui thêm vui, người buồn, thất vọng, khốn cùng được ủi an nâng đỡ, người bị lở loét được băng bó những vết thương. Tất cả họ được chăm sóc cách chu đáo, tận tình. Và rồi linh mục cũng cần tìm hiểu về tính tình, hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế của từng người để cảm thông và chia sẻ. 
 
Như vậy, là linh mục tôi vừa đóng vai của người mẹ để cho con hơi ấm mùa đông, gió mát mùa hè; vừa đóng vai người cha để dạy dỗ răn đe, hướng dẫn; vừa là thẩm phán để cho con cái biết đúng sai mà chọn lựa. Khi làm được như vậy đúng là linh mục đang loan truyền lòng thương xót của Chúa cho chiên được dìm mình hoàn toàn trong lòng thương xót, được sống và sống dồi dào hạnh phúc và tình mục tử với chiên ngày thêm đậm đà, tròn đầy bát phúc:

“Yêu chiên non, chiên lở, chiên què
Con chiên lạc tìm kiếm đưa về
Đồng cỏ xanh sáng ngời bát phúc”[4].

 
Linh mục hiện thân lòng thương xót của Chúa.

Đâu đó giáo dân cũng nhận xét: cha này khó quá, cha kia rất dễ. Khó quá vì nghiêm nhặt, bắt bẻ từng chút. Dễ quá là buông lỏng, sao cũng được. Nhận xét ấy thuộc cảm tính của mỗi người, điều quan trọng là linh mục, tôi tự hỏi mình thuộc linh mục dễ hay khó. Suy nghĩ nhiều cộng với kinh nghiệm tôi tạm kết luận khó và dễ cả hai đều không đúng. Vì sao? Vì dễ quá sẽ dẫn đến chỗ sao cũng được, hóa ra mình thành ‘ba phải’; còn khó quá thì việc gì cũng theo luật, vị luật mà vị luật dẫn đến thiếu bác ái. Thánh Phaolô đã chẳng quả quyết đức Mến cao trọng nhất đó sao[5]. Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Theo bước Chúa Kitô, trong việc quan tâm và động lòng thương mọi người, tình yêu là biểu hiện cao nhất của đức tin và niềm hi vọng của chúng ta”[6]. Lòng thương xót là bước nhảy vọt của tình yêu, đưa linh mục ra khỏi chính mình, tạo nên mối chia sẻ - hiệp thông và trở thành hiện thân lòng thương xót của Chúa, vì “Tình yêu thương mang tính xã hội giúp chúng ta có khả năng tiến tới nền văn minh tình yêu, mà mọi người chúng ta đều cảm nhận mình được kêu gọi đến. Lòng bác ái, nhờ sức năng động phổ quát, có khả năng xây dựng một thế giới mới. Bác ái không đơn thuần là tình cảm, nhưng là phương thế tốt nhất để khám phá những con đường phát triển hữu hiệu đối với mọi người”[7]. Con người hiện hữu là hiện thân của lòng thương xót của Chúa. Nên lòng thương xót của linh mục luôn tôn trọng mọi người; lòng tôn trọng ấy được thể hiện: lắng nghe khi giáo dân chia sẻ, gần gũi thấu hiểu hoàn cảnh của họ mà cảm thông, đồng hành để chữa lành những vết thương trong tâm hồn họ qua con đường hoà giải với Chúa và tha nhân. Đây là món quà mang lại ý nghĩa không những cho đời mục tử mà còn cho đàn chiên. Đàn chiên sẽ cảm nhận vị mục tử của mình đích thực là người Samaritanô nhân lành[8] trong thời đại mới, trong giáo xứ của mình. Vị mục tử có lòng trắc ẩn, thương xót như Đức Kitô là hiện thân của Đức Kitô.
 
Mục tử nghiêm nhặt hay dễ dãi đều không phải là mục tử có lòng thương xót, cả hai điều ấy không giúp đàn chiên nên thánh. Chính lòng thương xót mới giúp mọi người nên thánh. Lòng thương xót là con đường nên thánh của mục tử, một con đường đầy vất vả, mệt nhọc và cả đau khổ nữa; nhưng những vất vả, mệt nhọc, đau khổ ấy là những nụ hoa sẽ nở những bông hoa của lòng thương xót. 
 
Những vất vả, mệt nhọc, đau khổ của người mục tử là gì? Xin thưa, đó là mau nghe mà chậm nói, vì ai cũng thích nói hơn thích nghe. Biết nói đúng lúc và nghe đúng thì, khi cần nói phải “nói những lời tích cực để vỗ về, trợ lực, an ủi và khích lệ chứ không nói những lời miệt thị, bi quan, khích bác hoặc chê bai[9] là một khó khăn. Đôi khi để trao tặng niềm hi vọng, chỉ cần là một cử chỉ tử tế, “sẵn sàng bỏ qua những bận tâm và việc cần làm ngay của mình để lưu tâm đến người khác, để trao tặng một nụ cười, để nói một lời khích lệ, để lắng nghe giữa một nơi chốn đầy vẻ dửng dưng”[10] cũng là một khó khăn. Nếu cố gắng sống tử tế như thế mỗi ngày, mục tử sẽ có thể tạo được một bầu khí chung lành mạnh, nhờ đó vượt thắng các hiểu lầm và tránh những xung đột. Linh mục hiện thân của lòng Chúa thương xót hoàn toàn trái ngược với lối sống màu mè, trưởng giả. Linh mục của lòng Chúa thương xót luôn có thái độ quý mến và tôn trọng mọi người nhất là những người hèn mọn, bị bỏ rơi, bị loại trừ. Trước người đang khóc cho cuộc đời lầm lỡ, tôi có khóc cho những lỗi lầm của tôi? Hay nước mắt tôi đã khô cạn từ lâu bởi tôi tự cho mình là người trong sạch? Trước đau đớn trong cô đơn của một em bé đang quằn quại vì cơn bạo bệnh, tôi có là lòng nhân hậu, dịu dàng cho em? Trước cảnh đổ vỡ đáng thương của một gia đình giáo dân, tôi có là ‘keo’ yêu thương để họ hàn gắn không? Trước lầm lạc của một người, không tìm được hướng trở về, tôi có là hải đăng để họ định vị mà trở về với lòng thương xót của Chúa không?
 
Để ước muốn là hiện thân của lòng Chúa thương xót thành hiện thực, cách tốt nhất là người mục tử luôn đặt mình trước Thánh Thể, vì Thánh Thể là hình ảnh sống động của lòng Chúa thương xót. Trước Thánh Thể mục tử cầu nguyện cho mình và cho đàn chiên. Mục tử cầu nguyện với Thánh Thể như tổ phụ Abraham đã cầu xin Chúa tha cho dân thành Sôđôma khỏi bị lửa từ trời thiêu huỷ[11]; hay cầu nguyện như ông Môsê đã cầu nguyện với Chúa cho dân cứng đầu, cứng cổ, kêu trách Thiên Chúa khỏi cơn thịnh nộ của Chúa. Chúa nói với ông Môsê: “Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng” và Môsê đã thưa với Chúa: “Xin Chúa nguôi cơn giận và tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi dân Chúa”, và Nếu Chúa muốn tiêu diệt họ, thì xin hãy tiêu diệt con trước đi[12]. Quả thật, đây là hành động của vị mục tử có lòng thương xót.
 
Linh mục là người loan truyền và là hiện thân của lòng Chúa thương xót đừng ngần ngại đến với mọi người, dù họ thuộc tôn giáo nào; hãy tôn trọng họ, gần gũi họ, hiểu biết từng người tùy hoàn cảnh mỗi người mà có thể để nâng đỡ, để vỗ về, để an ủi với trái tim của người mục tử.

 Lòng thương xót của người mục tử sẽ tạo nên bầu khí trong lành đầy tình thương, một tình thương giúp nhau nên thánh. Trong ngày tận thế, Thiên Chúa chỉ phán xét mục tử về đức bác ái và Đức Kitô gọi những người có lòng thương xót là kẻ được Chúa Cha chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”[13].   
 

[1] Lm. MỸ SƠN, LINH MỤC, NGƯỜI CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT, nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/tin-tuc/linh-muc-nguoi-cua-long-thuong-xot-.html. 
[2] Mc 6,30-44.
[3] Xem Lc 15,4-7.
[4] CÁT ĐEN, Vườn trăng, NXB Hồng Đức 2023, tr.55.
[5] Xem 1Cr 13,13.
[6] ĐGH PHANXICÔ, Sứ điệp mùa chay 2021, nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-mua-chay-2021-cua-duc-thanh-cha-phanxico-41370
[7] ĐGH PHANXICÔ, thông điệp Fratelli Tutti, 183.
[8] Xem Lc 10, 25-37.
[9] Thông điệp đã dẫn, 223.
[10] Thông điệp đã dẫn, 224.
[11] Xem St 18,24-32.
[12] Xem Xh 32, 1-35.
[13] Xem Mt 25,31-46

 

Tác giả: Lm. Gioakim Nguyễn Đức Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây